Sáng ngày 09/6, tại Khu Đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn tổ chức khai mạc không gian “Trưng bày chuỗi văn hóa tháp Chăm miền Trung".
Với chủ đề “Kết nối hành trình di sản”, triển lãm đã trưng bày 8 hiện vật và 30 panner về hình ảnh các tháp Chăm ở miền Trung của Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận như phế tích tháp Mỹ Khánh (Huế); Mỹ Sơn, Chiên Đàn, Khương Mỹ… (Quảng Nam); Dương Long, Bình Lâm… (Bình Định); tháp Nhạn (Phú Yên); Pô Nagar; Pôklông Garai, Pô Roome… (Ninh Thuận); Pô Đam (Bình Thuận). Đặc biệt là sa bàn minh họa sự phân bố của các di tích tháp Chăm trên dải đất miền Trung. Qua đó, giới thiệu đến người xem và du khách cái nhìn tổng quan, gợi mở về các giá trị văn hóa, kiến trúc đặc trưng của vương quốc Champa xưa. Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 14/6.
Cắt băng khai trương không gian trưng bày chuỗi văn hóa Chăm.
Được biết, đây là lần đầu tiên tại Mỹ Sơn, nhiều phiên bản hiện vật quý hiếm được trưng bày, giới thiệu đến công chúng như: Visnu sóng nước được phát hiện tại Nông Sơn, Bệ voi Triền Tranh, lưu giữ tại Bảo tàng Sa Huỳnh và Siva cưỡi bò Nandin, lưu giữ tại Trung tâm Văn hóa Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Đặc biệt, bố cục trưng bày các hiện vật được xây dựng theo hình ảnh bản đồ miền Trung Việt Nam. Các gian trưng bày hình ảnh, tư liệu về hệ thống tháp Chăm các tỉnh miền Trung sẽ giúp du khách định hình rõ các vị trí phân bố tháp Chăm trên lãnh thổ Việt Nam cũng như thể hiện được chủ đề chung của Festival Quảng Nam lần thứ VI năm 2017 là hành trình kết nối di sản.
Phiên bản bảo vật quốc gia Mukhalinga Mỹ Sơn được trưng bày giới thiệu tại triển lãm
Theo đó, hiện miền Trung Việt Nam còn khoảng 25 cụm đền tháp với hơn 100 di tích kiến trúc. Trong đó, mỗi một ngôi tháp, nhóm tháp ẩn chứa những giá trị tiêu biểu riêng theo niên đại, thể hiện qua kiểu dáng kiến trúc, phong cách nghệ thuật, đi kèm với đó là các truyền thuyết, những sự kiện lịch sự, hoạt động tâm linh gắn liền với từng di tích…góp phần làm cho chuỗi Di sản văn hóa tháp Chăm miền Trung trở nên đa dạng, phong phú, thể hiện đặc trưng văn hóa Chămpa.