Sau khi các trường đại học công bố điểm trúng tuyển năm 2017, nhiều thí sinh và phụ huynh ngỡ ngàng, thậm chí là "sốc" khi biết mức chuẩn của nhiều trường tăng từ 3-6 điểm, cao hơn dự đoán.
Điểm chuẩn các trường tăng vọt
Hai đứa con lớn đã lần lượt vào đại học một cách suôn sẻ, không ngờ đến đứa con gái út đứng trước ngưỡng cửa đại học dù học lực tốt nhất trong ba đứa con, thì chị Trần Thị Hồng lại cảm thấy bất an và lo lắng nhất. Thực tế thì những lo lắng của chị đã thành sự thực khi con gái chị là Ngô Thủy Triều thi đạt 25 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng 1.
Thời điểm này, nhiều thí sinh đạt 25 điểm vẫn trượt nguyện vọng 1. Ảnh Hải Nam.
Chị Hồng chia sẻ: “Sau khi tham khảo, nắm bắt tình hình điểm thi và căn cứ vào mức điểm của những năm trước gia đình tôi và con gái quyết định dùng quyền điều chỉnh nguyện vọng 1 sang khoa Báo chí (trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) vào buổi chiều ngày cuối cùng thay đổi nguyện vọng”.
“Sỡ dĩ thay đổi vì năm 2016, điểm chuẩn khối C vào khoa Báo chí hơn 20 điểm. Tuy nhiên, điểm chuẩn khoa này năm nay tăng vọt lên 26,5 điểm con gái tôi đã mất cơ hội đỗ nguyện vọng 1”, chị Hồng chia sẻ thêm.
Cũng giống trường hợp con gái chị Hồng, chị Nguyễn Thị Phương (ở Hà Nội), có em trai năm nay thi đại học, em chị đăng ký vào vào khoa Quan hệ công chúng (trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) với điểm số 26 điểm một cách tự tin.
“Năm ngoái, khoa này có điểm chuẩn là 24 điểm. Chênh 2 điểm so với mức chuẩn năm ngoái em cứ tưởng là yên tâm đỗ nguyện vọng 1 rồi , vì ai cũng tư vấn là điểm chuẩn sẽ chỉ tăng nhẹ. Nhưng trường vừa công bố điểm chuẩn vào khoa này là 26,25, thế là em trai tôi trượt", chị Phương kể..
Được biết để đầu tư vào việc ôn tập cho kỳ thi này, em trai chị Phương đã phải bảo lưu kết quả một năm tại trường Học viện Thanh thiếu niên.
“Gần như mọi thời gian em trai đều tập trung học, bố mẹ cũng dùng toàn lực thuê thầy cô dạy kèm cho em. Cứ ngỡ 26 điểm là chắc lắm rồi, ai dè vẫn trượt. Hai hôm nay, biết em không nói ra những nhìn nó cứ rầu rĩ, đến bữa cơm không khí trong gia đình nặng nề khiến cho lòng cả nhà không yên. Tôi sợ em mình phải lâu mới vượt qua cú sốc này hoặc nghĩ quẩn thì chết”, chị Phương bày tỏ.
Trước đó, nhiều phụ huynh và học sinh đã trực tiếp tham gia các kênh tư vấn để chọn trường, tuy nhiên vẫn có những câu chuyện rơi nước mắt. Ảnh Ngô Chuyên.
"Tiến thoái lưỡng nan" vì lựa chọn
Giọng nói nghẹn ngào và tự trách bản thân mình đã khuyên con thay đổi nguyện vọng, chị Hồng chia sẻ: “Ước gì các trường hạ thấp điểm nguyện vọng 1 tí để con tôi có cơ hội. Chứ nhìn con thất vọng như thế này gia đình tôi rất đau lòng. Đặc biệt là tôi, giá như tôi không khuyên con thay đổi nguyện vọng thì cơ sự sẽ không đến như thế này”.
Chưa biết sẽ làm gì để giúp em mình ổn định tâm lý cũng như cân bằng lại tinh thần để quyết định tiếp tục học trường Học viện Thanh thiếu niên hay làm hồ sơ cho nguyện vọng 2, chị Phương chia sẻ: “Thực sự, nguyện vọng 1 là trường mà các em kỳ vọng rất lớn và cũng là nguyện vọng các em ưu tiên nhất. Nhưng giờ trượt nguyện vọng 1 quả thực rất khó khăn để chọn. Bởi những trường top đầu thì gần như là đã đủ nguyện vọng, nếu có nguyện vọng 2 thì cũng cao hơn nên cơ hội vào là rất khó”.
“Trước đây, với mức điểm từ 25, 26 điểm là mức điểm cao, gần như có nhiều trường là thủ khoa. Tuy nhiên, năm nay đa phần các trường top tuyển chọn đầu vào từ 25 trở lên thậm chí có trường còn 30,5 điểm khiến cho học sinh, phụ huynh càng hoang mang bất an. Không chỉ riêng gia đình tôi mà có thể nhiều gia đình khác cũng đang rơi vào hoàn cảnh như gia đình tôi”, chị Phương trải lòng.