Luật Đất đai năm 1987 quy định cấm mua bán đất đai nhưng chính quyền địa phương vẫn xác nhận. Thậm chí, xác nhận luôn phần đất chuyển nhượng trong hợp đồng có nguồn gốc đất thuê. Hiện nay, hồ sơ cấp “sổ đỏ” này cũng không còn lưu trữ…
Các thửa 477, 478 tờ bản đồ số 1 xã Tân Quy, huyện Nhà Bè (cũ), TP. Hồ Chí Minh (đăng ký theo Chỉ thị 299/TTg) là các thửa đất 280, 281, 282 tờ bản đồ số 3 (đăng ký theo Chỉ thị 02) xã Tân Quy Tây, huyện Nhà Bè (cũ) nay là phường Tân Hưng, quận 7, TP. Hồ Chí Minh có nguồn gốc của ông Huỳnh Văn Tám khai hoang trồng lúa vào năm 1960. Đến năm 1975, ông Tám giao phần đất trên lại cho con trai là ông Huỳnh Văn Cò tiếp tục canh tác.
Năm 1979, ông Cò đăng ký vào tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Năm 1985, hợp tác xã nông nghiệp Tân Quy 1 lấy phần đất của ông Cò để đào ao nuôi cá và giao một phần còn lại cho ông Cò để canh tác.
Năm 1993, để xác định lại ranh giới đất sau khi hợp tác xã nông nghiệp giải thể, UBND xã đã họp và xác định thửa đất 478 là loại đất trũng, thuộc quyền sử dụng của ông Cò. Do đất trũng gần bờ sông, bị sạt lở không thể trồng lúa nên ông Cò trồng dừa nước để bảo vệ đất, còn phần đất đất gò ông Cò vẫn trồng lúa, trên đó có phần thổ mộ của họ hàng nhà ông Cò được chôn cất từ năm 1968 vẫn còn tồn tại.
Tháng 2/2008, ông Cò thuê Công ty Kiến Ốc đến đo vẽ để lập thủ tục xin cấp “sổ đỏ” thì ông Nguyễn Đức Thống, thường trú tại số 2 cư xá Đô Thành, quận 3, TP. Hồ Chí Minh cản trở. Ông Thống cho rằng, phần diện tích 2 thửa đất 281 và 282 tờ bản đồ số 3 xã Tân Quy Tây đã được ông Trần Ngọc Hùng, Ủy viên UBND huyện Nhà Bè (cũ) ký cấp “sổ đỏ” cho ông.
Ông Thống trình bày rằng, ngày 22/4/1992, ông có lập hợp đồng sang nhượng lại phần đất trên của ông Hồ Văn Hải, được UBND xã Tân Quy Tây duyệt chấp thuận. Căn cứ hợp đồng này, ông đã làm thủ tục xin và được cấp “sổ đỏ”.
Tá hỏa, ông Cò có đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền kêu cứu. Qua xác minh, thẩm tra, Phòng Tài nguyên Môi trường quận 7 xác định rằng, thửa đất số 281, 282 tờ bản đồ số 3 xã Tân Quy Tây, huyện Nhà Bè (cũ) có nguồn gốc của ông Huỳnh Văn Tám làm ruộng, sau đó ông giao lại cho ông Cò canh tác, do đất trũng không không trồng lúa được ông Cò trồng dừa nước giữ đất phía trong, trên đất có nhiều ngôi mộ, khi dự án Him Lam san lấp mặt bằng thì một số ngôi mộ bị bốc đi, còn những ngôi mộ người thân của ông Cò còn giữ lại. Trong quá trình sử dụng, gia đình ông Cò có cho ông Hồ Văn Hải thuê lại một phần đất để đắp bờ đê nuôi trồng thủy sản. Khoảng 1992, qua sự giới thiệu của bà Nguyễn Thị Huệ, ông Hải đã chuyển nhượng lại toàn bộ khu đất trên bao gồm cả thửa 281, 282 của gia đình ông Cò cho ông Nguyễn Đức Thống.
Bên cạnh đó, liên quan đến khiếu nại của ông Cò, Phòng Tư pháp và Thanh tra quận 7 đề nghị cơ quan có thẩm quyền làm rõ về việc ông Hồ Văn Hải chuyển nhượng đất đang thuê của gia đình ông Cò cho ông Nguyễn Đức Thống. Tuy nhiên, đến nay, quan hệ chuyển nhượng đất giữa ông Hải và ông Thống chưa được cơ quan có thẩm quyền quận 7 làm rõ. Thậm chí, theo Công văn số 274 của Văn phòng UBND quận 7 nêu rõ: “Sau khi kiểm tra, Văn phòng UBND quận không lưu trữ hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Đức Thống”.
Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 1987 thì nghiêm cấm mua, bán đất đai dưới mọi hình thức. Như vậy, việc ông Hải chuyển nhượng đất cho ông Thống là trái với quy định về pháp luật đất đai. Chưa kể, việc ông Hải đem phần đất đang thuê của gia đình ông Cò, không phải tài sản của mình đem bán cho ông Thống. Thiết nghĩ, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình ông Cò, các cơ quan có thẩm quyền quận 7 cần xem xét, làm rõ tính pháp lý đối với việc cấp “sổ đỏ” cho ông Thống.