Quốc hội đánh giá cao sáng kiến xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Mai Thoa| 26/11/2019 15:06
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 26/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.

Cơ chế tốt, thí điểm thành công

Thảo luận về dự án luật, đa số các đại biểu đồng tình với sự cần thiết ban hành dự án luật này. Hồ sơ dự án Luật đã được TANDTC chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đã tiến hành tổng kết việc thi hành pháp luật. Tòa án đã tổng kết việc triển khai thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại tại Tòa án ở 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá tác động; lấy ý kiến của Chính phủ, các bộ, ngành hữu quan; tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm; tham khảo kinh nghiệm pháp luật một số nước để hoàn thiện dự án Luật.

Các đại biểu cũng đánh giá cao về kết quả tổ chức thí điểm tại 16 tỉnh thành thời gian vừa qua. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành đạt trên 78% đã cho thấy ưu điểm của cơ chế mới này, góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước. Do đó, các đại biểu tán thành với TANDTC về sự cần thiết ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Quốc hội đánh giá cao sáng kiến xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành buổi thảo luận.

Đa số các ý kiến đánh giá cơ chế hòa giải, đối thoại này có nhiều ưu điểm, giúp giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, do đó sẽ hạn chế số lượng lớn các vụ việc phải đưa ra Tòa án xét xử. Kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành sẽ giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hàng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội.

Đại biểu Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, đây là giải pháp tốt cho ngành Tòa án, trong bối cảnh lượng án hàng năm tăng cao giải quyết áp lực quá tải trong giải quyết các loại vụ án. Mục tiêu mà Tòa án đặt ra là huy động nguồn lực chất lượng cao của xã hội, xây dựng đội ngũ Hòa giải viên chất lượng, trình độ năng lực và kinh nghiệm và tiết kiệm kinh phí cho nhà nước.

Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn và đề nghị xác định rõ một số nội dung là địa vị pháp lý của mô hình Hòa giải viên, tuy không phát sinh biên chế Tòa án nhưng lực lượng này do Tòa án quản lý, bổ nhiệm khen thưởng, phân công công việc… và họ làm việc tại trụ sở Tòa án. Nhưng mô hình này không phải là đơn vị sự nhiệp của Tòa án, vậy xác định địa vị pháp lý như thế nào cần làm rõ.

Còn về kinh phí, đại biểu tán thành phương án nhà nước không thu lệ phí hòa giải. Quy định như vậy thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong việc giải quyết những bức xúc của xã  hội.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cũng cho rằng, qua kết quả thí điểm cho thấy tại 16 tỉnh thành cho thất tỷ lệ hòa giải thành đạt 78,08% đã thể hiện được tính ưu việt của cơ chế mới này. Nhất là trong bối cảnh các vụ án dân sự,  kinh tế, hành chính tăng cao như hiện nay.

Quốc hội đánh giá cao sáng kiến xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án


Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) phát biểu đóng góp ý  kiến

Về phạm vi hòa giải, đại biểu nhất trí với dự thảo Luật, quy định theo hướng giới hạn phạm vi và đối tượng là các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính… có sự tham gia hỗ trợ của hòa giải viên để giải quyết vụ việc một cách nhanh chóng. Phạm vi này cũng phù hợp với cơ sở vật chất, nguồn hòa giải viên hiện nay của Tòa án. Theo báo cáo tổng kết thí điểm đối mới tăng cường hòa giải, tại 16 tỉnh Tòa án đã thành lập 124 Trung tâm hòa giải, trong đó 16 trung tâm tại Tòa cấp tỉnh, còn lại ở cấp huyện với danh sách 637 hòa giải viên.

Đại biểu Nguyên nhận định, qua thí điểm cho thấy hoạt động hòa giải khả thi và tỷ lệ hòa giải thành là một minh chứng. Như Tờ trình của Tòa án đã nêu, hoạt động này vừa thu hút được những người có kinh nghiệm trình độ tham gia hòa giải nhưng không làm phát sinh biên chế, bộ máy, lại giải quyết tốt tình trạng quá tải của Tòa án là điều đáng ghi nhận.

Tiết kiệm ngân sách Nhà nước, người dân

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cũng đánh giá đây là mô tiến bộ, được nhiều nước trên thế giới áp dụng và đều dựa trên quan điểm “đưa vụ việc ra Tòa xét xử chỉ là biện pháp cuối cùng” mà ưu tiên hòa giải. Tán thành với việc thiết lập phương thức mới này đại biểu cũng đề nghị chưa thu phí hòa giải như dự thảo luật đã đề ra.

Theo đại biểu Thủy, khác với việc xét xử tại Tòa án được thực hiện theo phương pháp hiến định là công khai, báo chí có thể tham dự thì hòa giải được tiến hành trong môi trường riêng, điều này giúp cho các bên yên tâm ngồi lại với nhau để hòa giải. Thậm chí, những uẩn khúc, những nguyên nhân sâu xa được tháo gỡ từ, giúp cho các bên yên tâm ngồi lại và cùng tìm ra giải pháp, bởi không phải vấn đề nào cũng thể nói công khai.

Điển hình như vụ ly hôn đình đảm của vợ chồng ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ đang diễn ra. Mọi mâu thuẫn trong quá trình chung sống cũng như những tình tiết vụ việc đã được báo chí đăng tải công  khai. Có lẽ đó là những vấn đề mà người trong cuộc không hề mong muốn.

