Sáng nay 16/11, Quốc hội bước vào tuần làm việc thứ 5 với việc thực hiện chất vấn các thành viên Chính phủ.
Chất vấn theo hình thức mới
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày rưỡi từ ngày 16-18/11, Thủ tướng, các Bộ trưởng, Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC sẽ trả lời nhiều vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề,...
Trong sáng nay 16/11, Quốc hội sẽ nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Chánh án TANDTC và Viện trưởng VKSNDTC báo cáo việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.
Sau khi nghe báo cáo của Chính phủ cùng các cơ quan liên quan về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các vị đại biểu sẽ thảo luận, chất vấn về nội dung này. Chất vấn hướng tới việc làm rõ trách nhiệm của các Bộ trưởng, Trưởng ngành về những việc đã làm được cũng như chưa làm được trong cả nhiệm kỳ.
Tiếp theo là báo cáo thẩm tra của của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội do Chủ nhiệm văn phòng Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, còn báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 9 của Quốc hội và tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến năm 2015 do Trưởng ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày.
Mỗi đại biểu có 7 phút thảo luận, chất vấn về các báo cáo và có 2 phút nếu chỉ nêu câu hỏi chất vấn mà không thảo luận. Nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu cơ quan nào, người đó trực tiếp trả lời theo điều hành của chủ tọa.
Chất vấn liên quan đến trách nhiệm chung của Chính phủ hoặc trách nhiệm thuộc nhiều Bộ, ngành thì Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời.
Cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ dành cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 75 phút để làm rõ thêm một số nội dung liên quan và trực tiếp trả lời ý kiến đại biểu nếu có. Trong chương trình chi tiết, thời gian dành cho Thủ tướng dự kiến được bố trí là từ 10h đến 11h15 ngày 18/11. Như vậy, người đứng đầu Chính phủ sẽ có 75 phút để vừa phát biểu, vừa trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu.
Ngoài ra, trong tuần làm việc này, Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua các dự án Luật an toàn thông tin mạng; Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật kế toán (sửa đổi) và tiếp tục thảo luận cho ý kiến một số dự án Luật,…
Các nhóm vấn đề chất vấn
Đoàn thư ký kỳ họp gợi ý 4 nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận gồm:
Một là, đánh giá tác động của nghị quyết của Quốc hội đối với việc điều hành, quản lý của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương, địa phương về chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh.
Hai là, đánh giá kết quả thực hiện của Chính phủ, TAND Tối cao, VKSND Tối cao so với yêu cầu tại các nghị quyết của Quốc hội và những cam kết của Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương khi trả lời chất vấn tại các kỳ họp.
Ba là, những hạn chế, đặc biệt là những vấn đề còn chuyển biến chậm, những yêu cầu thực hiện trong thời gian tới.
Bốn là, sự cần thiết của hoạt động giám sát sau khi thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và những điểm cần rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả giám sát trong thời gian tới.