Phòng chống bạo lực gia đình: Luôn cần sự hợp tác của báo chí

28/06/2012 16:58
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Đó là nhận xét của bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và phát triển trong buổi Hội thảo “Nâng cao nhận thức truyền thông phòng chống bạo lực trên cơ sở giới”, nhân ngày Gia đình Việt Nam 28-6.

“Ngôi nhà bình yên” cho các nạn nhân bị bạo hành

Bạo lực giới là vấn đề mang tính toàn cầu, xảy ra dưới nhiều hình thức: Bạo lực gia đình, tấn công và cưỡng bức tình dục, buôn bán phụ nữ, quấy rối tình dục… Còn ở Việt Nam, dạng bạo lực giới xuất phát từ chủ nghĩa gia trưởng, xảy ra chủ yếu là chồng đối với vợ, tồn tại dưới nhiều hình thức như: Bạo lực về thân thể, tâm lý và tình dục. Thời gian qua, Ngôi nhà Bình yên (thuộc Trung tâm phụ nữ và phát triển) đã tiếp nhận rất nhiều trường hợp phụ nữ bị bạo hành, các em gái bị mua bán. Ở đây, các nạn nhân được hỗ trợ miễn phí nơi ăn ở, chăm sóc y tế, tư vấn hỗ trợ tâm lý, pháp lý và đào tạo nghề phù hợp với khả năng các chị em bị bạo lực gia đình.

Phòng chống bạo lực gia đình: Luôn cần sự hợp tác của báo chí

Hoạt động tập huấn cho cán bộ, nhân viên thuộc Ngôi nhà Bình yên  (Ảnh: PV)

Bà Đỗ Thị Kim Oanh, người quản lý Ngôi nhà Bình yên cho biết, trong thời gian qua những người tạm trú đến với Ngôi nhà Bình yên có độ tuổi từ 4-74 tuổi, trình độ từ lớp 3 tới thạc sĩ, thuộc đủ các khối ngành nghề, sinh sống ở các khu vực từ vùng sâu, vùng xa cho tới Thủ đô. Hầu hết những nạn nhân bị bạo hành khi đến với Ngôi nhà Bình yên đều bị tổn thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần như: Vết thương vùng đầu, mặt, gãy xương, đặc biệt là các vết thương tại vùng kín…; tâm lý hoảng loạn, căng thẳng, lo âu, mất ngủ, có những biểu hiện rối nhiễu về mặt cảm xúc cũng như về hành vi và có dấu hiệu trầm cảm. Hầu hết các nạn nhân đều cảm thấy tuyệt vọng, bế tắc, mất phương hướng, mất lòng tin, một số người còn có ý định tự tử…

Bên cạnh nạn nhân là phụ nữ còn có không ít trẻ em cũng được đưa đến Ngôi nhà Bình yên. Các em thường có biểu hiện lo lắng, căng thẳng, hay cáu giận, hoảng hốt, sợ người lạ, hiếu động, quậy phá, có những ngôn ngữ không phù hợp và có xu  hướng sử dụng bạo lực để giải quyết các vấn đề, rất khó khăn trong học tập và sinh hoạt cuộc sống bình thường.

Những nạn nhân tìm đến Ngôi nhà bình yên còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến pháp lý như nguy cơ mất quyền sở hữu tài sản, bị mất quyền nuôi con, ly hôn khó khăn vì người gây bạo hành không hợp tác; cơ quan tư pháp ít quan tâm đến các bằng chứng có liên quan đến bạo lực gia đình để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ…

Báo chí chung tay phòng chống bạo lực gia đình

Thường những nạn nhân tìm đến Ngôi nhà Bình yên là họ đã không còn địa chỉ tin cậy an toàn nào khác. Bởi vậy, họ cần được giúp đỡ gần như về mọi mặt, sự lên tiếng của báo chí cũng là một cách giúp họ ổn định tâm lý, tìm lại công bằng trong cuộc sống.

Bà Lê Thị Thu Thủy, nguyên Giám đốc Ngôi nhà Bình yên cho biết, thời gian qua các cơ quan thông tin, truyền thông đã cung cấp thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội, kêu gọi sự cảm thông, hỗ trợ của cộng đồng, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với nạn nhân, và đóng vai trò quan trọng trong quá trình hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng bền vững. Báo chí cũng đã có tiếng nói cùng Ngôi nhà Bình yên để các cơ quan chức năng bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ trẻ em. Đồng thời qua kênh báo chí, Ngôi nhà Bình yên cũng có thêm thông tin các nạn nhân bị mua bán, bạo hành để tiếp cận và hỗ trợ họ.

Tuy nhiên, theo bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm phụ nữ và phát triển, truyền thông về phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới rất phức tạp, nhạy cảm, có thể nạn nhân đồng tình nhưng gia đình, người thân lại có ý kiến khác phản đối. Bởi vậy, các cơ quan báo chí nói chung và mỗi phóng viên nói riêng khi đưa thông tin về nạn nhân bị bạo hành và bị buôn bán cần hết sức cẩn trọng, để không xảy ra các sự cố đáng tiếc, vô tình khiến cho các nạn nhân bị tổn thương thêm.

Mai Thoa

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phòng chống bạo lực gia đình: Luôn cần sự hợp tác của báo chí