Quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương: Nhiều sai phạm và yếu kém

06/12/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch và quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương, với nhiều sai phạm và yếu kém.

Nợ đọng 892 tỷ đồng tiền sử dụng đất

Theo kết luận, công tác quy hoạch, kế hoạch và quản lý sử dụng đất tỉnh Bình Dương cũng bộc lộ một số yếu kém và vi phạm. Đó là chất lượng công tác quy hoạch sử dụng đất chưa cao, một số nội dung chưa sát thực tế, tính khả thi thấp, chưa bảo đảm tốt nguyên tắc về sự phù hợp của quy hoạch, sử dụng đất giữa các cấp theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 21 Luật Đất đai 2003; trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt. “Trách nhiệm thuộc về Sở Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bình Dương”, kết luận nêu rõ.

Đáng chú ý, công tác quản lý nhà nước về đất đai chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến một số yếu kém, sai phạm.

Tình trạng các hộ gia đình, cá nhân phân lô, bán nền trên địa bàn thị xã Dĩ An và Thuận An diễn ra khá phổ biến. Riêng trong giai đoạn 2011-2013, UBND thị xã Dĩ An đã có chủ trương cho phép 84 trường hợp hộ gia đình, cá nhân phân lô, bán nền là không đúng với quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản.

Hai công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là Lâm nghiệp Bình Dương và Cao su Bình Dương, qua thanh tra phát hiện một số hợp đồng giao khoán không đúng đối tượng theo Nghị định 135 của Chính phủ. Thậm chí đến thời điểm thanh tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Dương chưa làm thủ tục để thu tiền thuê đất đối với diện tích phải chuyển sang thuê đất của công ty Lâm nghiệp Bình Dương.

Cùng với đó, việc UBND tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có ghi việc hạn chế sử dụng cho các tổ chức đối với phần diện tích đất hành lang an toàn đường bộ, hành lang song giới sau khi thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng là chưa đúng với quy định của Chính phủ.

Quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương: Nhiều sai phạm và yếu kém

Phải xác định lại giá đất và thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất giao đợt 4, đợt 5 tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 

 

Đối với 65 trường hợp mà UBND tỉnh Bình Dương giao đất có thời hạn không đúng với quy định của Luật Đất đai đến nay vẫn chưa được điều chỉnh sang đất ở lâu dài và chưa thu tiền sử dụng đất bổ sung theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tương tự như vậy, hai khu công nghiệp là Mỹ Phước I và Mỹ Phước II do Becamex làm chủ đầu tư và 117 tổ chức được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm thuộc diện phải điều chỉnh đơn giá thuê đất nhưng chưa thực hiện điều chỉnh.

Đánh giá về những yếu kém, sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ nêu rõ trách nhiệm thuộc về: “Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Dương, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Dương, UBND thị xã Dĩ An, UBND thị xã Thuận An, Cục Thuế, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh Bình Dương”.

Mặt khác, Thanh tra Chính phủ chỉ ra là việc UBND tỉnh Bình Dương giao đất thu tiền sử dụng đất công không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đối với Công ty cổ phần Xây dựng Bình Dương và cho Công ty THNH Kim Long thuê đất công không qua đấu giá quyền thuê đất; thực hiện khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với 10 tổ chức; xác định giá đất làm căn cứ thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát giá chuyển nhượng sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường đối với Tổng Công ty Thương mại XNK Thanh Lễ là vi phạm các quy định của pháp luật và một số Nghị định của Chính phủ.

Về tài chính, kết luận cũng nêu rõ tổng số tiền nợ đọng sử dụng đất và chậm nộp tiền sử dụng đất đến trong Thông báo kết luận thanh của Bình Dương lên đến hơn 892 tỷ đồng.

Truy thu tiền sử dụng đất, thuê đất sai phạm

Từ những sai phạm nêu trên, Thanh tra Chính phủ kiến nghị: “Bộ Tài chính xử lý số tiền hơn 156 tỷ đồng liên quan đến truy thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất do sai phạm về tính thu tiền sử dụng đất, khấu trừ tiền bồi thường, hỗ trợ về đất; tính thiếu diện tích đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính; miễn giảm tiền sử dụng đất sai quy định...

UBND tỉnh Bình Dương có trách nhiệm kiểm tra, làm rõ và xử lý số tiền vi phạm hơn 18 tỷ đồng tại khu dân cư Phú Hòa I của Công ty cổ phần Xây dựng-Tư vấn - Đầu tư Bình Dương. Đồng thời, làm rõ để xử lý các sai phạm liên quan tại dự án Công viên Nghĩa trang Bình Dương đối với Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Chánh Phú Hòa theo đúng quy định; khẩn trương đôn đốc, thu nộp số tiền nợ đọng thuế đất, tiền sử dụng đất, tiền phạt chậm nộp về ngân sách nhà theo đúng quy định.

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc việc chấm dứt việc giao đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với các khu đất công, chấm dứt việc cho phép các hộ gia đình, cá nhân phân lô bán nền trái quy định của pháp luật.

Xác định lại giá đất để tính thu tiền sử dụng đất (chuyển mục đích sử dụng đất) đối với Công ty TNHH Sản xuất- Thương mại Thiên Phú tại dự án Khu dân cư Hòa Lân và Khu dân cư Mỹ Phước 4. Đồng thời cũng phải tính lại tiền thuê đất đối với Công ty Cao su Dầu Tiếng tại Khu công nghiệp Rạch Bắp.

Xác định lại giá đất và thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất giao đợt 4, đợt 5 tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 cho Công ty cổ phần Phát triển KCN Sóng Thần; xác định lại phương pháp tính tiền thuê đất và khấu trừ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án Khu công nghiệp An Tây của Công ty TNHH Acsendas-Protrade theo đúng quy định của pháp luật.

Khẩn trương điều chỉnh thời hạn sử dụng đất ở sang lâu dài đối với 65 trường hợp được giao đất ở có thời hạn đã báo cáo và các trường hợp tương tự khác (nếu có).

Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương tổ chức kiểm điểm nghiêm túc và tùy tính chất, mức độ sai phạm để có hình thức xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm đã nêu trong kết luận thanh tra...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Dương: Nhiều sai phạm và yếu kém