Quảng Ngãi: Bệnh tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp

Minh Quân| 12/10/2018 13:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 12/10, Sở Y tế Quảng Ngãi phối hợp với Sở TT&TT tỉnh Quảng Ngãi tổ chức họp báo để thông báo tình hình bệnh tay chân miệng đang diễn ra trên địa bàn của tỉnh.

Chủ trì buổi họp báo có ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi; ông Trần Cao Tánh, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; lãnh đạo của 1 số Bệnh viện, Trung tâm y tế tỉnh Quảng Ngãi và đông đảo nhà báo, phóng viên trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Báo cáo tại cuộc họp, ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Tính đến ngày 9/10/2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã ghi nhận có tổng cộng 1.311 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng cao từ đầu tháng 8 cho đến nay, bệnh xảy ra tại 139 xã, phường thuộc 13/14 huyện , thành phố của tỉnh (riêng chỉ có huyện Tây Trà là chưa phát hiện bệnh) và bệnh tập trung chủ yếu ở nhóm từ 1 đến 5 tuổi.

Qua kết quả xét nghiệm 25 mẫu bệnh phẩm, có 22/25 ca dương tính, trong đó dương tính với Enterovirus 71 chiếm tỷ lệ 56%, đây là chủng vi rút có khả năng gây biến chứng nặng và tử vong.

Quảng Ngãi: Bệnh tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp

Ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi 

Về công tác triển khai phòng, chống bệnh, ông Đức cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành công văn hỏa tốc ngày 3/10 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh tay chân miệng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; tham mưu UBND tỉnh cho phép mua 1 số loại thuốc bổ sung để đáp ứng nhu cầu điều trị.

Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với các Sở, ngành, địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh như: tăng cường công tác giám sát ca bệnh, triển khai các biện pháp chuyên môn nhằm hạn chế số ca mắc bệnh, kịp thời phát hiện và xử lý không để bùng phát dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, phương tiện điều trị và giường bệnh. Đồng thời, thực hiện việc tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng bệnh ngay tại hộ gia đình.

Tuy nhiên, cũng theo nhận định của Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, bệnh tay chân miệng trên địa bàn của tỉnh cũng đang diễn biến phức tạp, khó lường do nhóm gen C4 (của chủng Enterovirus 71) đang hoạt động mạnh trở lại, trong cộng đồng chưa có miễn dịch với gen C4, trong khi chưa có vắc xin phòng bệnh.

Do đó, Sở Y tế Quảng Ngãi khuyến cáo người dân chủ động phòng chống bệnh bằng cách: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; thực hiện việc ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải được rửa sạch trước khi sử dụng, không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng…

Quan trọng khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để chữa trị.

Quảng Ngãi: Bệnh tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp

Ông Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Bệnh viện sản nhi Quảng Ngãi 

Là đơn vị tiếp nhận và chữa trị số ca mắc bệnh tay chân miệng nhiều nhất của tỉnh, ông Nguyễn Đình Tuyến, Giám đốc Bệnh viện sản nhi Quảng Ngãi cho biết: Bệnh viện sản nhi tiếp nhận các ca mắc bệnh ở độ 2B trở lên và đã dành ra 1 khu để cách ly tuyệt đối với các bệnh nhân đang điều trị các bệnh khác tại bệnh viện.

Bên cạnh đó, ông Tuyến cũng cho biết hiện bệnh viện cũng đang gặp 1 số khó khăn nhất định bởi số giường bệnh của bệnh viện không đủ để đáp ứng nhu cầu chữa trị của các bệnh nhân, do số ca mắc tay chân miệng quá nhiều.

“Hiện nay bệnh viện chỉ có 500 giường nhưng số lượng bệnh tay chân miệng bệnh viện phải tiếp nhận ở đỉnh điểm cao nhất là 131 ca/ ngày, nên số lượng giường bệnh thiếu. Đồng thời 1 số trang bị kỹ thuật để phục vụ cho các bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng nặng ở cấp độ 4 phải có máy để lọc máu nhưng hiện nay bệnh viện chưa có, do đó tất cả các bệnh nhân nặng phải chuyển lên tuyến trên”, ông Tuyến cho biết thêm tại cuộc họp.

Được biết, bệnh tay chân miệng là bệnh miễm vi rút cấp tính, lan truyền theo đường tiêu hóa, xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi và có khả năng gây thành dịch lớn. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đâu họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Ngãi: Bệnh tay chân miệng vẫn đang diễn biến phức tạp