Phóng viên ảnh Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út. Ông là người Mỹ gốc Việt sinh ngày 29/3/1951 tại Long An. Từ năm 16 tuổi, ông đã là phóng viên ảnh cho Hãng tin Associated Press (AP).
Tên tuổi của ông đã trở thành một huyền thoại nhiếp ảnh khi gắn liền với bức ảnh nổi tiếng thế giới: “Em bé napalm” (Napalm girl). Ông chia sẻ về khoảnh khắc có được Em bé napalm: “Với phóng viên ảnh, chỉ một cơ hội duy nhất và không lặp lại”.
Trong sự nghiệp làm phóng viên ảnh, chắc hẳn, ai cũng muốn có được một bức ảnh để đời, một bức ảnh làm thay đổi hoàn toàn sự nghiệp và tiếng tăm của mình. Tuy vậy, để có được điều đó, không hề dễ chút nào. Nick Út - cựu phóng viên Hãng tin Mỹ AP từ năm 1965, người đã trở thành huyền thoại nhiếp ảnh với bức ảnh “Em bé napalm” chia sẻ, là phóng viên ảnh, cần phải “đúng thời điểm và đúng cơ hội” (right time and right place). “Có người đã hy sinh mạng sống vẫn chưa được ai biết đến. Ảnh báo chí, chỉ có một cơ hội duy nhất, không lặp lại được”, ông nói.
Bức ảnh "Em bé napalm" được Nick Út chụp ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh trong một trận dội bom "Hành quân tìm diệt" của quân đội Mỹ. Nhân vật chính trong bức ảnh là bé gái Việt Nam, chưa đến 10 tuổi Phan Thị Kim Phúc. Trong ảnh, Phúc trần truồng cùng những em bé khác đang bị bỏng bom napalm, vừa chạy vừa kêu cứu trên quốc lộ.
Chia sẻ ký ức với bạn bè, đồng nghiệp, Nick Út tâm sự, ông sẽ không bao giờ quên sự kiện tồi tệ vào ngày hôm đó, một ngày đặc biệt khủng khiếp với cảnh tượng bi thảm nhất của cuộc chiến tranh. Vào thời điểm đó, có tới 10 phóng viên , quay phim thuộc các hãng tin ABC News, CBS, BBC, và Nick Út có mặt tại hiện trường. Ông cho biết, người ta ném cả thảy bốn quả bom napalm. Ban đầu ông nghĩ, không có dân thường ở trong làng vì dân đã được di tản hai ngày trước đó. “Nhưng sau đó, tôi thấy mấy người trong làng túa ra, vừa chạy vừa la hét hoảng loạn, trong đó có Kim Phúc, có Tâm - anh trai Kim Phúc, người cô của Kim Phúc, ai cũng bị bỏng.
Có một người phụ nữ bế đứa cháu trai, đứa bé bị bỏng. Bà vừa bế đứa bé, vừa kêu cứu, nhưng đứa bé bị bỏng nặng quá, chết ngay trước ống kính đồng nghiệp chúng tôi.
Lúc ấy, tôi bắt gặp Kim Phúc cũng bị bỏng, vừa trần truồng vừa la hét: “Anh Tâm ơi, em chết mất, em cần nước”. Tôi đã bấm được khoảnh khắc ấy”, Nick Út nhớ lại. Ông đã bấm, bấm liên tục nhưng bằng tình yêu thương đồng loại, ông không thể để cô bé chết. Ngay sau đó, ông vội vã đưa Kim Phúc vào trạm y tế. Điều này đã lý giải cho việc tại sao một bức ảnh không chỉ phản ánh thời sự thực tại, mà nó còn gắn bó cùng Nick Út trong cả cuộc đời ông, cũng như sự trưởng thành từng ngày của Kim Phúc, kể cả khi bà được cử làm đại sứ Thiện chí của Liên Hiệp quốc để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh.
Nick Út bên tác phẩm để đời “Em bé napalm”
Khi chuyển phim về trụ sở, lúc đầu các biên tập viên đã bỏ đi những hình ảnh "tiêu cực" và in 5 trong 7 ảnh. Riêng bức ảnh “Em bé napalm”, biên tập viên Carl Robinson nói "không thể sử dụng ở Mỹ". Nhưng rất may, biên tập viên ảnh Horst Faas của AP Saigon đã nhìn thấy nó sau bữa trưa. Ông lập tức yêu cầu “chuyển hình ảnh đi ngay lập tức!". Bên cạnh đó, phương án chỉnh sửa để che bớt đi cũng được đưa ra vì cô bé Kim Phúc lúc đó bị cháy hết quần áo. Nhưng may mắn là Horst Fass quyết định chọn dùng bức ảnh trọn vẹn và không can thiệp gì. Ông tranh luận rằng, giá trị thông tin của bức hình này vượt xa mọi lo ngại về chuyện luật lệ của AP và ông đã thắng.
