Về vấn đề Khu đô thị 10B phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) đã được Báo điện tử Xây dựng đăng tải bài viết ngày 16/11/2023. Trong bài viết này, tác giả cho rằng cơ sở pháp luật để xác định khu đô thị có chồng lấn hay không chồng lấn, phải căn cứ vào bản đồ quy hoạch di sản vịnh Hạ Long được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được UNESCO chấp thuận. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Báo điện tử Xây dựng tiếp tục tổng hợp các tài liệu liên quan đến di sản vịnh Hạ Long cho thấy như sau:
Tại Văn bản số 5415/BVHTTDL-KHTC ngày 7/12/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nêu: Lần thứ nhất, UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 (tiêu chí về vẻ đẹp thẩm mỹ). Đường ranh giới khu vực di sản thế giới vịnh Hạ Long (khu vực I) và vùng đệm của khu vực di sản thế giới vịnh Hạ Long (khu vực bảo vệ II) đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UNESCO chấp thuận trong Kỳ họp lần thứ 18 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Thái Lan ngày 12-17/12/1994. Thời điểm này, bản đồ vịnh Hạ Long gửi kèm theo hồ sơ đề cử chỉ thể hiện đường ranh giới khu bảo vệ I, tương ứng với diện tích là 434km2; không thể hiện đường ranh giới khu bảo vệ II.
Lần thứ hai, UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2000 (tiêu chí địa chất, địa mạo: Trong Kỳ họp lần thứ 24 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Australia từ ngày 27/11-01/12/2000, Ủy ban Di sản thế giới đã thông qua Quyết định số 24COM X.A.2 công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 (bổ sung tiêu chí địa chất, địa mạo). Thời điểm này, mặc dù bản đồ di sản vịnh Hạ Long xuất bản năm 1998 đã được gửi kèm theo hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới lần 2. Tuy nhiên, tại Kỳ họp lần thứ 24 của Ủy ban Di sản thế giới chỉ công nhận mở rộng tiêu chí địa chất, địa mạo mà không xác nhận bản đồ gửi kèm theo hồ sơ, do đó thông tin dữ liệu về bản đồ lưu trữ tại Trung tâm Di sản thế giới vẫn giữ nguyên như bản đồ đã gửi kèm theo hồ sơ lần thứ nhất.
Tiếp đó, cho đến trước Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Ả-rập Xê út vào tháng 9/2023, bản đồ Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UNESCO chấp thuận là bản đồ gửi kèm theo hồ sơ đề cử vịnh Hạ Long lần thứ nhất năm 1994 và là cơ sở pháp lý được UNESCO lưu trữ theo hồ sơ di sản.
Tại Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản thế giới diễn ra tại Ả-rập Xê út từ ngày 9-25/9/2023, Ủy ban Di sản thế giới đã phê chuẩn Quyết định số WHC/23/45.COM/8D, trong đó xác nhận quốc gia thành viên đã cung cấp một bản đồ rõ ràng thể hiện ranh giới di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận vào năm 1994 và năm 2000 với khu vực bảo vệ I là 434km2 và khu vực II là 306,5km2.
Cũng theo văn bản trên, bản đồ Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long thể hiện đường ranh giới khu vực bảo vệ I, không thể hiện đường ranh giới của khu vực bảo vệ II đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UNESCO xác nhận ở thời điểm diễn ra Kỳ họp lần thứ 18 Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Thái Lan từ ngày 12-17/12/1994 và thời điểm diễn ra Kỳ họp thứ 24 của Ủy ban Di sản thế giới tổ chức tại Australia từ ngày 27/11-01/12/2000 là bản đồ có tính pháp lý được UNESCO lưu trữ theo hồ sơ, tài liệu đề nghị UNESCO công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới lần thứ 2 đã được UNESCO và cơ quan có thẩm quyền Việt Nam chấp thuận.
Theo Báo cáo số 301/BC-UBND ngày 17/11/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh: Căn cứ Điều 32 của Luật Di sản văn hóa năm 2001 (được sửa đổi bổ sung năm 2009), khu vực di sản, vùng đệm di sản thế giới - khu vực bảo vệ I, II của Di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long phải được xác định và quản lý theo quy định. Tuy nhiên, tại thời điểm lập hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới trước đây, hồ sơ vịnh Hạ Long chưa xác định rõ tọa độ ranh giới vùng đệm trên bản đồ cũng như chưa xác định và phân ranh giới vùng đệm trên thực địa. Một số khu vực vùng đệm bao trùm cả khu dân cư, một số mỏ than, khu vực quân sự trên địa bàn thành phố Hạ Long. Việc xác định chưa rõ ràng này không thuận lợi cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hạ Long. Chính vì vậy, ngày 16/6/2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có Văn bản số 3426/UBND-VX1 đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét báo cáo các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh ranh giới và diện tích vùng đệm di sản.
Tiếp theo, ngày 12/12/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 6170/UBND-TH4 và Văn bản số 6532/UBND-TH4 đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ xem xét báo cáo Chính phủ điều chỉnh lại ranh giới vùng đệm Di sản Hạ Long.
Tại Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 08/02/2023 về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã giao UBND tỉnh Quảng Ninh lập Đề án điều chỉnh vùng ranh giới vùng đệm di sản Hạ Long thời gian thực hiện 2023-2024.
