Phương án gỡ vướng mắc cho trạm BOT Thái Nguyên-Chợ Mới

Nhật Vũ| 23/08/2022 18:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đưa ra 4 phương án xử lý vướng mắc, bất cập tại trạm BOT Thái Nguyên-Chợ Mới.

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại trạm thu phí Quốc lộ 3, dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên-Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3 đoạn Km75-Km100 (khu vực Bờ Đậu, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên).

Cụ thể, Bộ GTVT đã đưa ra 4 phương án đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên nghiên cứu, đánh giá để có cơ sở báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét thông qua trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập.

bot.jpg
Ảnh minh họa 

Phương án 1: Thực hiện theo đúng hợp đồng dự án đã ký kết, nhà đầu tư triển khai thu phí tại 2 trạm (QL3 và trên đường Thái Nguyên - Chợ Mới) để hoàn vốn. Trong đó, trạm QL3 triển khai theo phương án miễn, giảm phí đã thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên.

Theo tính toán sơ bộ, thời gian thu phí tăng từ 25 năm 4 tháng lên khoảng 32 năm 4 tháng (do lùi thời gian bắt đầu thu phí tại trạm QL3 từ tháng 7/2019 sang dự kiến vào cuối năm 2022). Để bảo đảm thời gian hoàn vốn theo hợp đồng đã ký kết (khoảng 25 năm), nhà đầu tư đề nghị bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ khoảng 800 tỉ đồng

Phương án 2: Chỉ thu phí trên trạm Thái Nguyên - Chợ Mới, không thu phí trên QL3, Doanh nghiệp dự án bàn giao QL3 đoạn Km75 - Km100 cho cơ quan nhà nước quản lý khai thác và bảo trì.

Theo tính toán sơ bộ, để bảo đảm hiệu quả tài chính (với thời gian thu hồi vốn khoảng 25 năm 4 tháng như hợp đồng đã ký), nhà nước cần hỗ trợ khoảng 3.050 tỉ đồng.

Phương án 3: Di dời trạm thu phí QL3 từ Km77+922 về đặt trên đoạn Km 93 - Km100 (trong phạm vi đầu tư nâng cấp, cải tạo). Kết quả đếm xe và tính toán phương án tài chính cho thấy, do lưu lượng xe đoạn Km 93 - Km100 rất thấp nên phương án này không bảo đảm hiệu quả tài chính; để bảo đảm thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm 4 tháng theo hợp đồng đã ký, nhà nước cần hỗ trợ khoảng 2.550 tỉ đồng.

Phương án 4: Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bố trí vốn nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp dự án theo quy định của pháp luật về PPP. Theo tính toán sơ bộ theo các quy định của hợp đồng dự án đã ký, nhà nước cần bố trí khoảng 3.250 tỉ đồng để thanh toán cho doanh nghiệp dự án và chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn.

Theo đại diện Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới, 5 năm qua nhà đầu tư, các cấp chức năng đã vào cuộc gỡ khó cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp dự án cũng xây dựng phương án miễn, giảm phí qua trạm cho người dân khu vực và được cấp có thẩm quyền thông qua. Do đó, phương án nhà đầu tư mong muốn nhất là được mua lại toàn bộ dự án, chấm dứt hợp đồng trước thời hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương án gỡ vướng mắc cho trạm BOT Thái Nguyên-Chợ Mới