Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Nguồn lực có sẵn từ sự phối hợp liên ngành

Minh Khang| 27/10/2022 19:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Quản lý thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) vốn là câu chuyện không hề mới trong nhiều năm nay. Mặc dù đã có nhiều khuyến nghị từ giới y tế, luật sư,…nhưng đến nay việc quản lý các sản phẩm này vẫn còn đang bỏ ngỏ mặc cho thị trường chợ đen thỏa sức lộng hành.

Các chuyên gia cho rằng, chúng ta đang “nợ” 17 triệu người hút thuốc lá điếu một giải pháp giảm tác hại hiệu quả, không chỉ đáp ứng nhu cầu thực tiễn ở góc độ tiêu dùng, mà còn phù hợp với chiến lược kiểm soát thuốc lá toàn cầu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đề ra. Các nước lân cận như Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines đã luật hóa TLTHM, Thái Lan cũng sắp hoàn thiện hành lang pháp lý, thiết nghĩ đã đến lúc Việt Nam cần sự chung tay của các cơ quan liên ngành để đẩy nhanh việc quản lý TLTHM theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.

Quản lý TLTHM, nguồn lực đã có sẵn, tại sao vẫn chần chừ?

Khảo sát trên 2000 người đang hút thuốc trên 18 tuổi vào tháng 8/2022 của báo VietnamPlus cho thấy, 70% cho rằng giảm tác hại thuốc lá là quan trọng và có nhu cầu chuyển đổi qua các sản phẩm thay thế có khả năng giảm tác hại so với thuốc lá điếu nếu điều đó tốt cho bản thân và cộng đồng. Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có đến 17 triệu người hút thuốc lá điếu (sản phẩm được xếp loại gây hại bậc nhất, theo WHO) vàdịch chuyển từ top 15 lên top 9 các quốc gia có tỷ lệ hút thuốc cao nhất thế giới.

Các nước đã quản lý TLTHM thành công như Mỹ, Anh, Thuỵ Điển, Na Uy, Nhật Bản…, hơn chục năm trước, cũng bắt đầu tìm hiểu về các giải pháp giảm tác hại thuốc lá từ kinh nghiệm ít ỏi. Thế nhưng, chính sự quyết đoán trong việc tiến hành xây dựng khung pháp lý, cấp phép thương mại hóa TLTHM, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan đa ngành, chấp nhận quan điểm đối lập nhưng thống nhất giải pháp, các nước này đã dần hoàn thiện năng lực quản lý đem lại nhiều tác động tích cực trong “cuộc chiến” phòng, chống tác hại thuốc lá nói chung.

Tại Nhật Bản, các sản phẩm TLTHM được quản lý bởi Bộ Tài chính, và phối hợp với Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản thiết lập các quy định chi tiết về tiêu chuẩn sản phẩm. Tại Philippines, Bộ Thương mại và Công nghiệp được trao thẩm quyền quản lý các sản phẩm TLTHM cùng các thiết bị đi kèm. Bộ Y Tế ra quy định hướng dẫn về việc thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức hạn chế hút thuốc và sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT).

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có lợi thế rất lớn là đã có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) với những quy định chặt chẽ không chỉ hiệu lực với thuốc lá điếu đốt cháy, xì gà, thuốc lào,… mà còn với tất cả sản phẩm thuốc lá “dạng khác” dưới hình thức hút, nhai, ngửi, hít, ngậm,… Chính vì thế, đối với các sản phẩm TLTHM phù hợp định nghĩa của Luật hiện hành như thuốc lá làm nóng (TLLN), thuốc lá ngậm thì có thể đưa ngay vào quản lý. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng hoàn toàn có thể tham chiếu các nghiên cứu, đánh giá từ các tổ chức y tế công uy tín về phương diện tác động xã hội của TLTHM cũng như học tập kinh nghiệm quản lý thành công từ các quốc gia đi trước, bao gồm các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc,…

 Theo các chuyên gia, đã đến lúc sửa đổi và bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP để tạo đà cho việc luật hóa TLTHM

Thuốc lá TLHM: Không phải cấm, mà luật hoá mới là giải pháp

Gần 10 năm xuất hiện trên thị trường, thị trường TLĐT nói riêng và TLTHM nói chung ngày càng nhộn nhịp, dù các sản phẩm này chưa được luật pháp công nhận. Không chỉ gây thất thu ngân sách, mặt trái lớn nhất của tình trạng này là lợi dụng sơ hở của luật pháp, giới buôn lậu không ngại mọi cách để “hô biến” các sản phẩm TLTHM, nhất là TLĐT hệ mở và loại dùng một lần thành vỏ bọc cho ma tuý và các chất cấm khác, hoặc sản phẩm sành điệu thu hút giới trẻ.

