Qua rồi dân số vàng

Bảo Dân| 20/07/2016 08:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Người Việt đang già hóa sau một thời kỳ dân số vàng. Không có tổng kết xem vào thời kỳ dân số vàng hiếm hoi ấy ta đã tận dụng thời cơ như thế nào.

“Vàng” đã có đóng góp gì cho quốc kê dân sinh hay vẫn tồn trong kho với các thống kê luôn có con số khoảng 20 vạn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong khi đó vàng mười có 500 tấn ở trong két của dân không biết có cách gì huy động cho kinh tế.

 

Qua rồi thời kỳ dân số vàng khi người cao tuổi đã chiếm 10% dân số và các chuyên gia cảnh báo rằng đến năm 2050 người Việt sẽ trở thành người siêu già. 

Gánh nặng của chính sách xã hội với người già sẽ oằn vai ngân sách và quỹ bảo hiểm xã hội

Qua rồi dân số vàng

Đa số người cao tuổi nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ

Theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, trong 5 năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những thành tựu khả quan như duy trì mức sinh thay thế; tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh bước đầu được khống chế; tỷ lệ bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh được sàng lọc ngày càng cao; tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh ngày càng giảm; công tác chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên được cải thiện; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) được nâng cao; chất lượng dân số vùng biển, đảo, ven biển được nâng lên…

Các chuyên gia Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam lại đánh giá mức sinh của Việt Nam đã liên tục giảm và đạt dưới mức sinh thay thế trong gần 10 năm qua, kể từ năm 2005. Một đặc điểm nổi bật khác của nhân khẩu học Việt Nam là Việt Nam đã chính thức bước vào “giai đoạn già hóa” từ đâu nhiệm kỳ vừa rồi do kết quả của mức sinh và mức chết đều giảm và tuổi thọ cao hơn.

Trong một hội thảo chuyên ngành, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cũng cho rằng đã đến lúc điều chỉnh chính sách dân số, đặc biệt là mức con mỗi bà mẹ được sinh. Vì thế giảm sinh đến mức nào, thời điểm nào dừng lại để không lặp lại câu chuyện của nhiều nước trên thế giới là vấn đề ngành dân số cần quan tâm.

Trong suốt 50 năm qua, chính sách dân số của Việt Nam là tập trung xử lý quy mô dân số tăng quá nhanh, dự kiến đạt mức sinh thay thế năm 2015, nhưng 2006 đã đạt. 10 năm qua, mức sinh thay thế duy trì 2,1 con. Năm 2014 quy mô dân số Việt Nam là 90,5 triệu. Xu hướng mức sinh thấp hiện hữu ở nhiều tỉnh thành, khu vực  các thành phố lớn, Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo cần trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng. Đã đến lúc Việt Nam phải chuyển trọng tâm của chính sách dân số từ kiểm soát sinh sang việc lồng ghép các biến số dân số vào quá trình lập kế hoạch phát triển. Việt Nam không phải tiếp tục chính sách giảm mức sinh hay kiểm soát dân số nữa. Bởi xu hướng giảm tổng tỷ suất sinh là rõ ràng và không thể đảo ngược lại cùng với quá trình phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì chính sách kiểm soát dân số thì sẽ tác động ngược lại tới sự phát triển kinh tế xã hội.                                                               

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, công tác dân số của Việt Nam đang đứng trước bước chuyển lớn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của ngành Dân số cũng như sự chung tay vào cuộc của toàn thể các Bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Cần khắc phục những khó khăn, thách thức còn tồn tại như quy mô dân số đã đạt kế hoạch nhưng vẫn có xu hướng gia tăng; tình trạng mất cân bằng giới tính  vẫn còn cao và già hóa dân số tăng nhanh, nếu không có các giải pháp mang tính cân bằng và chiến lược, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già “điển hình” trên thế giới. Đây đúng là mối lo của cả xã hội.

Được biết, Chính phủ sẽ sớm trình Quốc hội ban hành về Luật Dân số. Dân số ở đây không chỉ có quy mô, cơ cấu, phân bổ mà quan trọng là phải chú trọng nâng cao chất lượng dân số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Qua rồi dân số vàng