Phòng xử án thân thiện: Bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi

10/03/2017 16:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tại Hội thảo tham vấn về mô hình phòng xử án đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên (Phòng xử án thân thiện) do TANDTC tổ chức, các đại biểu đánh giá cao việc quy định về Phòng xử án thân thiện.

Đây là một trong những cải cách tư pháp cụ thể để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền của trẻ em, người chưa thành niên đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990.

Sự cần thiết quy định về Phòng xử án thân thiện

Hội thảo tham vấn về mô hình Phòng xử án thân thiện đã thu hút được sự tham gia của đại diện Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Bộ Tư pháp, VKSNDTC, Trường đại học Luật Hà Nội, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, TAND tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Bắc Ninh và các đơn vị chức năng của TANDTC… Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC chủ trì hội thảo.

Phân tích về sự cần thiết quy định Phòng xử án thân thiện, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn nêu rõ, BLTTHS năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2015 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ và hiện đại. Trong đó, các quy định về nguyên tắc áp dụng, trình tự thủ tục tố tụng, áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục, ngăn chặn, cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi có nhiều thay đổi mang tính căn bản so với BLTTHS năm 2003. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 lại chưa có quy định về Phòng xử án thân thiện đối với người dưới 18 tuổi, nên chưa thực sự đồng bộ. Để bảo đảm tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi, khoản 4 Điều 423 BLTTHS năm 2015 quy định “Việc xét hỏi, tranh luận với bị cáo, bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi tại phiên tòa được tiến hành phù hợp với lứa tuổi, mức độ phát triển của họ. Phòng xử án được bố trí thân thiện, phù hợp với người dưới 18 tuổi”. Điều 257 BLTTHS năm 2015 quy định “Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác”; “Chánh án TANDTC quy định chi tiết Điều này”.

Phòng xử án thân thiện: Bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi

Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC phát biểu tại hội thảo

Thực tiễn hiện nay, Phòng xử án thân thiện của Tòa Gia đình và người chưa thành niên tại TAND TP Hồ Chí Minh đang được áp dụng theo đề xuất của các chuyên gia. Qua gần 1 năm áp dụng đã thể hiện tính ưu việt trong quá trình xét xử các vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy định về phòng xử án nói chung, cũng như Phòng xử án thân thiện nói riêng. Do đó, cùng với việc đổi mới các thủ tục tố tụng theo tinh thần cải cách tư pháp thì việc quy định về phòng xử án ở các Tòa án bảo đảm tính thống nhất, trang nghiêm, an toàn từ những chi tiết nhỏ như việc treo Quốc huy, thiết kế, màu sắc của bàn, ghế, bục, biển chức danh của người tiến hành tố tụng, lối đi của Hội đồng xét xử.... là rất cần thiết. Trong đó, phòng xử án đối với người dưới 18 tuổi tham gia phiên tòa thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên cần phải được sắp xếp, bố trí khác với mô hình phòng xử án thông thường.

Nhằm triển khai các quy định của Điều 257 BLTTHS năm 2015, TANDTC đã xây dựng dự thảo Thông tư của Chánh án TANDTC quy định về phòng xử án, trong đó có quy định về Phòng xử án thân thiện theo hướng phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của người dưới 18 tuổi. Quy định về Phòng xử án thân thiện đã được TANDTC đăng tải trên Cổng thông tin điện tử TANDTC và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ban, ngành ở Trung ương, TAND các cấp, các chuyên gia, các nhà khoa học, đảm bảo nguyên tắc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội được khách quan, chính xác, nhân đạo, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế và các quy định về thủ tục tố tụng theo BLTTHS năm 2015.

Quy định về Phòng xử án thân thiện trong dự thảo Thông tư quy định về phòng xử án không có điều quy định riêng mà được thể hiện tại khoản 4 Điều 3; khoản 2 Điều 4 và mục 2 phụ lục 1 dự thảo Thông tư. Cụ thể là Phòng xử án thân thiện được thể hiện theo mô hình riêng, có nhiều điểm khác biệt so với phòng xử án áp dụng đối với vụ án thông thường; các vị trí được sắp xếp trên cùng một mặt phẳng, kiểu bàn tròn, bị cáo được ngồi cạnh người đại diện, người bào chữa. Về bàn, ghế và các trang thiết bị khác trong Phòng xử án thân thiện được thực hiện như các phòng xử án thông thường từ màu sắc đến kiểu dáng, kích thước... không quy định riêng.

Một số quan điểm về quy định Phòng xử án thân thiện

Theo đánh giá của các chuyên gia pháp lý, các nhà khoa học và chuyên gia tâm lý tham dự hội thảo thì Phòng xử án đối với người dưới 18 tuổi được bố trí như trong dự thảo Thông tư quy định về phòng xử án về cơ bản đã thể hiện được sự thân thiện, phù hợp với lứa tuổi, giảm không khí căng thẳng, tránh các biến động về tâm lý của các em. Phòng xử án thân thiện là một trong những bước đi cụ thể thực hiện cải cách tư pháp để thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ các quyền của trẻ em, người chưa thành niên đã được ghi nhận trong các văn kiện quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990. Dù vậy, cũng có những ý kiến khác nhau về quy định Phòng xử án thân thiện.