Như vậy, về vấn đề vùng đệm Di sản vịnh Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã biết và hiểu rất rõ những bất cập về vùng đệm 2 của Di sản trong quá trình triển khai thực hiện, cũng đã nhiều lần đề nghị các Bộ, ngành, chức năng của Chính phủ về việc xem xét điều chỉnh vùng đệm. Được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác xây dựng đề án và đang hoàn thiện đề án, xin ý kiến các ngành liên quan để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vấn đề này vào đầu năm 2024.
Báo cáo số 301/BC-UBND ngày 17/11/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết: Vị trí dự án thực hiện trên địa bàn phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả thuộc khu vực giáp ranh với thành phố Hạ Long; vị trí ở phía Đông Bắc và cách vùng lõi Di sản Hạ Long khoảng 4-5km. Với khoảng cách như vậy mà khẳng định dự án Khu đô thị 10B chồng lấn lên vùng bảo vệ II của khu di sản liệu có hợp lý? Trên thực tế, nếu theo bán kính này thì hầu hết các khu đô thị mới đã được xây dựng tại thành phố Hạ Long từ năm 1994 trở về đây đều nằm trong vùng bảo vệ II của khu di sản; kể cả đường bao biển – một con đường đã tạo ra một thành phố Hạ Long rộng hơn, thẩm mỹ hơn.
Để làm rõ phần diện tích của dự án 10B nằm trong vùng đệm của Di sản Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Ban Quản lý vịnh Hạ Long phối hợp với các Sở, ngành liên quan nghiên cứu, rà soát, báo cáo làm rõ.
Ngày 16/11/2023, Ban Quản lý di tích vịnh Hạ Long đã có Báo cáo số 450/BC-BQLVHL trong đó có nội dung: “Do sai số về thông tin lưu trữ, hệ tọa độ trong công tác bản đồ và ranh giới của khu vực di sản, vùng đệm của di sản vịnh Hạ Long chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Di sản văn hóa, nên việc xác định diện tích dự án nằm trong vùng đệm của Di sản vịnh Hạ Long là không chính xác”.
Chúng tôi cho rằng, ý kiến trên là phù hợp với hồ sơ công nhận Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long như đã nêu trên. Điều đáng tiếc nhất là, một Ban Quản lý di tích có tổ chức bộ máy, là cơ quan chuyên môn nhưng đã phát đi những thông tin không chuẩn xác gây ra nhiều dư luận xấu ảnh hưởng đến các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như UBND tỉnh Quảng Ninh.
Mặt khác, ngày 07/6/2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2040 tầm nhìn 2050, xác định thành phố Hạ Long là đô thị dịch vụ - du lịch quốc gia, có tầm quốc tế, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; là thành phố cấp vùng, với chức năng dịch vụ - du lịch – thương mại – công nghiệp – cảng biển, là động lực phát triển kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc bộ, vùng Duyên hải Bắc bộ... Cũng trong đồ án quy hoạch này, thành phố Hạ Long được phân chia thành 10 khu với những quy hoạch xây dựng công trình đặc trưng cho từng khu vực. Tại khu vực 6 phường Bãi Cháy, Hùng Thắng đã xác định là trung tâm dịch vụ và vui chơi giải trí cao cấp, ở đây quy hoạch đã xác định xây dựng tuyến đường bao biển kết hợp bãi tăm công cộng, không gian quảng trường biển và nhiều công trình dân dụng, du lịch... Như vậy, trong quá trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh, các Bộ, ngành chức năng, Chính phủ cũng đã tính đến những vấn đề bất cập cần phải điều chỉnh vùng đệm II của Di sản vịnh Hạ Long.
Cũng theo Báo cáo số 301/BC-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh: Dự án Khu đô thị 10B cách lõi di sản vịnh Hạ Long khoảng 4-5km; hiện trạng khu vực thực hiện dự án gồm đất bằng ven núi, đất bờ đầm và phần lớn là khu vực sình lầy, không có rừng ngập mặn, không có hoạt động nuôi trồng đánh bắt hải sản trong phạm vi dự án. Địa điểm thực hiện dự án nằm ở hạ lưu suối Lộ Phong thường xuyên ứ đọng bùn đất khi mưa bão gây mất mỹ quan; là suối thoát nước của toàn bộ khu vực có hoạt động khai thác than và sinh hoạt của người dân thuộc địa bàn phường Hà Phong, thành phố Hạ Long từ phía trong đất liền đổ ra biển. Do vậy, vị trí dự án là nơi ứ đọng tiếp nhận bùn đất ứ đọng nhiều năm gây ô nhiễm môi trường khu vực giáp vịnh Hạ Long và vịnh Bái Tử Long.
Qua nghiên cứu pháp lý của dự án chúng tôi thấy: Quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 của thành phố Cẩm Phả đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trình tự thủ tục của dự án thực hiện bài bản và đúng pháp luật. Vì vậy, dự án cần sớm được tiếp tục triển khai để tránh gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp khi những trách nhiệm pháp lý khác không thuộc về họ.
Từ bài học của Dự án Khu đô thị 10B, chúng tôi cho rằng, việc quy hoạch, cắm mốc giới vùng đệm II Di sản Hạ Long là việc làm cấp bách, vì vậy theo nhiệm vụ Thủ tướng phân giao, UBND tỉnh Quảng Ninh cần sớm triển khai và trình duyệt quy hoạch vùng đệm II của di sản. Đồng thời, cắm mốc giới để tránh tình trạng xảy ra như Khu đô thị 10B, đối với các dự án tiếp theo. Việc điều chỉnh quy hoạch là việc làm pháp luật cho phép vì vậy cũng sẽ không ảnh hưởng đến việc công nhận của UNESCO đối với Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.