Xung quanh bức tâm thư của một phụ huynh ở Hà Nội gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc tổ chức cuộc thi “Chinh phục vũ môn” theo hình thức trò chơi trực tuyến trong trường học, đã có nhiều phụ huynh đồng loạt lên tiếng phản đối.
Qua tìm hiểu được biết, cuộc thi Chinh phục vũ môn thu hút gần 300.000 lượt đăng ký ngay trong mùa thi đầu tiên và hơn 700.000 thí sinh đăng ký từ hơn 10.000 trường THCS khắp 63 tỉnh thành trên toàn quốc cho cuộc thi năm nay. Đối tượng tham gia là học sinh từ lớp 3 đến lấp 5 với bậc tiểu học và lớp 6 đến lớp 9 với bậc THCS, các thí sinh sẽ trải qua 16 tuần thi cấp trường theo từng khối lớp.
Trả lời trên báo VOV về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh – Phó vụ trưởng Vụ công tác học sinh – sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho rằng: "Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, phát triển tư duy sáng tạo cho thiếu nhi; nâng cao nhận thức về khả năng khai thác hiệu quả internet phục vụ học tập, giải trí và rèn luyện, giúp các em tránh xa các trò chơi online độc hại, bạo lực, ảnh hưởng không tốt đến thiếu niên, nhi đồng.
Cuộc thi cung cấp kiến thức cần thiết, bổ ích cho học sinh, qua đó hình thành thói quen chủ động học tập và tiếp cận tri trức thông qua nền tảng công nghệ thông tin. Cuộc thi được tổ chức sinh động, thân thiện, vui tươi, an toàn, giúp các em nắm chắc kiến thức về văn hóa, xã hội và kỹ năng sống. Ngoài ra, cuộc thi cũng góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, hoàn thiện nhân cách, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ".
Nội dung câu hỏi, đáp án và hình thức tổ chức cuộc thi đã được các nhà khoa học, các nhà giáo có uy tín tham gia xây dựng và thẩm định.
Cuộc thi trực tuyến “Chinh phục vũ môn” là cuộc thi tìm hiểu kiến thức tổng hợp giành cho học sinh phổ thông do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức từ năm học 2014-2015.
Từ hiệu quả của cuộc thi dành cho các em học sinh THCS, theo đề xuất của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, sau khi nghiên cứu, Bộ GD-ĐT đã thống nhất phối hợp với đơn vị này tổ chức cuộc thi lần thứ II (năm học 2015-2016) và lần thứ III (năm học 2016-2017).
Hình ảnh quảng cáo xuất hiện trong game Chinh phục vũ môn
Trong 2 lần đầu, cuộc thi được tổ chức cho các em học sinh THCS trên toàn quốc. Lần thứ III, năm học 2016 – 2017, cuộc thi đã mở rộng đối tượng cho các em học sinh lớp 3 – 5. Nội dung các câu hỏi của cuộc thi bao gồm: Kiến thức các môn văn hóa: chiếm 30% tổng số câu hỏi (gồm Văn, Toán, Anh, Lý, Hóa, Sinh...). Kiến thức xã hội chiếm: 30% tổng số câu hỏi (các lĩnh vực : Lịch sử, Địa lý, Âm nhạc, Thể thao, IQ...) Kiến thức đời sống xã hội: chiếm 40% tổng số câu hỏi (các hiểu biết về xã hội, kiến thức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng…).
Tuy nhiên, mặc dù vị lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, nội dung cuộc thi đã được thẩm định, đây là sân chơi bổ ích cho các cháu thiếu nhi, nhưng nhiều bậc phụ huynh có con trong độ tuổi đang học Tiểu học đến THCS đều lên tiếng phản đối.
Đặc biệt tác giả của bức tâm thư Trần Trọng An một lần nữa cho rằng: “Là phụ huynh, khi đưa con đến trường, tôi muốn con mình được học, được vui chơi lành mạnh với bạn bè, được học thêm kỹ năng sống.
Tôi không muốn con mình bị ngành giáo dục dẫn dụ vào chơi ở 1 khu vườn có hoa thơm trái ngọt, nhưng xung quanh đầy cạm bẫy, thú dữ. Tôi cũng không muốn con mình quen với con đường mà sau đó cháu có thể đến với đam mê tốc độ, thích bắn phá như trong những game như tôi đã nói ở trên”.
Theo anh An, trong Chinh phục vũ môn có nhúng các game như "Đua xe (Car Racing), Bắn tăng, Bắn máy bay, Quái vật..., những game này hoàn toàn không tốt cho học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học.
Cùng tâm tư với anh An, chị Nguyễn Ngọc (masumi@gmail....) cho rằng: “Dù là sân chơi lành mạnh đi chăng nữa tôi cũng không muốn con tiếp xúc với game và internet quá sớm. Chúng ta sẽ không kiểm soát được hoạt động của các cháu, vô tình có thể gây ra tác hại khôn lường”.
Phụ huynh Bùi Trung Hiếu cho rằng: “Những trò này độc hại. Kiến thức đâu chưa thấy nhưng hình thành thói quen xấu (quen chơi game) cho trẻ từ bậc tiểu học. Tôi phản đối".
Chị Hoa Cỏ May (có 2 con trong độ tuổi này) cũng phản đối tổ chức một cuộc thi trực tuyến trong trường học bởi bên cạnh mặt tích cực của cuộc thi thì việc cho các em trong độ tuổi này tiếp xúc với internet quá sớm là không nên.
Việc nhà trường tổ chức một cuộc thi trực tuyến bằng hình thức game online có quy mô toàn quốc như thế này đang không nhận được sự đồng thuận của dư luận. Thiết nghĩ, Bộ GD-ĐT cần cân nhắc lại việc phát triển cuộc thi này trong học sinh tránh những ảnh hưởng xấu mà internet mang lại khi để con trẻ tiếp xúc với thế giới "ảo" quá sớm.