Theo đó, thời gian bắt đầu áp dụng chậm nhất là từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.
Cụ thể, chiều nay (21/11), ông Phan Thanh Bình -Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trình bày trước Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết điều chỉnh lộ trình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Theo Báo cáo giải trình, các đại biểu thống nhất cao với sự cần thiết phải điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (SGK GDPT) mới để bảo đảm tính khả thi và chất lượng chương trình.
Đa số đại biểu Quốc hội đồng ý lùi thời gian thực hiện Nghị quyết 88 và thay đổi triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới. Ảnh Hải Nam.
Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cùng các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; bỏ phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới.
Theo đó, điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới; đa số đại biểu Quốc hội đồng ý lùi thời gian thực hiện Nghị quyết 88 và thay đổi triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới theo hình thức cuốn chiếu tuần tự. Năm đầu tiên áp dụng với lớp đầu cấp tiểu học, năm thứ hai đối với lớp đầu cấp trung học cơ sở và năm thứ ba với lớp đầu cấp trung học phổ thông.
Hoàn thành quá trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa GDPT mới sau 5 năm kể từ năm bắt đầu triển khai.
Tuy nhiên về thời điểm bắt đầu triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới, có hai phương án:
Phương án 1: Nhiều đại biểu đồng tình với phương án Chính phủ đề xuất, bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới từ năm học 2019 -2020, lùi 1 năm so với thời gian quy định trong Nghị quyết 88.
Phương án 2: Nhiều đại biểu đề nghị nên bắt đầu áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021, lùi 2 năm vì thực tế thời gian qua các công việc đều chậm tiến độ, trong khi phần việc còn lại là rất lớn, đòi hỏi nhiều thời gian chuẩn bị để bảo đảm chất lượng triển khai chương trình.
Căn cứ ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký gửi phiếu xin ý kiến Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới với hai phương án nêu trên. Theo đó, có 412 đại biểu Quốc hội cho ý kiến.
Trong đó: Phương án 1 (lùi 1 năm) có 193 đại biểu đồng ý (chiếm 46,84%) số đại biểu trả lời và chiếm 39,31% tổng số đại biểu Quốc hội.
Phương án 2 (lùi 2 năm): Có 208 đại biểu đồng ý (chiếm 50,49%) số đại biểu trả lời và chiếm 42,36% tổng số đại biểu Quốc hội.
Kết quả lấy phiếu xin ý kiến cho thấy, cả 2 phương án, chưa có phương án nào có trên 50% tổng số đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến. Điều này thể hiện sự cân nhắc thận trọng của các đại biểu đối với thời gian cần thiết để chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới.
Để tạo điều kiện thuận lợi, chủ động trong điều hành của Chính phủ, đồng thời, không gây áp lực về thời gian, cân đối điều hành kinh phí hợp lý, kịp thời, hiệu quả, bảo đảm tính khả thi và chất lượng của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa GDPT mới, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho quy định về lộ trình áp dụng theo hướng:
Quốc hội đồng ý lùi thời gian và thực hiện phương thức triển khai cuốn chiếu tuần tự chương trình, sách giáo khoa GDPT mới; Thời hạn bắt đầu áp dụng chậm nhất là từ năm học 2020-2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với cấp trung học phổ thông.