Đó là yêu cầu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đối với hoạt động của NHCSXH trong thời gian tới.
Ngày 16/6/2016, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với NHCSXH. Tham dự buổi làm việc có Ủy viên BCH TW Đảng - Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng; lãnh đạo các Bộ, ngành, thành phố Hà Nội; thành viên HĐQT NHCSXH; Tổng Giám đốc, các Phó Tổng Giám đốc cùng toàn thể lãnh đạo chủ chốt của NHCSXH.
Phó Thủ tướng khẳng định hoạt động của NHCSXH đã đóng góp tích cực không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn góp phần ổn định tình hình chính trị, đặc biệt là khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa
Tại buổi làm việc, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm ông Lê Minh Hưng - Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm giữ chức Chủ tịch HĐQT NHCSXH thay ông Nguyễn Văn Bình đã nhận công tác khác.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ trao Quyết định cho ông Lê Minh Hưng
Thay mặt Ban điều hành, Bí thư Đảng ủy NHCSXH TW, Ủy viên HĐQT - Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã báo cáo khái quát về kết quả hoạt động của NHCSXH.
Với màng lưới hoạt động trải rộng trong toàn quốc và tổ chức giao dịch trực tiếp tại gần 11.000 Điểm giao dịch xã, hơn 13 năm qua, NHCSXH đã huy động được trên 152,5 nghìn tỷ đồng để cho vay với tổng dư nợ đến 31/5/2016 đạt 147.819 tỷ đồng, với gần 6,8 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn. Chất lượng tín dụng không ngừng được cải thiện, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chiếm 0,78% tổng dư nợ.
Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng báo cáo kết quả hoạt động NHCSXH
Đã có hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH, với tổng doanh số cho vay đạt trên 356 nghìn tỷ đồng. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,4 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, trên 7,5 nghìn căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung, trên 104 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long và gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc...
Phát biểu tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành, lãnh đạo thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị - xã hội đánh giá cao vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong việc góp phần thực hiện chương trình mục tiêu về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; đồng thời, đã tác động tích cực tới chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội trong việc tập hợp hội viên và giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.
Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Lê Minh Hưng cho rằng, hiệu quả tín dụng chính sách, mô hình tổ chức hoạt động và phương thức quản lý tín dụng đặc thù của NHCSXH đã được khẳng định trong những năm qua. Tuy nhiên, trong bối cảnh áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, việc thực hiện các giải pháp cho mục tiêu giảm nghèo có những thay đổi thì cần có đánh giá tổng thể về tín dụng chính sách để có những điều chỉnh phù hợp. Chủ tịch HĐQT cho biết, trong thời gian tới, NHCSXH sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ rà soát, đánh giá chính sách tín dụng để hoạch định cơ chế phù hợp hơn cho công tác giảm nghèo đối với từng vùng.
Theo Thống đốc Lê Minh Hưng, vấn đề căn bản nhất là làm sao huy động được nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu của hộ nghèo và cá đối tượng chính sách. Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, thời gian tới NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM Nhà nước duy trì số dư tiền gửi 2% tại NHCSXH. Tuy nhiên, cũng đề nghị Chính phủ bố trí ngân sách để bổ sung vốn điều lệ cho NHCSXH theo Chiến lược phát triển đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, đề nghị chính quyền các địa phương quan tâm đẩy mạnh hơn nữa việc ủy thác vốn từ ngân sách địa phương cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ ghi nhận, đánh giá cao hệ thống NHCSXH từ trung ương đến cơ sở đã nỗ lực phấn đấu đạt được kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực; đã tập trung huy động nguồn vốn lớn, đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tương chính sách khác; góp phần thay đổi tư duy của hộ nghèo, đồng bào DTTS về quan hệ tín dụng “có vay - có trả”; đồng thời, góp phần làm giảm tín dụng đen tại các địa phương. Bên cạnh đó, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng đặc thù, có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngân hàng với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, gắn bó với người dân thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội thành lập; bộ máy điều hành được thiết lập gọn nhẹ, hiệu quả, làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong triển khai tín dụng chính sách xã hội.
Hoạt động tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện thực sự là “điểm sáng” trong thực hiện chính sách giảm nghèo và các chính sách xã hội khác; đóng góp tích cực không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn góp phần ổn định tình hình chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, đặc biệt tại các khu vực biên giới; tạo niềm tin cho đồng bào vùng sâu, xa, hộ nghèo và các đối tượng chính sách đối với Đảng, Nhà nước… Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Quang cảnh buổi làm việc
Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu NHCSXH tiếp tục chủ động tham mưu cho các Ban, bộ ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của NHCSXH trong thời gian tới. “Chính sách phải bám sát thực tiễn. Muốn chính sách vào đời sống thì đời sống phải đi vào chính sách” - Phó Thủ tướng nói.
Đối với các chương trình tín dụng chính sách thu hút sự quan tâm lớn của đông đảo người dân như chương trình cho vay nhà ở xã hội, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ nghèo..., Phó Thủ tướng yêu cầu NHCSXH và các Bộ, ngành chủ động nghiên cứu cơ chế tạo lập nguồn vốn, để “cái khó ló cái không, chứ không để cái khó bó cái khôn”. Cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, đồng thời phải gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Tài chính, KH&ĐT, NHNN, Văn phòng Chính phủ nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao bố trí nguồn vốn để NHCSXH thực hiện mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng theo Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tăng trưởng tín dụng bình quân khoảng 10%/năm); bố trí nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ cho NHCSXH theo quy định tại Chiến lược phát triển NHCSXH; UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, bố trí ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động ủy thác; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.