Trả lời câu hỏi, liệu có nên cấm, và có thể cấm tất cả các sản phẩm TLTHM được không, đặc biệt trước thực tế là thuốc lá điếu độc hại nhất vẫn được kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp, tại tọa đàm “Quản lý TLTHM - Cần góc nhìn mới" đầu năm nhìn nhận, hiện các quốc gia đi trước Mỹ, Anh, Nhật, New Zealand... đều không cấm TLTHM, vì cấm sẽ dẫn đến tình trạng buôn lậu khó kiểm soát. Thay vào đó, chính phủ các nước này chỉ cấm một số hương liệu tinh dầu có thể thu hút giới trẻ, và ngăn chặn giới trẻ không tiếp cận sản phẩm bằng nhiều biện pháp, đặc biệt các quy định kinh doanh nghiêm ngặt đối với kênh bán lẻ.

Cần quyết đoán hơn trong việc quản lý TLTHM nhằm phòng ngừa những hệ lụy cho xã hội

Trước quan ngại rằng TLTHM có thể tạo ra hiệu ứng “bắc cầu” khiến giới trẻ hút thuốc lá điếu, các chuyên gia cho rằng, nhiều nghiên cứu khoa học thế giới phủ nhận vấn đề này. Cụ thể, Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) đã xác nhận TLĐT/TLTHM không phải là cửa ngõ khiến giới trẻ hút thuốc lá điếu hay tạo ra “một thế hệ nghiện nicotine mới”. Chính phủ Nhật Bản công bố dữ liệu khảo sát trên 60.000 học sinh cấp 2 và cấp 3 cho thấy, mức độ sử dụng TLLN trong bộ phận giới trẻ này là rất thấp, chỉ bằng 1/5 so với tỷ lệ hút thuốc lá điếu thông thường, tức chỉ có 0,1%. Nhiều kết quả khảo sát của các nước châu Âu hay Canada, New Zealand…cũng đã khẳng định điều này.

Các chuyên gia nhận định, khi nhu cầu của thị trường là điều không thể phủ nhận, thì bằng việc lắng nghe khoa học và tham khảo các sở cứ khoa học quốc tế, các cơ quan liên ngành, từ trung ương đến địa phương hoàn toàn có thể nhanh chóng có giải pháp quyết liệt cho vấn đề đang bị ách tắt quá lâu này.

Bên cạnh vai trò chủ quản của Bộ Công thương, cùng sự đồng thuận, phối hợp từ Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ…, các bộ ban ngành có liên quan khác như Bộ Y tế… cần quyết đoán hơn trong hành động và chính sách để chứng minh mức độ cấp bách dựa trên nhu cầu thực tiễn xã hội, cũng như vai trò bảo vệ giới trẻ trước sự tấn công của ma túy trá hình ẩn dưới vỏ bọc TLĐT nhập lậu, hướng đến sự nhân văn trong chăm sóc sức khỏe, cho người hút thuốc lá điếu chưa thể cai thuốc được chuyển đổi sang các sản phẩm giảm tác hại.

Như vậy, với cơ sở pháp lý đã có sẵn là Luật PCTHTL hiện hành, nguồn lực, kinh nghiệm quản lý từ cơ quan chủ quản là Bộ Công thương và sự phối hợp liên bộ, cùng với việc tham khảo kinh nghiệm các quốc gia quản lý tốt, Việt Nam đã hoàn toàn có thể đưa TLTHM vào quản lý ngay. Phương án này là tối ưu giúp đạt mục tiêu giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của WHO đề ra: chặn đứng nguồn cung lậu bất hợp pháp, ngăn ngừa nhu cầu sử dụng sai mục đích từ giới trẻ, và giảm tác hại cho những người hút thuốc lá hợp pháp nhằm tiến tới giảm gánh nặng cho ngành y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý thuốc lá thế hệ mới: Nguồn lực có sẵn từ sự phối hợp liên ngành