Phòng xử án thân thiện: Bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi

Quang cảnh buổi hội thảo

Quan điểm thứ nhất, đa số các ý kiến cho rằng nên có quy định riêng, vì Phòng xử án thân thiện không giống như phòng xử án thông thường, đó là người dưới 18 tuổi được ngồi cạnh cha, mẹ, người bào chữa. Do đó việc bố trí phòng xử án theo không gian mới sẽ tác động tâm lý tốt tới người chưa thành niên, không làm họ hoảng sợ, việc khai báo chính xác hơn, góp phần bảo đảm chất lượng xét xử vụ án của Tòa án được nâng cao. Việc bố trí phòng xử án thân thiện còn phù hợp với nguyên tắc áp dụng hình phạt: không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục con người tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm…

Quan điểm thứ hai cho rằng, không nên quy định riêng về Phòng xử án thân thiện, vì phòng xử án chỉ thể hiện về mặt hình thức cách sắp xếp, bố trí nơi diễn ra phiên tòa. Việc giải quyết vụ án bắt buộc phải căn cứ vào các quy định của pháp luật nội dung và pháp luật tố tụng, do đó quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi khi tham gia phiên tòa luôn được bảo đảm không bị ảnh hưởng hay tác động từ hình thức phòng xử án. Vì vậy, việc bố trí phòng xử án riêng biệt như vậy còn gây tốn kém, lãng phí nên trên thực tiễn là không cần thiết.

Mặt khác, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC, nguyên Chánh án TAQS Trung ương thì theo dự thảo về việc sắp xếp vị trí Phòng xử án thân thiện hiện nay bố trí người phiên dịch ngồi ngang hàng Thư ký phiên tòa là không cần thiết, vì người này không phải là người tiến hành tố tụng. Do đó vị trí người phiên dịch cần bố trí ngồi ở dưới. Người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự phải được bố trí ngồi gần nhau hơn nữa để tiện hơn trong hoạt động tố tụng. Ngoài ra, dự thảo không nhắc đến người bảo vệ phiên tòa, trong khi đó đây là lực lượng rất cần thiết để giữ gìn trật tự. Tuy nhiên, Phòng xử án thân thiện thì cảnh sát không nên mặc sắc phục mà chỉ cần mặc thường phục để tạo ra sự gần gũi, an tâm cho bị cáo cũng như những người tham dự phiên tòa.

Về việc có hàng rào bằng gỗ ngăn cách giữa những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng với những người tham dự, theo ông Nguyễn Văn Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự- hành chính, Bộ Tư pháp thì không nên có rào chắn cứng ngăn cách trong Phòng xử án thân thiện. Cùng quan điểm với Phó Giáo sư- Tiến sĩ Trần Văn Độ, ông Nguyễn Văn Hoàn cho rằng không nên để người phiên dịch ngồi ngang hàng với Thư ký phiên tòa mà nên để ngồi phía dưới. Nhưng theo ông Nguyễn Văn Thịnh, Chánh án TAND tỉnh Thái Bình thì rất cần có hàng rào cứng ngăn cách để phân tách riêng biệt người tiến hành tố tụng, tham gia tố tụng với người tham dự phiên tòa…

Việc bố trí phóng viên, nhà báo tại Phòng xử án thân thiện được sắp xếp ở cuối hội trường, đa số các đại biểu nhất trí. Tuy nhiên, tại những phiên tòa này, theo quan điểm của ông Vũ Thế Đoàn, hàm Vụ trưởng, công tác tại Vụ Giám đốc kiểm tra I TANDTC và Tiến sĩ Đào Lệ Thu, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu so sánh luật công - Viện Luật so sánh, Trường đại học Luật Hà Nội thì những phiên tòa này báo chí chỉ được mang sổ ghi chép và bút vào dự, không nên cho chụp ảnh tại phiên tòa để tránh đăng tải hình ảnh bị cáo, người bị hại trên báo chí gây bất lợi cho các em trong tương lai…

Kết luận hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC, ghi nhận sự đóng góp đa chiều của các đại biểu, những góp ý thực sự sâu sát vấn đề và rất bổ ích cho việc hoàn thiện mô hình Phòng xử án thân thiện. Thay mặt TANDTC, Tiến sĩ Nguyễn Sơn đánh giá cao sự nỗ lực, đóng góp của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc trong việc xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện cho trẻ em ở Việt Nam, trong đó có việc hỗ trợ TANDTC triển khai các quy định của pháp luật về Tòa Gia đình và người chưa thành niên nói chung, mô hình phòng xử án áp dụng đối với người dưới 18 tuổi nói riêng.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đề nghị Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC tiếp thu các ý kiến và chỉnh lý mô hình Phòng xử án thân thiện nhằm hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định về phòng xử án theo đúng trình tự, thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Hội đồng Thẩm phán TANDTC xem xét, ban hành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng xử án thân thiện: Bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi