Thời gian gần đây, dư luận chứng kiến không ít câu chuyện đau lòng về bạo lực học đường. Vậy nguyên nhân từ đâu dẫn đến bạo lực học đường? Phải làm sao ngăn chặn được những hành vi đó của học sinh? Đó là câu hỏi mà phụ huynh cũng như giáo viên đặt ra.
Phụ huynh “sốc”
Con ở độ tuổi học cấp 1, cấp 2 luôn khiến không ít phụ huynh lo lắng như ngồi trên đống lửa bởi sự thay đổi tâm, sinh lý nhanh một cách chóng mặt. Chia sẻ về những lo lắng đó, chị Trần Thị Ngọc (40 tuổi, Cầu giấy, Hà Nội) nói: “Quả thực mình sốc khi trong một tháng chứng kiến quá nhiều clip nữ sinh đánh nhau được báo chí đưa lên. Đặc biệt, mới đây khi xem clip 3 học sinh ở Đồng Nai đánh bạn ngay tại lớp học vì một tin nhắn và càng sốc hơn khi nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn đó là vì ghen tuông”.
Chị Ngọc chia sẻ thêm: “Học sinh cấp 2 - cấp 3 là tuổi đẹp nhất của cuộc đời, tuổi đó, các con có bao ước mơ, bao hoài bão. Thế nhưng hiện nay, một số con đang đi lệch hướng với quỹ đạo, các con đang tự mình đánh mất cái tuổi đẹp nhất của đời học sinh vì những khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì”.
Để hạn chế bạo lực học đường, phụ huynh và nhà trường nên kết hợp với nhau. Ảnh HN
Lo lắng, hoang mang không kém gì chị Ngọc, chị Nguyễn Thị Hằng (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Một phần nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường chính là do gia đình không quan tâm đến con, họ phó mặc con cái cho nhà trường dạy dỗ mà quên đi con cần được lắng nghe, được tâm sự để chia sẻ những bí bức, những vấn đề khó nói ở tuổi dậy thì”.
“Tôi hiểu cảm giác một mình trải qua giai đoạn dậy thì khó khăn như thế nào, tôi từng trải qua giai đoạn đó, tôi hiểu có những lúc thực sự cần được lắng nghe, được hiểu, được tư vấn nhưng bố mẹ bận không có thời gian dành cho tôi. Nếu tôi không bản lĩnh, tôi cũng rơi vào tình trạng khủng hoảng như một số cháu hiện nay và có khi tôi cũng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn với bạn bè. Cho nên phụ huynh hãy dành thời gian để chia sẻ, cùng con vượt qua tuổi dậy thì”, chị Hằng tâm sự.
Đa phần những vụ học sinh đánh nhau bố mẹ không phải là người biết đầu tiên, chỉ khi sự việc được xã hội lên tiếng phụ huynh mới biết thì lúc đó đã muộn. Chính vì vậy, theo nhiều phụ huynh nhà trường nên kết hợp chặt chẽ với phụ huynh, đồng thời trong chương trình học cần lồng ghép các môn học giáo dục tâm lý sớm cho học sinh ngay từ cấp 1, không nên để cấp 2 mới đưa vào chương trình học.
“Hiện nay, nhiều cháu bước vào tuổi dậy thì rất sớm, có cháu lớp 3 đã bắt đầu dậy thì chính vì vậy trong chương trình học cấp 1, Bộ GD-ĐT nên lồng ghép các môn học liên quan đến giáo dục sức khỏe sinh sản, tâm lý tuổi dậy thì. Nhà trường nên phối hợp với phụ huynh để định hướng, sát sao cùng các cháu để hạn chế các cháu đi lệch với quỹ đạo phát triển”. Đó là ý kiến của anh Nguyễn Trọng Tấn (Q. Hai Bà Trưng- Hà Nội) chia sẻ.
Phụ huynh không nên cấm con yêu mà nên phân tích rõ lợi, hại khi yêu sớm
Phụ huynh không nên ỷ lại cho nhà trường hết việc giáo dục con cái, mà hãy đồng hành cùng nhà trường. Ảnh HN.
“Những hành vi như đánh bạn rồi quay clip chia sẻ lên mạng xã hội, mục đích để làm nhục nhau, tôi nghĩ phải xử thật nặng để tạo tính răn đe. Không thể dung dưỡng cho thói bạo lực như thế được”. Đó là chia sẻ của GS -TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và phát triển.
GS Qúy cho biết: “Thời chúng tôi cũng có yêu, khi yêu cũng có ghen nhưng người ta biết tôn trọng nhau, tôn trọng cả lựa chọn của họ. Khi chia tay, gần như không ai trả thù nhau đến mức man rợ như hiện nay. Còn lớp trẻ bây giờ, yêu nhanh, có thể dẫn nhau vào nhà nghỉ rất nhanh và hệ lụy đến cũng rất nhanh”.
“Cha mẹ không nên cấm con yêu, nhưng cần chỉ ra cho con những giới hạn trong tình yêu, nếu đi quá sẽ dẫn đến những hậu quả gì để con hiểu và ý thức được những việc làm của mình”, GS. Qúy nói thêm.
Một vấn đề nữa mà hiện nay nhiều bậc cha mẹ còn suy nghĩ “cổ hủ” là ở tuổi cấp 1, 2, nói chuyện yêu, chuyện giới tính và giáo dục sinh sản còn quá sớm. Thậm chí, nhiều phụ huynh để con tự tìm hiểu hay ỷ lại cho nhà trường.
GS Qúy nhấn mạnh: “Bây giờ trẻ lên cấp 2 đã có rung động, yêu đương nhau. Trong gia đình, bố mẹ phải giảng dạy cho con về giới tính. Cha mẹ không thể né tránh được, nếu muốn bảo vệ con”.
Bên cạnh đó, GS Qúy cũng nêu rõ vai trò của nhà trường trong việc giáo dục giới tính cho học sinh, giáo dục cách ứng xử sao cho hài hòa ở các mối quan hệ bạn bè cũng như ứng xử trong tình yêu.
“Nếu thầy cô ở trường phát hiện có chuyện học trò yêu nhau thì cần đưa ra những lời khuyên để các em biết cách yêu lành mạnh, trong sáng. Thầy cô đừng thờ ơ, như thế là làm hại học trò", GS Quý khẳng định.