Việc quản lý vệ sinh môi trường (VSMT) trên địa bàn Tp. Hà Nội đang tồn tại quá nhiều bất cập. Phải chăng đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều ý kiến nhận định rằng, Hà Nội là một trong những thành phố bụi bẩn và ô nhiễm nhất?
Sở quản lòng đường, quận quản vỉa hè
Một nghịch lý đang tồn tại trong công tác quản lý VSMT hiện nay là trên các tuyến đường trục chính, phần lòng đường được UBND Tp. Hà Nội giao cho Sở Xây dựng quản lý, trong khi phần vỉa hè lại giao cho các quận, huyện duy trì. Điều này rất dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, bởi lẽ, khi xảy ra mất vệ sinh trên tuyến đường thì ranh giới giữa lòng đường - vỉa hè khó mà phân định rạch ròi để quy trách nhiệm về một bên giải quyết?
Không những thế, trên cùng một tuyến đường lại chia nhỏ cho nhiều đơn vị khác nhau cùng duy trì công tác làm sạch. Chính vì thế mới nảy sinh câu chuyện hài hước “1 km đường, 3 đơn vị thực hiện”, nhưng việc sạch hay không lại là… chuyện khác!
Chẳng hạn, theo Văn bản số 8456 của UBND Tp.Hà Nội phê duyệt danh mục các tuyến đường do thành phố quản lý làm căn cứ thực hiện công tác VSMT giai đoạn 2011-2015 thì trục đường Giải Phóng (Thanh Xuân) do thành phố quản lý, đoạn từ cầu vượt Vọng đến Cầu Trắng được giao cho HTX Thành Công duy trì vệ sinh; từ Cầu Trắng đến nhà máy Deawoo lại thuộc trách nhiệm của Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long; đoạn còn lại chạy qua huyện Thanh Trì (từ nhà máy Deawoo đến hết Thanh Trì) phân cấp cho huyện này quản lý lại do Xí nghiệp Môi trường huyện Thanh Trì duy trì vệ sinh.
Bụi bẩn không được quét, hút sạch sẽ trên đường Giải Phóng.
Nước bẩn, rác thải ứ đọng dọc tuyến đường Nguyễn Văn Cừ.
Tương tự, tuyến đường cửa ngõ Nguyễn Văn Cừ chỉ dài 3km nhưng có đến 2 đơn vị thực hiện duy trì VSMT: Phần lòng đường, vỉa hè do Xí nghiệp Môi trường đô thị Gia Lâm thực hiện (do UBND quận Long Biên đặt hàng); còn phần duy trì quét hút bụi, rửa đường dải phân cách giữa đường lại được Sở Xây dựng giao Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long thực hiện. Vì vậy, việc quản lý VSMT trên đường Nguyễn Văn Cừ tồn tại rất nhiều bất cập. Do đó từ năm 2011, UBND quận Long Biên đã đề xuất UBND Tp. Hà Nội được tiếp quản toàn bộ công tác quản lý VSMT trên địa bàn quận để đảm bảo ổn định, thống nhất, rõ trách nhiệm trong quản lý và điều hành, tránh tình trạng chồng chéo giữa các đơn vị duy trì vệ sinh trên cùng một địa bàn.
Đặt hàng hay đấu thầu?
Ngày 5-10-2011, UBND Tp. Hà Nội có Văn bản 8456/UBND-TNMT phê duyệt danh mục các tuyến đường do thành phố quản lý làm căn cứ để thực hiện công tác VSMT giai đoạn 2011-2015. Cũng từ đó, rất nhiều tuyến đường chính trước đây đã giao cho UBND các quận tổ chức đấu thầu có giảm giá hơn so với đơn giá đặt hàng hiện hành nhưng khi phân cấp về Sở Xây dựng làm chủ đầu tư lại áp dụng nguyên giá đặt hàng.
Một số tuyến đường liên quận, huyện, tuyến đường xuyên tâm, đường vành đai trước đây do UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư, giao cho các Xí nghiệp môi trường, công ty môi trường thực hiện nhưng khi phân cấp về Sở Xây dựng làm chủ đầu tư thì lại chuyển giao đặt hàng cho đơn vị khác trong khi các đơn vị cũ vẫn mong muốn tiếp tục duy trì. Chẳng hạn, tuyến đường Nguyễn Văn Cừ do Xí nghiệp Môi trường đô thị Gia Lâm đảm nhận duy trì VSMT toàn bộ địa bàn thì nay phân cấp về Sở Xây dựng quản lý, không hiểu vì lý do gì lại giao cho Công ty CP Dịch vụ môi trường Thăng Long tổ chức duy trì VSMT toàn tuyến?
Trong khi đó tại Điều 5 Quyết định 113/2009/QĐ-UBND ngày 21-10-2009 của UBND Tp. Hà Nội ban hành quy chế đấu thầu, đặt hàng cung ứng các sản phẩm dịch vụ đô thị trên địa bàn Tp. Hà Nội ghi rõ điều kiện tổ chức đấu thầu và tham dự thầu là: Các lĩnh vực dịch vụ đô thị (trong đó có dịch vụ VSMT) hết thời hạn được Nhà nước đặt hàng, được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển sang phương thức đấu thầu trong giai đoạn tiếp theo. Có tối thiểu 2 nhà thầu tham dự thầu… Vì vậy, nên chăng nếu có từ 2 đơn vị mong muốn duy trì VSMT cần phải tổ chức đấu thầu để đảm bảo tính công bằng, công khai, dân chủ và lựa chọn được những đơn vị có đủ năng lực để duy trì VSMT - vốn được coi là “bộ mặt” của Thủ đô?
Thay thế các đơn vị không đủ năng lực Trước nhiều vướng mắc trong công tác duy trì VSMT trên địa bàn Thủ đô, ngày 13-9-2012, UBND Tp. Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường tiến hành kiểm tra, rà soát những vướng mắc phát sinh, đồng thời đánh giá chất lượng, khối lượng, năng lực thực hiện đối với các đơn vị đang thực hiện công tác duy trì VSMT trong năm 2012 trên địa bàn thành phố. Từ đó, đề xuất báo cáo UBND thành phố chỉ đạo thực hiện hiệu quả, tiết kiệm ngân sách thành phố trong năm 2013 và những năm tiếp theo. Trước đó, trong Văn bản số 8456 của UBND thành phố cũng nêu rõ: Quá trình thực hiện, cần kiểm tra năng lực của các đơn vị duy trì VSMT, nếu đơn vị nào không đủ năng lực thực hiện, đề xuất thay thế, báo cáo UBND thành phố. |
Anh Thư