Với các hệ thống tên lửa thống phòng không vác vai (MANPAD), lực lượng dân quân nổi dậy ở Syria có thể tấn công trúng các mục tiêu ở độ cao lên tới 4,5km.
Căn cứ không quân Hama của Lực lượng Không quân Syria. Ảnh: Sputnik
Theo đại diện căn cứ không quân Hama của quân đội chính phủ Syria, số hệ thống tên lửa MANPAD mà các tay súng dân quân nổi dậy có được là do cướp được của lực lượng quân đội Damascus, Sputnik cho biết.
Tuy nhiên, vào hồi tháng 10/2012, nhiều nguồn tin tiết lộ rằng, chính Mỹ đã tài trợ cho phe nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad các hệ thống tên lửa MANPAD, trong đó có tên lửa Stinger, được vận chuyển qua đường hàng không, kể cả các hãng hàng không dân sự. Song Lầu Năm Góc không xác nhận thông tin này.
Phát biểu với báo giới ngày 08/11, đại diện căn cứ không quân Hama khẳng định: “Chúng tôi biết rằng lực lượng dân quân có các hệ thống tên lửa Stinger (FIM-92), và một số loại vũ khí khác, kể cả do Trung Quốc sản xuất, mà họ cướp được từ quân đội Syria. Chúng tôi phải thừa nhận rằng, chúng tôi đã mất nhiều máy bay do các cuộc tấn công của họ”.
Tên lửa vác vai Stinger được cho là nguồn viện trợ của chính phủ Mỹ cho phe nổi dậy nhằm chống lại quân đội chính quyền Tổng thống Assad. Ảnh: AFP
Theo vị này, độ cao tối thiểu để các chuyến bay an toàn là 4,5km. Tuy nhiên, quân đội Syria lại thường hạ độ cao tới mức nguy hiểm “để thực hiện các cuộc không kích chính xác hơn nhằm tránh cho các cơ sở hạ tầng dân sự không bị thiệt hại”.
Hama là thành phố trực thuộc tỉnh cùng tên nằm ở miền trung Syria. Tại đây, căn cứ không quân Hama trở thành mục tiêu tấn công của phe nổi dậy nhằm cố gắng chiếm được vị trí chiến lược quan trọng này.
Syria rơi vào cuộc xung đột liên miên kéo dài từ tháng 3/2011. Giao tranh thường xuyên nổ ra giữa quân đội chính phủ Damascus và các phe đối lập khác nhau, trong đó có lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Mặt trận al-Nusra.