Quốc hội đánh giá chất lượng hoạt động Thừa phát lại

PV| 09/11/2015 16:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 9/11, Quốc hội đã làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội​.

Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo trước Quốc hội.

Theo Báo cáo, thực hiện Nghị quyết số 36/2012/QH13 của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại (gọi là Nghị quyết số 36/2012/QH13), đến nay 13 địa phương thực hiện thí điểm đã có 53 Văn phòng Thừa phát lại được thành lập, đảm bảo các tiêu chí theo Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Mặc dù còn hạn chế về số lượng và chưa được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ, nhưng đội ngũ Thừa phát lại bước đầu đã đáp ứng yêu cầu hoạt động trong thời gian thí điểm. Tính đến hết ngày 30/9, ​các Văn phòng Thừa phát lại đã tống đạt 939.544 văn bản; lập và đăng ký được 42.911 vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án 885 vụ việc; tiếp tổ chức thi hành án 378 vụ việc.

Kết quả triển khai tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại khẳng định Nghị quyết số 36/2012/QH13 đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Chủ trương của Đảng về thí điểm Thừa phát lại được thể chế hóa và kiểm nghiệm trên thực tế, đã và đang từng bước đi vào cuộc sống, được người dân, xã hội đón nhận. Kết quả hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, góp phần ổn định các quan hệ xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, góp phần thúc đẩy kinh tế​-xã hội phát triển.

Bên cạnh đó, quá trình thực hiện thí điểm Thừa phát lại đã cung cấp nhiều dữ kiện, căn cứ mang tính khoa học và thực tiễn có giá trị để làm sáng tỏ nhiều vấn đề trong việc xã hội hóa hoạt động bổ trợ tư pháp, nhất là trong lĩnh vực thi hành án dân sự, đồng thời góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, tinh giản biên chế.

Quốc hội đánh giá chất lượng hoạt động Thừa phát lại

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày Báo cáo tổng kết việc tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trước Quốc hội

Tuy nhiên, qua thực tiễn thí điểm trong thời gian qua cho thấy, kết quả hoạt động xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành án của Thừa phát lại nêu trên còn thấp. Trong Tờ trình của Chính phủ cũng đã chỉ rõ, số lượng vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án thấp chủ yếu là do các nguyên nhân như:

Đây là hoạt động khó khăn, phức tạp, trong khi đó Thừa phát lại là một nghề mới, đang từng bước khẳng định vị trí trong hoạt động bổ trợ tư pháp và thị trường dịch vụ pháp lý...

Mặt khác, các quy định của Chính phủ về hoạt động này chưa tạo điều kiện đầy đủ cho Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại hoạt động, nhất là nhiệm vụ, quyền hạn không ngang bằng với Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự.

Đáng chú ý, do đang thí điểm nên hiểu biết của người dân, xã hội đối với chế định Thừa phát lại chưa nhiều.

Ngoài ra, hoạt động của một số Văn phòng Thừa phát lại được đánh giá là chưa đồng đều ở các địa phương thí điểm và ở các mảng công việc. Việc chuyển giao văn bản tống đạt giữa Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự với các Văn phòng Thừa phát lại không đều, không thường xuyên; việc thực hiện tống đạt văn bản còn sai sót, vi phạm. Một số trường hợp lập vi bằng không đúng thẩm quyền; chất lượng vi bằng chưa cao, còn có tâm lý chạy theo lợi nhuận.

Hoạt động xác minh điều kiện thi hành án gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các nguồn thông tin để thực hiện việc xác minh; thiếu sự hợp tác của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan; thực hiện xác minh điều kiện thi hành án chưa chính xác.

Số vụ việc trực tiếp tổ chức thi hành án còn ít, cá biệt có Văn phòng chưa tiếp nhận, tổ chức thi hành vụ việc nào. Chuyên môn, nghiệp vụ tổ chức thi hành án dân sự của các Văn phòng Thừa phát lại còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm…

Tuy nhiên, tờ trình cũng khẳng định, nếu chế định này được thực hiện chính thức, có thời gian, lộ trình thích hợp chắc chắn sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế và sẽ là cơ sở thực tiễn tốt để tiến tới thực hiện hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác thi hành án dân sự như các nước chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế đã thực hiện.

Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về kết quả thực hiện thí điểm và cho rằng, hoạt động Thừa phát lại đã xác định được vị trí của mình trong đời sống xã hội, tạo lập một loại hình dịch vụ pháp lý mới để người dân lựa chọn.

Sự phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại khẳng định chủ trương và nội dung thí điểm đã thành công bước đầu, nhất là trong điều kiện các loại hình dịch vụ Thừa phát lại cung cấp có tính chất khá mới so với hệ thống pháp luật hiện hành…

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cũng nêu rõ một số vấn đề hạn chế, bất cập như​ về xây dựng thể chế, qua hai giai đoạn thực hiện thí điểm, công tác tham mưu cho Chính phủ của Bộ Tư pháp cũng như phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai Nghị quyết của Quốc hội chậm, thiếu đồng bộ.

Một số quy định được ban hành không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại, đây cũng là nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả và khó tạo ra sự đồng thuận của các cơ quan đối với hoạt động Thừa phát lại.

Bên cạnh đó, chất lượng hoạt động Thừa phát lại, một số văn phòng Thừa phát lại còn những sai sót, ảnh hưởng tới niềm tin và sự lựa chọn dịch vụ của người dân cũng như các cơ quan Nhà nước…

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội đánh giá chất lượng hoạt động Thừa phát lại