Sáng nay, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục. Đây cũng là lúc chúng ta ghi nhận những thành tích đã đạt được, tuy nhiên cũng nhìn thẳng vào những bất cập đang tồn tại.
Bất cập trong việc lương của giáo viên
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành tựu mà ngành giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua. Trong đó, có việc hoàn thành phổ cập mầm non 5 tuổi, phổ cập tiểu học, THCS và đang phấn đấu tiến tới phổ cập THPT. Đó là nỗ lực của toàn ngành giáo dục và cả xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị. Ảnh ĐH.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá kỳ thi THPT quốc gia 2017 tiếp tục có nhiều đổi mới, theo hướng mang lại thuận lợi cho học sinh và phụ huynh. Vấn đề giao quyền tự chủ cho các trường đại học cũng tiếp tục được tập trung, đẩy mạnh. Hiện tại có 23 trường đại học được phê duyệt đề án tự chủ, phát huy khả năng sáng tạo của các trường đại học.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đưa ra những bất cập thời gian qua ngành giáo dục gặp phải: “Chúng ta còn rất nhiều quy định cứng nhắc, mang tính đồng loạt, mamg tính “cầm tay chỉ việc. Ví dụ với cơ chế tự chủ đại học, khi đã được phê duyệt đề án, thì các trường cần chủ động trong việc rà soát, đưa ra các quy định phù hợp, trên tinh thần tạo điều kiện cho con em gia đình khó khăn vẫn có điều kiện đi học đại học. Vậy mà vẫn còn quy định cấp học bổng cho 80% học sinh giỏi, xét từ trên xuống”.
“Tôi lấy ví dụ việc có bằng đại học nhưng giáo viên chỉ hưởng lương trung cấp. Có điều này là vì chuẩn giáo viên mầm non là trung cấp, nhưng bây giờ chúng ta không đào tạo trung cấp nữa. Vậy mà không chịu sửa, trong khi việc này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dẫn chứng thêm.
Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới, Bộ GD-ĐT phải thực hiện khắc phục dứt điểm những việc này. Bãi bỏ hết quy định hình thức, không phát huy tính sáng tạo, các loại tiêu chuẩn không còn phù hợp.
“Về mặt quản lý nhà nước, cần trên tinh thần đổi mới, phát huy sáng tạo. Các đồng chí cố gắng bãi bỏ hết quy định cứng nhắc, mang tính cầm tay chỉ việc đi. Có như vậy mới phát huy được tính chủ động, sáng tạo của đơn vị”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh ĐH.
Câu chuyện thừa-thiếu giáo viên
Đề cập đến câu chuyện thừa giáo viên – một trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, Phó Thủ tướng nói: “Câu chuyện môn này thừa giáo viên, môn kia lại thiếu; trường này thừa trong khi trường kia thiếu đã xảy ra rất lâu rồi, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Trong khi đó những giáo viên thừa trong các trường học, đôi khi các đồng chí lại ngại đụng đến, ngại chuyển đổi, dẫn đến tình trạng thiếu cứ thiếu, còn thừa cứ thừa. Để xảy ra điều này là có trách nhiệm của cả Bộ GD-ĐT và các tỉnh”.
Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới Bộ GD-ĐT cần làm việc với Bộ Nội vụ để giải quyết bất cập này, những gì chưa hợp lý thì sửa.
"Rất nhiều các em, các cháu tốt nghiệp ra trường không xin được việc. Tôi phải nói công khai với các đồng chí ở tỉnh là “chạy việc” rất khó. Rất nhiều cháu phải “mai phục”, dạy hợp đồng trong trường để chờ suất vào biên chế. Nếu chúng ta làm nghiêm túc, xác định nhu cầu tuyển dụng, có chương trình đào tạo lại giáo viên phù hợp với nhu cầu thực tế trên địa bàn… thì không xảy ra tình trạng này”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế.
Phó Thủ tướng cũng gợi mở giải pháp và đề nghị Bộ GD-ĐT cũng như các địa phương cần thực hiện: Các trường cao đẳng sư phạm ở địa phương không đào tạo mới giáo viên nữa. Nhưng nếu cắt chỉ tiêu, thì các trường cao đẳng sẽ lâm cảnh khó khăn, vì vậy cần đặt hàng các trường cao đẳng đào tào chuyển đổi, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên cũ. Tôi đề nghị các đồng chí ở tỉnh phải báo cáo các cấp có thẩm quyền, có chương trình thực hiện vấn đề này.