Hôm nay (7/11), sau khi kết thúc chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trường Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ đăng đàn trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực nội vụ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trường Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân sẽ trả lời chất vấn hôm nay
Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, tiếp tục chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kéo dài từ chiều qua (6/11). Trong gần 2 tiếng buổi chiều, Bộ trưởng đã trả lời về các nội dung liên quan đến cơ chế phòng vệ thương mại;các giải phápphòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng “đội lốt” xuất xứ Việt Nam; thị trường điện, chính sách phát triển năng lượng sạch, thu hút các doanh nghiệp khu vự tư nhân tham gia thực hiện các dự án năng lượng sạch, tiến độ các dự án lớn trong lĩnh vực năng lượng...
Kết thúc phiên chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, vẫn còn 44 ĐBQH đang chờ chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và sẽ được tiếp tục vào đầu giờ sáng nay (7/11).
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, bắt đầu tiến hành chất vấn Bộ trường Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về Nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực nội vụ.
Toàn cảnh phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương chiều ngày 6/11
Trước đó ngày 06/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 13 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Theo chương trình nghị sự, đây là ngày chất vấn đầu tiên trong tổng số 03 ngày chất vấn của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8. Tham gia Đoàn Chủ tịch có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (điều hành phiên họp); Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển; Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ.
Buổi sáng:
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có bài phát biểu khai mạc phiên chất vấn. Quốc hội sẽ dành 3 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn với các vấn đề thuộc 04 lĩnh vực: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công thương; Nội vụ; Thông tin và Truyền thông. Theo đó, trách nhiệm trả lời chính thuộc 04 Bộ trưởng, đó là: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan sẽ tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc trách nhiệm quản lý. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp báo cáo, giải trình một số vấn đề thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục áp dụng cách thức tiến hành chất vấn như các kỳ họp trước. Theo đó, mỗi Bộ trưởng có 05 phút báo cáo trước phiên chất vấn; mỗi lượt chất vấn có từ 03 đến 05 đại biểu đặt câu hỏi và mỗi đại biểu được hỏi 01 phút; Bộ trưởng trả lời không quá 03 phút đối với 01 nội dung chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, đúng phạm vi chất vấn; trong quá trình chất vấn, đại biểu có thể tranh luận khi thấy chưa thỏa đáng, thời gian tranh luận không quá 02 phút. Các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi và có giải pháp, lộ trình thực hiện.
Kết thúc phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để Chính phủ, các Bộ, ngành triển khai thực hiện và làm cơ sở để các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, với sự chuẩn bị chu đáo của các cơ quan hữu quan; sự tích cực, chủ động của các vị đại biểu Quốc hội, phiên chất vấn sẽ diễn ra dân chủ, sôi nổi, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.
Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường – thành viên Chính phủ đầu tiên đã đăng đàn trả lời chất vấn về Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Theo chương trình nghị sự, thời gian đăng đàn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kéo dài trong cả buổi sáng đến 15 giờ 00 buổi chiều cùng ngày. Trong quá trình chất vấn, đã có 43 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 14 đại biểu Quốc hội tranh luận.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành nông nghiệp, sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và mong muốn Bộ trưởng tiếp tục nâng cao trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Đồng thời, các đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Bộ trưởng tiếp tục có những giải pháp khả thi, mang tính đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.
Cùng với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, phiên chất vấn đầu tiên đối với các vấn đề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triên nông thôn đã diễn ra sôi nổi; các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung và tích cực tranh luận để làm rõ vấn đề. Đây là lần thứ hai trả lời chất vấn trước Quốc hội, với kinh nghiệm trong quản lý, điều hành, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã nắm chắc vấn đề, thông tin được thực trạng, số liệu minh chứng cụ thể, nêu rõ tồn tại, hạn chế của ngành; có những giải thích, lý giải về các nguyên nhân khách quan, chủ quan cho những tồn tại, bất cập và đưa ra giải pháp để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của ngành.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài, tập trung vào một số vấn đề sau:
Tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết 32 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nghiên cứu điều chỉnh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù họp với thực tế vùng, miền, tăng cường nguồn lực, chính sách cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa,vùng di tích vàcăn cứ cách mạng.
Đẩy mạnh tái cơ cấu trong nông nghiệp, thực hiện liên kết trong sản xuất, hình thành cơ cấu sản xuất lớn, sản xuất theo chuỗi; thực hiện các giải pháp khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; sản xuất hàng hóa lớn, áp dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao đời sống nông dân; xây dựng nông thôn văn minh hiện đại.
Thực hiện hiệu quả công tác kiểm nghiệm, chứng nhận sản phẩm; giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhất là kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất, chất kháng sinh, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp; quản lý chặt chẽ việc sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp; đẩy mạnh thực hiện bảo hiểm trong nông nghiệp, xây dựng mô hình bảo hiểm mới phù hợp với các loại hình sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện hiệu quả công tác dự báo, công tác quy hoạch, rà soát lại diện tích, chủng loại cây trồng, vật nuôi gắn với nhu cầu thị trường và xuất khẩu, giảm diện tích các loại nông sản không hiệu quả, nhu cầu không còn cao; chú trọng vào khâu chế biến, tổ chức thị trường; nâng cao tính cạnh tranh và giá trị của các sản phẩm nông sản có thế mạnh; chủ động ứng phó với tình trạng được mùa, mất giá và cả mất mùa, mất giá theo nguyên tắc thị trường; chú trọng phát triển thị trường trong nước,thúc đẩy thị trường truyền thống, thị trường lớn, chủ động tìm kiếm thị trường mới, tiềm năng.
Sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi. Rà soát, đánh giá hệ thống quản lý nhà nước về thú y, hệ thống dịch vụ thú y để bảo đảm hiệu quả của công tác phòng chống dịch bệnh; Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các quy định của Luật Thủy sản và Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó, tập trung tổ chức cơ cấu lại ngành thủy sản, hoạt động khai thác, phương tiện đánh bắt phù hợp với sản lượng, ưu tiên cho phương thức nuôi biển đáp ứng yêu cầu của thị trường; kiểm soát việc đánh bắt xa bờ, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương đưa việc đánh bắt xa bờ vào nề nếp, đúng Thẻ vàng của EC; đẩy nhanh tiến độ gắn thiết bị giám sát hành trình tàu cá, nâng cao trang thiết bị, từng bước hiện đại phương tiện đánh bắt nhất là phương tiện bảo quản sản phẩm sau đánh bắt; cải thiện, nâng cao chất lượng hệ thống cảng cá, khu neo trú tàu, thuyền.
Rà soát, tổng kết toàn diện việc tổ chức thực hiện Nghị định 67; có các giải pháp hiệu quả về tín dụng để giảm nợ xấu trong hỗ trợ hoạt động khai thác hải sản, hoàn thiện cơ chế hỗ trợ mới; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng các chính sách hỗ trợ trong đánh bắt để trục lợi.
Buổi chiều:
Ngay sau phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương.
Tại phiên chất, các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về những vấn đề sau: Về công tác quản lý, điều tiết điện lực; việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch năng lượng mới và năng lượng tái tạo; Hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa; thương mại điện tử và kinh tế số; công tác quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại; quản lý cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng; phát triển, ứng dụng cơ khí chế tạo trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, đổi mới công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp.