Mới đây, Bộ GD-ĐT vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.
Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo, PV Báo Công lý đã hỏi ý kiến của một số phụ huynh về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT.
Đánh giá cao dự thảo mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra, chị Trần Thị Lan chia sẻ: “Dường như hiện nay, phụ huynh và học sinh rất căng thẳng với các con đầu cấp, nhiều phụ huynh ngay từ khi vào đầu lớp 1 đã xác định con phải chạy đua, phải học hành hết sức để tham gia các cuộc thi này, thi nọ để có thành tích hay cộng điểm vào xét tuyển”.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, chị Lan cũng chia sẻ nhiều phụ huynh cũng phải tăng cường cho con đi học thêm tại các lớp, nếu không được học thêm, sợ điểm thấp, quá trình xét tuyển sẽ rất bất lợi cho các con.
Cùng tâm trạng giảm được áp lực, chị Trần Thị Ngọc (ở phố Hàng Bạc – Hà Nội) chia sẻ: “Cách đây 2 năm, thời điểm này tôi và chồng chạy đôn chạy đáo, nhờ mọi mối quan hệ để xin cho con vào trường mình mong muốn, đặc biệt là các trường chuyên dành cho học sinh cấp 2”.
“Nếu con tôi cùng một cháu khác đăng ký xét tuyển vào một trường và bằng điểm như nhau nhưng cháu kia có nhiều giải thưởng từ các cuộc thi hơn sẽ được ưu tiên hơn. Chính vì vậy, khi Bộ GD-ĐT đưa ra dự thảo sửa đổi, bổ sung một số quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT, tôi thấy rất hay và mong rằng sẽ được thực thi sớm”, Chị Ngọc chia sẻ.
“Đồng thời, tôi thấy chính sách mà năm nay Bộ GD-ĐT đưa ra rất tiến bộ, chính là bỏ các cuộc thi không cần thiết. Chính các cuộc thi đó đang làm học sinh, giáo viên mệt mỏi”, chị Ngọc nói thêm.
Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT ban hành kèm theo Thông tư số 11/2014/TT-BGDĐT ngày 18/4/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 4 của thông tư hiện hành: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển. Trường hợp cơ sở giáo dục có số học sinh đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, sở GD&ĐT hướng dẫn thực hiện phương án tuyển sinh theo phương thức xét tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh”.
Trong khi đó, thông tư hiện hành chỉ quy định: “Tuyển sinh THCS theo phương thức xét tuyển”.
Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc tuyển sinh THCS phải bảo đảm yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục THCS trên địa bàn. Như vậy, chỉ những trường không thực hiện nhiệm vụ phổ cập, tuyển sinh học sinh theo đúng tuyến được phân công mới được phép có hình thức tuyển sinh kiểm tra, đánh giá năng lực.
Về quy định tuyển thẳng và chế độ ưu tiên, thay vì chỉ yêu cầu “Học sinh đạt giải cấp quốc gia trở lên về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học” như quy định hiện hành, thì dự thảo sửa đổi thành “Học sinh đạt giải cấp quốc gia và quốc tế về văn hóa; văn nghệ; thể dục thể thao; cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh THCS và THPT”. Như vậy, những học sinh được tuyển thẳng phải đạt giải cấp quốc gia cuộc thi khoa học, kỹ thuật, chứ không phải cấp tỉnh cũng có thể được như hiện nay.
Quy định về tuyển thẳng và chế độ ưu tiên trong dự thảo cũng bổ sung thêm điều 4: “Sở GD&ĐT quy định mức điểm cộng thêm cho từng nhóm đối tượng được cộng điểm ưu tiên. Mức chênh lệch điểm cộng thêm thang 10 điểm, giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 0,5 điểm tính theo thang điểm 10”.
Dự thảo được công bố và lấy ý kiến rộng rãi dư luận đến hết ngày 18/2/2018.