Sáng 27/11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đặc xá đã chủ trì cuộc họp xét duyệt danh sách đề nghị Chủ tịch nước đặc xá, tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân đủ điều kiện năm 2016.
Nhân dịp Quốc khánh 2/9 năm 2016, ngày 17/10/2016 của Chủ tịch nước đã ban hành Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN về đặc xá năm 2016. Thực hiện Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá, trong thời gian rất ngắn, các bộ, ngành liên quan, các thành viên Hội đồng tư vấn đặc xá, đặc biệt Bộ Công an là cơ quan thường trực và Tòa án nhân dân tối cao đã rất cố gắng, khẩn trương chỉ đạo, tích cực triển khai, bảo đảm chặt chẽ theo quy định của pháp luật, đúng tiến độ đề ra.
Theo kế hoạch đề ra, Hội đồng tư vấn đặc xá sẽ xem xét các hồ sơ phạm nhân đủ điều kiện đề nghị đặc xá và hồ sơ phạm nhân đủ điều kiện nhưng không đề nghị đặc xá.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Pháp luật nước ta vừa thể hiện tính nghiêm minh đối với người phạm tội, kiên quyết trừng trị nghiêm khắc các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, ngoan cố chống đối, tái phạm nguy hiểm, nhưng khoan hồng, tha thứ đối với người phạm tội thành khẩn, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải và tạo điều kiện thuận lợi để họ sửa chữa sai lầm, trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.
Để việc xét duyệt bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của đợt đặc xá, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị yêu cầu, việc kiểm tra, xét duyệt hồ sơ đề nghị đăc xá tha tù trước thời hạn phải được tiến hành công khai, minh bạch, cân nhắc thận trọng, kỹ lưỡng từng trường hợp cụ thể, bảo đảm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của pháp luật.
Cần quan tâm đến công tác hậu đặc xá, xóa bỏ mặc cảm, kỳ thị đối với người được đặc xá; trong đó chú ý đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân xóa bỏ mặc cảm, kỳ thị đối với người được đặc xá. Đồng thời, làm tốt việc theo dõi, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm. Đối với người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì vận động các ngành, các đoàn thể chính trị-xã hội quan tâm, giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng./.