Tại huyện Bố Trạch (Quảng Bình), nhiều công trình cấp nước sạch xuống cấp, không có đủ nước hay được xây dựng theo kiểu “nửa vời” đã khiến hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh thiếu nguồn nước sạch trầm trọng.
Sau nhiều năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường thì tỷ lệ người dân dùng nước hợp vệ sinh trên địa bàn huyện Bố Trạch có tăng lên một ít. Tuy nhiên, nhiều công trình cấp nước sạch đang được đánh giá là rất thiếu hiệu quả trong việc đưa nước sạch đến với người dân.
Tại xã Hạ Trạch, công trình Trạm cấp nước của xã với vốn đầu tư 7,1 tỷ đồng được đưa vào sử dụng cuối năm 2013 đầu năm 2014. Theo thiết kế, toàn bộ hệ thống đường ống dẫn nước phải được làm bằng gang, nhưng do thiếu kinh phí nên còn khoảng 1,5km chỉ được làm bằng ống nhựa nên thường xuyên xảy ra tình trạng thất thoát nước, tỷ lệ này không dưới 35%. Và, với công suất 500m3/ngày đêm thì con số 35% không phải là nhỏ.
Trong khi đó, công trình Trạm cấp nước cũng chỉ mới đáp ứng được nhu cầu 1/3 số hộ dân trong toàn xã bao gồm: Thôn 1, thôn 2, thôn 5. Còn các thôn còn lại của xã Hạ Trạch thì người dân “tự bơi”, tự làm hệ thống đường dẫn nước nên có công trình rồi mà hàng trăm hộ dân vẫn mòn mỏi chờ nước sạch.
Bể chứa nước của công trình cấp nước Mỹ Trạch, phía trước bên trái là Trường mần non Mỹ Trạch
Trong xã Hạ Trạch, thôn 9 là một trong những thôn có nhu cầu cao về nước sinh hoạt. Dù nằm sát ngay cạnh trạm cấp nước sinh hoạt nhưng đến nay, người dân nơi đây vẫn phải dùng nước giếng nhiễm phèn.
Bà Nguyễn Thị Thuận, thôn 9 nói với chúng tôi: “Gia đình tôi gồm 8 nhân khẩu nên nhu cầu về nước sạch để sinh hoạt là rất lớn. Mới đầu mùa hạn mà giếng cạn đáy nên con dâu tôi phải đi gần 1km ra gánh nước ngoài giếng chung của làng về để sử dụng…”.
Khi trạm nước sạch của xã hoàn thành thì bà cũng mừng vì sắp có nước sạch nhưng khi nghe nói, mỗi gia đình phải tự túc đường ống dẫn nước từ trạm nước về nhà thì cũng “ái ngại”. Nhà bà chỉ cách trạm nước khoảng 800m nhưng kinh phí thì quá sức với thu nhập của cả gia đình, dự kiến từ 30- 40 triệu đồng/1 đường ống.
Ông Lưu Thanh Hải, Trưởng thôn 9 cho hay: Hiện nay, mới chỉ có 10/81 hộ lắp được đường ống dẫn (các hộ ở ngay sát hồ chứa nước Vực Sanh, với chi phí 10-15 triệu đồng/1 đường ống) nên hầu hết các hộ còn lại đang thiếu nước trầm trọng do địa hình thôn 9 là đồi núi, không có nguồn nước ngầm, khó khoan giếng.
Thế nên, dù công trình trạm cấp nước sạch xã Hạ Trạch đã hoàn thành hơn 1 năm nhưng theo kiểu hoàn thành “nửa vời”, để cho người dân “tự xử” nên hầu hết người dân nơi đây vẫn “khát” nước sạch.
Cách đó không xa, tại xã Mỹ Trạch, năm 2001, công trình cấp nước sạch sinh hoạt được khởi công và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, dù chạy hết công suất nhưng chỉ cung cấp được cho 300 hộ, còn 500 hộ còn lại thì… chịu! Đến đầu tháng 2/2015, sau gần nhiều năm hoạt động thì công trình nước sạch “tịt” hẳn mà theo ông Nguyễn Văn Đoan, Chủ tịch UBND xã Mỹ Trạch là do đường ống bị hỏng, máy bơm cũng bị hỏng nốt.
Bà Đinh Thị Mỹ Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường mầm non Mỹ Trạch than thở: “Gần 3 tháng nay, do công trình cấp nước ngừng hoạt động nên việc sinh hoạt của học sinh và giáo viên rất khó khăn. Mỗi tháng, trường phải dùng tiền quỹ gần 10 triệu đồng mua nước đóng chai về dùng nhưng cũng không thấm vào đâu do thời tiết ngày càng nóng, nhu cầu nước uống và nước sinh hoạt của hơn 130 em học sinh trong trường tăng cao”.
Hiện nay, tại địa bàn xã Mỹ Trạch, tình trạng xâm nhập mặn từ sông Gianh bắt đầu xuất hiện, nhu cầu về nước sạch của người dân cũng tăng theo.
Theo số liệu thống kê của Phòng NN - PTNN huyện Bố trạch thì hiện nay, toàn huyện có 13 công trình cấp nước sinh hoạt với tổng công suất thiết kế trên 6.000m3/ngày đêm, nhưng công suất thực tế chỉ đạt trên 5.0003/ngày đêm.
Theo đánh giá, trong số 13 công trình cấp nước sinh hoạt thì chỉ có 2 công trình đạt bền vững, 10 công trình đạt mức dưới trung bình hoặc kém hiệu quả, 1 công trình đã ngừng hoạt động. Trong số các công trình đang sử dụng thì có nhiều công trình đã xuống cấp, một số công trình thiếu nguồn nước, trong khi số khác lại không có kinh phí duy tu bảo dưỡng.
Ông Phạm Việt Tùng, Phó Trưởng phòng Phòng NN-PTNT huyện Bố Trạch cho biết: Do thời gian xây dựng khá lâu, một số công trình nước sạch xuống cấp hoặc nguồn vốn ít nên một số công trình chưa được hiệu quả trong việc đưa nước sạch đến với người dân. Phòng cũng đang kiến nghị UBND tỉnh, Sở NN-PTNT, Trung tâm nước sạch nông thôn và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để trước mắt khắc phục các công trình hư hỏng nhằm đáp ứng nhu cầu về nước sạch của người dân trong khi mùa hạn hán, thiếu nước đang tới gần.