Ngay khi bức ảnh được chuyển về Mỹ, nó đã nhanh chóng trở thành bức ảnh báo chí xuất sắc, được nhiều tờ báo Mỹ phóng to đăng trên trang nhất, dưới tên chính thức “Nỗi kinh hoàng của chiến tranh” hay còn được biết đến với tên gọi khác “Em bé napalm”.
“Em bé napalm” nhanh chóng có sức lan tỏa sâu rộng, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh - phong trào biểu tình, tuần hành phản chiến, đòi chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Bức ảnh đã đoạt giải Pulitzer năm 1973 và được đánh giá là một trong những bức ảnh làm thay đổi lịch sử thế giới.
Với sức mạnh hơn mọi ngôn từ, bức ảnh này được xếp hạng thứ 41 trong số 100 bức ảnh chiến tranh có ảnh hưởng nhất thế kỷ XX do đại học Columbia bình chọn và được một tạp chí của Mỹ bình chọn là ảnh thời sự ấn tượng nhất mọi thời đại.
Sau bao nhiêu năm, Nick Út và Kim Phúc vẫn liên lạc và mỗi lần gặp mặt, ông lại chụp hình cho Kim Phúc
Tổ chức Nhiếp ảnh báo chí thế giới (World Press Photo) bình chọn đó là 1 trong số 10 bức ảnh báo chí đáng ghi nhớ nhất trong vòng nửa thế kỷ qua. Tháng 9/2012, Nick Út đã đến Đức nhận giải Hall of The Fame của Hãng máy ảnh Leica. Chính chiếc máy ảmh Leica M2 - phương tiện tác nghiệp của Nick Út đã làm nên kỳ tích tấm ảnh "Em bé napalm" và trở thành một kỷ vật tác nghiệp có một không hai của ông.
Cũng từ bức ảnh đó, các bác sỹ ở khắp nơi trên thế giới đã tình nguyện chữa trị cho Kim Phúc. Và, đó là điều may mắn vô cùng cho cô. Sau 13 tháng điều trị hàng loạt những vết bỏng nặng, bé Phúc được ra viện.
Dưới góc nhìn của một phóng viên ảnh Việt Nam, ông Chu Chí Thành, cựu phóng viên ảnh chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam nhận xét: “Nick Út đã chụp được thời điểm “đắt giá”, đã chọn được thời cơ, hướng ống kính vào trọng tâm câu chuyện mà mình muốn kể, thể hiện được cái thật của sự kiện, của con người thông qua những nhân vật, bối cảnh trong bức ảnh: Phản xạ, thái độ của nhân vật chính (em bé Kim Phúc) và các nhân vật phụ hốt hoảng, kêu khóc, chạy, hậu cảnh là những người lính với khói bom nghi ngút… tự bức ảnh đã nói lên sự khốc liệt của chiến tranh, bom đạn chiến tranh không trừ một ai, kể cả trẻ em. Cho đến giờ, bức ảnh vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn, vẫn là bằng chứng không thể phủ nhận tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ. Khi bấm máy, ông không chỉ mang cương vị của một người phóng viên ảnh nữa, mà ông dùng tâm hồn và lòng trắc ẩn của con người để ghi lại sự kiện đó”.
Cho tới bây giờ, hơn 40 năm sau cái mùa hè đổ lửa ấy (8/6/1972), “Em bé napalm” vẫn mang một ấn tượng dữ dội về cuộc chiến tranh tàn khốc ở Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế. Bức ảnh đã mang lại danh tiếng cho phóng viên chiến trường Huỳnh Công Út và cô bé Phan Thị Kim Phúc ngày nào. Dường như Nick Út, Kim Phúc và bức ảnh đã gắn bó với nhau như là số phận. Sau bao nhiêu năm, ông vẫn thường xuyên liên lạc với Kim Phúc. Mỗi khi có cơ hội gặp Phúc, ông lại chụp ảnh cho cô.
Trong một cuộc phỏng vấn, ông chia sẻ: “Người chụp ảnh không cần phải là nhà văn vẫn có thể truyền đạt “ngàn lời nói”. Những bức ảnh ấn tượng, nổi tiếng tự nó phải nói được một cách xuất thần. Không cần dài dòng”. Khoảnh khắc hơn 40 năm trước sẽ mãi là điều mà Nick Út và Kim Phúc không bao giờ quên được. Chính vào khoảnh khắc ông bấm máy, cuộc sống kết thúc với một số người và thay đổi đối với rất nhiều người dân khác của ngôi làng nhỏ ở Trảng Bàng. Và, chính bức ảnh cũng đã thay đổi cuộc sống của cả Nick Út và Kim Phúc.