Quận 12, TP. Hồ Chí Minh: Việt kiều đầu tư “chui”, xây dựng nhà xưởng trái phép

Văn Khôi| 08/11/2014 05:00
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý vừa nhận được đơn khiếu nại của bà Nguyễn Thị Xuân Thủy, phản ánh: Công ty TNHH sản xuất và thương mại Mani đã ký hợp đồng thuê nhà của gia đình bà để sản xuất kinh doanh nước uống tinh khiết.

Thế nhưng, hợp đồng thuê một địa điểm nhưng công ty lại chiếm giữ một địa điểm khác. Quá trình thuê, Công ty Mani đã thực hiện xây dựng trái phép trên đất thuê. Tuy nhiên, không hiểu vì sao UBND phường lại làm ngơ cho những vi phạm này.

Từng bước chiếm dần nhà đất

Ngày 31/5/2012, bà Phạm Thị Huệ Dung, chủ sở hữu căn nhà 48/2A khu phố 2, phường Thạnh Lộc, quận 12, TP. Hồ Chí Minh ký hợp đồng với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Mani (do ông Huỳnh Văn Giàu, Giám đốc làm đại diện) cho thuê một phần căn nhà (100m2), giá thuê 9 triệu đồng/tháng, thời hạn cho thuê là 15 năm. Công ty Mani do ông Lee Liem (Việt kiều Canada) bỏ vốn làm ăn, trực tiếp đứng ra điều hành, nhưng đại diện pháp nhân là người Việt Nam. Sau khi ký hợp đồng, Công ty Mani xin phép bà Dung cho để tạm máy móc vào căn nhà của bà Dung bên cạnh (số 922, thuộc thửa đất 313) mà bà Dung vừa mới xây xong; sau khi sửa chữa xong phần nhà thuê thì sẽ chuyển máy móc trở lại đúng căn nhà đã ký hợp đồng thuê. Thế nhưng, sau khi được phép để tạm máy móc vào căn nhà 922 thì Công ty Mani ngang nhiên cho thợ lắp đặt máy móc và cho công nhân sản xuất nước tinh khiết đóng chai tại đây, bất chấp sự phản đối của chủ nhà. Như vậy, Công ty Mani thuê nhà một đằng nhưng đã thực hiện hoạt động sản xuất một nẻo, không đúng vị trí căn nhà đã thuê, chiếm dụng nhà bất hợp pháp.

Quận 12, TP. Hồ Chí Minh: Việt kiều đầu tư “chui”, xây dựng nhà xưởng trái phép

Công ty TNHH sản xuất và thương mại Mani trụ sở ở thửa đất 313, sai địa điểm trong hợp đồng thuê nhà đã ký

Ngày 1/7/2013, ông Lee Liem đã ký tiếp hợp đồng (hợp đồng chỉ hai bên ký, không qua công chứng, chứng thực) thuê nền đất của thửa đất 313 (ngang 7,5m, dài 15m) để Công ty Mani làm mái che chứa vỏ chai nước. Đến ngày 1/10/2013, hai bên làm thêm văn bản để Công ty Mani được thuê tiếp phần đất vườn cây trái ở sau nhà (ngang 20m, dài 60m) thuộc thửa đất 302 để làm sân chơi, đường đi lại, thời gian thuê là 5 năm. Có văn bản giấy tay thuê đất nông nghiệp, vào tháng 6/2014, Công ty Mani ngang nhiên tiến hành xây nhà xưởng, khoan giếng lấy nước ngầm sản xuất nước uống tinh khiết. Bà Dung và các con lên tiếng phản đối nhưng Công ty Mani vẫn tiến hành xây dựng, bất chấp mọi ngăn cản từ gia đình chủ nhà, chủ đất.

Như vậy, từ việc thuê nhà nhưng thuê một nơi lại đặt cơ sở hoạt động nơi khác, Công ty Mani đã tiến hành thuê tiếp nền đất, thuê vườn. Thế nhưng, đất, vườn thuê đã bị Công ty Mani tiến hành xây nhà xưởng trái phép. Công ty Mani ngày càng lấn tới, âm mưu chiếm trọn cả khu nhà, đất của bà Phạm Thị Huệ Dung.

Trách nhiệm của phường ở đâu?

Bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (con gái bà Dung và được mẹ ủy quyền) cho biết: Từ tháng 6/2014, khi Công ty Mani tiến hành xây dựng khoảng 100m2 trên đất nông nghiệp thuê thì gia đình đã làm đơn khiếu nại và UBND phường Thạnh Lộc đã xuống lập biên bản yêu cầu tháo dỡ. Công ty Mani đã tiến hành tháo dỡ, thế nhưng sau đó một tuần lại xây tiếp lần 2, xây đến 500m2 nhà xưởng, rồi tiến hành khoan giếng. Ngày 16/8/2014, gia đình bà Thủy lại trực tiếp đưa đơn đến phường, tuy nhiên bà Hà (phụ trách xây dựng đô thị) đã không nhận đơn mà nói cứ về đi rồi phường sẽ tiến hành cưỡng chế. Song, phường Thạnh Lộc đã không tiến hành cưỡng chế, Công ty Mani vẫn tiếp tục xây dựng nhà xưởng trái phép. Ngày 3/9/2014, gia đình bà Thủy lại tiếp tục gửi đơn đến UBND phường Thạnh Lộc đề nghị cưỡng chế, đập nhà xưởng xây trái phép, trả lại hiện trạng. Ngày 17/9/2014, UBND phường Thạnh Lộc có tổ chức xuống cưỡng chế nhưng cuối cùng vẫn không thực hiện việc này.

Trao đổi với PV, ông Trương Thanh Tú, Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc (quận 12) cho biết: UBND phường chưa tiến hành cưỡng chế được là do ông Lee Liem đang ở nước ngoài, khi nào ông Liem trở lại Việt Nam thì mới tiến hành cưỡng chế được(!?).

Thiết nghĩ, việc trả lời của ông Phó Chủ tịch UBND phường Thạnh Lộc là một cách thoái thác trách nhiệm. Công ty TNHH sản xuất và thương mại Mani tuy vốn là của ông Lee Liem (Việt kiều Canada) nhưng đại diện pháp nhân vẫn là người Việt, việc tiến hành cưỡng chế do xây dựng trái phép là không có gì khó khăn. Đề nghị UBND quận 12 cần vào cuộc để xử lý sai phạm trong việc xây dựng nhà xưởng của Công ty Mani và xem xét trách nhiệm của UBND phường Thạnh Lộc; đồng thời qua đó cần làm rõ việc đầu tư “chui” của Việt kiều Canada Lee Liem.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quận 12, TP. Hồ Chí Minh: Việt kiều đầu tư “chui”, xây dựng nhà xưởng trái phép