Hôm nay (8/6), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã có buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Tại đây, Phó Thủ tướng đã chỉ đạo một số vấn đề nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành Bảo hiểm.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc
Việc không đặt chỉ tiêu bảo hiểm xã hội trong các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội hằng năm đã ảnh hưởng tới việc phát triển và thực hiện chính sách an sinh có ý nghĩa này của Nhà nước. Đây là một khó khăn trong thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội được các cơ quan đặt ra tại buổi làm việc.
Thực tế, Nghị quyết số 21/NQ-TW của Bộ Chính trị đặt chỉ tiêu tới năm 2020 cả nước sẽ có 50% lượng lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội và 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, trong các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các địa phương lại không cụ thể hóa nội dung này cho từng năm nên rất khó thực hiện. Trong khi đó, chỉ tiêu về bảo hiểm y tế đã được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước và hằng năm đều vượt kế hoạch được giao.
Tính đến hết tháng 5/2016, cả nước mới có 12,3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm 23,3% lực lượng lao động và 10,5 triệu người tham gia BHTN, chiếm 19,6% lực lượng lao động. Tuy nhiên, bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng việc phát triển và mở rộng bảo hiểm xã hội là hết sức khó khăn do phần lớn đối tượng chưa tham gia là những đối tượng không được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ đóng.
Ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng, qua các đợt khảo sát do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với bộ, ngành mấy năm qua thấy, do không giao chỉ tiêu cụ thể nên lãnh đạo một số địa phương “lơ là” trong thực hiện chỉ tiêu này.
Trong khi đó ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, một số tỉnh, thành phố có tỉ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội đạt dưới 10%, do đó chỉ tiêu 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội là thách thức rất lớn.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, hiện cơ quan này đang xây dựng quy trình khởi kiện và sẽ cần phải có sự phối hợp của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc tổ chức tập huấn cũng như xác nhận số tiền và thời gian nợ đọng của doanh nghiệp. Từ 1/7, Bộ Luật hình sự có hiệu lực, trong đó có quy định tội trốn đóng bảo hiểm xã hội. Những doanh nghiệp cố tình trây ỳ, cơ quan chức năng có thể đề nghị các cơ quan tố tụng tiến hành khởi tố. Mặt trận Tổ quốc cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chọn một số doanh nghiệp có đủ khả năng nhưng vẫn trốn đóng bảo hiểm xã hội để kiến nghị các cơ quan tố tụng khởi tố.
Thảo luận về ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trước việc cộng đồng doanh nghiệp phản ánh về tỉ lệ đóng bảo hiểm cao (hơn 32%) gây khó cho doanh nghiệp, ông Mai Đức Chính cho rằng, doanh nghiệp đang đóng bảo hiểm cho người lao động trên nền lương thấp.
Theo ông Chính, hiện doanh nghiệp chỉ đóng bằng mức lương tối thiểu vùng, ví dụ mức này là 3,5 triệu đồng, cộng thêm 7% chi phí qua đào tạo là 3,6 triệu. Việc này là hợp pháp, nhưng 30 năm sau người lao động chỉ được hưởng tối đa 75% của mức lương này thì mức sống thấp, trở thành gánh nặng cho xã hội.
Ở góc độ công đoàn, doanh nghiệp làm 2 bảng lương, một là bảng lương tối thiểu gửi cho bảo hiểm xã hội, còn bảng lương quyết toán thuế trả cho người lao động hiện nay là 5,5 triệu đồng, ở TPHCM và Bình Dương là 6,5 triệu đồng. Khoảng chênh lệch 2 triệu đó đã chiếm 22% thu nhập, do đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị doanh nghiệp đóng quyết toán thuế bao nhiêu thì đóng cho bảo hiểm xã hội bấy nhiêu trên nền lương.
Ngoài ra, ông Chính cho rằng, bảo hiểm xã hội cần phải liên thông về số liệu thu nhập với cơ quan thuế nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động và nguồn thu của bảo hiểm xã hội. “Nếu doanh nghiệp làm đúng thì người lao động sau 30 năm nữa mới có lương đủ sống”, ông Chính khẳng định.
Về vấn đề này, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Đỗ Văn Sinh cho biết, cơ quan này đang cùng Bộ Tài chính, cơ quan thuế phối hợp, thí điểm thu hộ bảo hiểm xã hội ở 5 tỉnh và trên cơ sở đó sẽ nhân rộng trên toàn quốc
Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ biểu dương những kết quả bảo hiểm xã hội đạt được thời gian qua. Ví “cuộc sống không có bảo hiểm như đi cầu thang không có tay vịn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là hai trụ cột trong chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Xung quanh việc thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 – 2020, cũng như tổ chức triển khai Luật bảo hiểm xã hội, Luật bảo hiểm y tế (sửa đổi) và những mục tiêu phải đạt được đến năm 2020, Phó Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam chủ động rà soát và các bộ phải tích cực hoàn thiện sớm hệ thống văn bản hướng dẫn các Luật này. Bộ Tài chính có trách nhiệm xây dựng nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sớm trình Chính phủ nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện; nghị định quy định chi tiết Điều 7 khoản 10 Luật bảo hiểm xã hội về xử lý nợ đọng của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, bỏ trốn, phá sản; rà soát lại nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian làm việc trước năm 1995.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tháo gỡ vướng mắc trong đăng ký chữ ký số, phục vụ việc giao dịch điện tử của các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Phó Thủ tướng cho rằng mục tiêu để đạt 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020 là rất khó khăn, nhưng phải thực hiện. Hiện nay, mới có 23,3% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, chưa bằng nửa chỉ tiêu phấn đấu trong khi chỉ còn 4 năm nữa. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên có ý kiến đề xuất để Chính phủ đưa vào nghị quyết giao chỉ tiêu này cho các địa phương như các chỉ tiêu bắt buộc, như với bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải chủ động liệt kê các danh mục các tỉnh để thông báo đôn đốc các địa phương thực hiện, không có chỉ tiêu cụ thể, không phân bổ để phấn đấu sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra – Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, bảo hiểm thất nghiệp không chỉ đơn giản là chi trả mà quan trọng hơn là đưa họ trở lại lực lượng lao động, có giải pháp giữ người đang ở trong hệ thống bảo hiểm xã hội không rời khỏi hệ thống. Các giải pháp đề ra phải rất căn cơ, cặn kẽ và cụ thể. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, cơ quan thuế để thực hiện tốt chế độ ủy nhiệm thu, với ngành bưu điện để thực hiện nhiệm vụ chi trả lương hưu; thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành, cung cấp dữ liệu cho Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam để khởi tố hình sự các doanh nghiệp chây ỳ nợ đọng bảo hiểm.
Nhấn mạnh về vấn đề đấu thầu thuốc cho bảo hiểm y tế, Phó Thủ tướng cho biết Nghị quyết của Chính phủ là muốn mở thêm kênh đấu thầu thuốc độc lập để có cơ sở tham chiếu, quản lý giá thuốc minh bạch hơn. Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần sớm triển khai kênh này để kéo giá thuốc tiếp tục giảm xuống, góp phần giảm lạm phát, đảm bảo quyền lợi cho người nghèo.