Quá áp lực và quá tải công việc, nhiều Thẩm phán xin thôi việc

Mai Thoa| 16/09/2022 07:22
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 15/9, tại phiên họp thứ 15, UBTVQH cho ý kiến về báo cáo của các cơ quan tư pháp, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ đã giải trình thêm một số nội dung liên quan.

z3724019957336_ceae2e640514ea0684afdfe2e885d98e.jpg

Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, ông cùng quan điểm với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí là hiện nay tình hình tội phạm rất phức tạp, lượng án tăng cao, năm sau cao hơn năm trước. Vậy nên những chỉ tiêu mà Quốc hội giao sẽ khó thực hiện được.

Tuy nhiên, đây không phải là việc giải quyết kém đi mà sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, giảm dần, hoạt động xã hội trở lại bình thường thì số lượng án lại tăng lên; riêng án dân sự năm qua tăng gần 10.000 vụ, án hình sự và các loại án khác cũng tăng, tỷ lệ giải quyết án của Tòa án đều cao hơn năm trước.

Một thực trạng của ngành Tòa án hiện nay, đó là áp lực công việc ngày càng lớn, nhiều nơi cán bộ, Thẩm phán xin nghỉ việc, chuyển công tác...gây rất nhiều khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ của ngành. Điển hình như tại TP Hồ Chí Minh trong năm qua có 54 cán bộ, Thẩm phán xin thôi việc, xin chuyển công tác. Hoặc Bến Tre, mặc dù là tỉnh nhỏ nhưng có tới 8 Thẩm phán xin thôi không làm Thẩm phán trong một năm.

Về công tác chuyên môn, Phó Chánh án Thường trực TANDTC cho biết, ngành Tòa án kịp thời triển khai để đưa các Nghị quyết, Luật của Quốc hội ban hành vào cuộc sống. Theo đó, trong năm 2022, thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Tòa án các cấp đã hòa giải được hơn 54.000 vụ việc, giảm số việc Tòa án phải thụ lý để giải quyết rất nhiều so với trước. Riêng Nghị quyết 33 của Quốc hội về xét xử trực tuyến trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp, tính đến thời điểm hiện nay, Tòa án các cấp đã xét xử trực tuyến được hơn 1.500 vụ án. Đây cũng là một trong những biện pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ việc của Tòa án được TANDTC triển khai mạnh mẽ trong toàn ngành.

z3723280050055_695c15137567c6358184ae8f68f2344c.jpg
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ phát biểu giải trình thêm một số nội dung liên quan.

Cùng với đó, chất lượng xét xử đã được nâng lên rất nhiều. Trong năm 2022, Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử hơn 400.000 vụ việc và tỷ lệ bản án bị hủy, sửa vẫn trong giới hạn Quốc hội cho phép, đặc biệt là không có án oan… thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Tòa án các cấp.

Trước đó, quá trình thảo luận, UBTVQH cũng đánh giá cao hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có Tòa án.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, thực tiễn giám sát chuyên đề về thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) giai đoạn 2016-2021 thấy rằng, Hội đồng Thẩm phán TANDTC ban hành Nghị quyết số 05 ngày 15/8/2019 hướng dẫn áp dụng các điều khoản liên quan đến BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, gian lận bảo hiểm y tế,…của BLHS nên đạt được rất nhiều kết quả khả quan.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan ở TP Hồ Chí Minh cũng như Ủy ban Xã hội đều rất mong muốn các vụ án về tội trốn đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp được khởi tố, truy tố và xét xử ở Tòa án nhằm đảm bảo tính răn đe, tuy nhiên rất băn khoăn là hiện nay chưa có vụ án nào được đưa ra xét xử.

Báo cáo về nội dung này, Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cho biết, các Tòa án đều được quán triệt thực hiện nhiệm vụ nói chung và xét xử lĩnh vực này nói riêng. Khi hồ sơ được chuyển đến Tòa án sẽ được nghiên cứu xử lý kịp thời, tuy nhiên việc chậm trễ này là do chưa có hồ sơ các vụ việc liên quan đến các nội dung nêu trên từ CQĐT và VKS chuyển sang nên Tòa án chưa thể thực hiện được. Do vậy, về ý kiến này của Ủy ban Xã hội, đề nghị Bộ Công an và VKSNDTC phối hợp thực hiện kịp thời.

z3723915069163_9b4697e3f2a33db19b9328752e093a43.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp.

Trước đó, UBTVQH cũng đã nghe lãnh đạo TANDTC báo cáo về công tác Tòa án năm 2022.

Báo cáo cho biết, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022, các Tòa án đã thụ lý 514.233 vụ việc, giải quyết 365.499 vụ việc (đạt tỷ lệ 71,07%); số vụ việc đã thụ lý tăng 3.305 vụ việc, đã giải quyết tăng 1.972 vụ việc. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm; các Tòa án đã phối hợp với VKSND tổ chức 6.627 phiên tòa rút kinh nghiệm.

Các Tòa án đã xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra những thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện như: vụ án Nguyễn Đức Chung và đồng phạm phạm tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Nguyễn Quốc Anh và đồng phạm xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai; vụ án Nguyễn Minh Hùng xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế…

Đặc biệt, các Tòa án đã tuyên thu hồi tiền, tài sản đối với 592 vụ, 1.390 bị cáo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng với số tiền hơn 1.700 tỷ đồng và các tài sản khác; có 326 vụ với 879 bị cáo đã khắc phục hậu quả nộp lại tài sản đã chiếm đoạt hơn 530 tỷ đồng. Các Tòa án cũng đã đưa ra xét xử 154 vụ với 256 bị cáo liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, góp phần tích cực vào công tác phòng chống dịch bệnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quá áp lực và quá tải công việc, nhiều Thẩm phán xin thôi việc