Đại biểu Thủy cũng cho rằng, kết quả thí điểm vừa qua cho thấy đã hàn gắn được rất nhiều gia đình trước nguy cơ tan vỡ. Nhiều mâu thuẫn trong nhân dân, trong làm ăn kinh tế cũng đã được hòa giải và tìm ra phương pháp phù hợp nhất mà hai bên có thể chấp nhận. Trong khi đó, nếu xét xử tại Tòa án nếu mời những người trên tham gia là vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Bản án có thể bị hủy và xét xử lại, Tòa án chỉ có thể mời người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chứ không thể mời hòa giải viên tham gia phiên tòa. Chi phí xét xử một vụ án hiện nay rất tốn kém. Hiện nay để giải quyết 01 vụ án phải có 5 cán bộ tư pháp gồm Thẩm phán, các Hội thẩm, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án… Chưa kể có những vụ án phải mời giám định viên, Thẩm định giá, phiên dịch phiên tòa và phải trả chi phí cho những người này.

Kết quả thí điểm tại 16 tỉnh vừa qua đã khẳng định, đây là cơ chế tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước. Tỷ lệ thành công trên 78%, có tỉnh đạt trên 90% và không thu phí hòa giải.

Đối với các tranh chấp dân sự, công lý không phải là việc tuyên ai thắng ai thua, mà quan trọng nhất là Nhà nước tổ chức ra một thiết chế giúp cho người dân ngồi lại được với nhau. Do đó hòa giải, đối thoại tại Tòa án cần được xem là hướng đi ưu tiên trong ban hành chính sách của nhà nước, giúp tiết kiệm cho người dân, ngân sách Nhà nước, giảm tải cho Tòa án, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Tô Văn Tám (KonTum) cũng cho rằng, việc hòa giải trong dân sự cần thiết, tạo sự đồng thuận, tiết kiệm chi phí của Nhà nước, nhân dân. Vì vậy, ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là cần thiết. Cùng với đó nên cân nhắc bổ sung nguyên tắc của đối thoại, hòa giải phải trên cơ sở pháp luật. Về Hòa giải viên, nguồn khá phong phú, đây là hòa giải ngoài tố tụng nên cần có quy định để thu hút những người có kinh nghiệm, kỹ năng, đặc biệt là người có uy tín trong cộng đồng, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số… tham gia hòa giải là rất quan trọng.

Đánh giá cao sáng kiến của TANDTC

Sau phần thảo luận, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đã giải trình thêm một số vấn đề mà các đại biểu nêu và cho biết, với hơn 150 ý kiến đóng góp tại hội trường hôm nay và tại buổi thảo luận tại tổ vừa qua về dự thảo Luật thấy rằng, các đại biểu quan tâm và tán thành với việc cần thiết ban hành Luật. Chánh án khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp, bổ sung vào dự án luật để nâng cao chất lượng và đảm bảo tính khả thi khi luật được ban hành.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, có nhiều ý kiến có thể tiếp thu ngay được, như việc công nhận hoặc bổ nhiệm hòa giải viên có thể giao cho Chánh án cấp tỉnh thay vì Chánh án TANDTC.

Việc kháng nghị giám đốc thẩm khi có vấn đề sai sót, vi phạm nghiêm trọng mà các đại biểu đã nêu, TANDTC sẽ nghiên cứu tiếp thu.

Quốc hội đánh giá cao sáng kiến xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

Chánh án Nguyễn Hòa Bình giải trình thêm một số vấn đề của dự thảo Luật.

Đáng chú ý, với một số ý kiến đóng góp như quy định biện pháp khẩn cấp tạm thời, đảm bảo quyền trẻ em, hay hòa giải có yếu tố nước ngoài…. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ lưu ý và tiếp thu.

Liên quan đến một số ý kiến cho rằng nên quy định việc công nhận hòa giải viên thay vì bổ nhiệm, Chánh án cho biết, sẽ cân nhắc thêm vấn đề này. Hòa giải viên không phải công chức nhà nước. Trong quá trình làm việc, bản thân hòa giải viên phải có một số nghĩa vụ như bảo vệ bí mật cho đương sự, không được làm những điều cấm… nên phải có bồi dưỡng, kỷ luật với mục đích ràng buộc trách nhiệm.

Nhiều đại biểu băn khoăn hòa giải theo Luật này sẽ trùng với hòa giải khác, Chánh án cho biết đã phân loại ra hai loại: Hòa giải trước tố tụng và trong tố tụng, luật này là hòa giải trước tố tụng. Đối với hòa giải trong tố tụng cũng do Thẩm phán tiến hành. Nỗ lực hòa giải là xuyên suốt trong quá trình tố tụng để đưa đến kết quả tốt nhất cho hai bên, kể cả đã lên đến giám đốc thẩm vẫn có thể tiến hành nếu có cơ hội. Chỉ khác, trong tố tụng, hòa giải viên có thể năng động, mềm dẻo hơn, nhưng Thẩm phán không thể làm được điều đó vì như vậy là vi phạm tố tụng. Thẩm phán chỉ được tiến hành trong giờ hành chính và tại cơ quan. Hòa giải viên có thể tùy trường hợp để lựa chọn địa điểm phù hợp.

Liên quan đến các ý kiến cho rằng không nên quy định đối thoại, chỉ quy định hòa giải, Chánh án cho biết, việc đối thoại là công tác hòa giải với án hành chính. Với loại án này, chính quyền đối thoại với dân, không phải là hòa giải với dân, và nguyên lý này cũng đã được quy định trong Luật tố tụng hành chính, chính vì vậy dự thảo Luật đã thể hiện đúng tinh thần này.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao TANDTC đã có sáng kiến xây dựng và trình dự án Luật trước Quốc hội.

Về một số vấn đề mà các đại biểu nêu, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội cho ý kiến thông qua vào kỳ họp sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quốc hội đánh giá cao sáng kiến xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án