Sáng nay 21/4, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam đã long trọng ra mắt. Đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ
Cùng dự buổi lễ còn có đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cùng đại diện các Bộ, Ban, ngành, tổ chức xã hội.
Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp công bố quyết định thành lập Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam.
Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) được thành lập theo Giấy phép số 12/BTP/GP ngày 14/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp là tổ chức phi chính phủ, độc lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
VLCAC có 58 Trọng tài viên là các luật gia, luật sư, các chuyên gia kinh tế, tài chính, thương mại, đầu tư có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm và uy tín cao trong lĩnh vực giải quyết các tranh chấp. Mục tiêu của VLCAC là xây dựng cơ chế giải quyết tranh chấp thân thiện, tin cậy, khách quan, công bằng, thuận lợi và hiệu quả, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tranh chấp”.
Ông Quản Văn Minh - Ủy viên Thường vụ BCH Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực VLCAC cho biết: Trung tâm ra đời sẽ giải quyết các tranh chấp thương mại đã, đang và sẽ diễn ra nhằm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp về một chế định giải quyết tranh chấp đáng tin cậy, bảo đảm bí mật tuyệt đối, hiệu quả và độc lập ở Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, đặc biệt là khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Phương thức giải quyết của VLCAC là đề cao ý chí tự do thỏa thuận của các bên tranh chấp, do tranh chấp thương mại chỉ có thể được giải quyết tại trọng tài thương mại nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Các bên đương sự được tự do lựa chọn trung tâm trọng tài, lựa chọn trọng tài viên và chỉ những trung tâm trọng tài, Hội đồng trọng tài, trọng tài viên được lựa chọn đó mới có thẩm quyền giải quyết. Các bên có quyền thỏa thuận địa điểm, ngôn ngữ và thời hạn thực hiện các thủ tục cần thiết cho việc giải quyết tranh chấp, thời gian mở phiên họp…
Khác với Tòa án, Trọng tài có thể tổ chức nhiều phiên họp để giải quyết tranh chấp nhưng phán quyết trọng tài là quyết định cuối cùng (tính chung thẩm) và có hiệu lực pháp luật. Tính chung thẩm của quyết định trọng tài không chỉ có giá trị bắt buộc đối với các bên đương sự mà nó còn khiến các bên không thể kháng cáo. Đáp ứng yêu cầu khôi phục nhanh những tổn thất về tiền, hàng trong kinh doanh thương mại.
Mặc dù một trong các bên tranh chấp có quyền yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài nếu phán quyết đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật Trọng tài thương mại. Tuy nhiên, khác với nguyên tắc xét xử hai cấp của Tòa án, việc yêu cầu Tòa án hủy phán quyết trọng tài không phải là một trong những giai đoạn của tố tụng tại trọng tài mà thực chất là việc các bên yêu cầu một cơ quan có thẩm quyền (Tòa án) để bảo vệ khi phán quyết của Trọng tài xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.
Phát biểu tại buổi ra mắt, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, Luật Trọng tài thương mại được ban hành với nhiều quy định mới phù hợp với Luật mẫu UNCITRAL, thông lệ quốc tế về trọng tài thương mại, đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động giải quyết tranh chấp thương mại ở Việt Nam, góp phần giảm tải hoạt động xét xử của Tòa án, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc khuyến khích giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua các biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án.
Cùng với đó, với những cơ hội lớn cho tăng trưởng kinh tế và nâng cao kim ngạch xuất khẩu từ Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hàng loạt các thách thức mới cho Việt Nam, trong đó có thách thức khi xảy ra tranh chấp thương mại giữa các bên khi thực hiện TPP. Thực tiễn giải quyết tranh chấp về thương mại trên thế giới cho thấy, hình thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp giữa các bên. Trước nhu cầu thực tiễn đó, “việc thành lập VLCAC có ý nghĩa rất to lớn” - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, VLCAC cần nỗ lực phấn đấu để trở thành Tổ chức trọng tài có uy tín, được doanh nghiệp trong và ngoài nước tín nhiệm, lựa chọn để giải quyết khi xảy ra tranh chấp về kinh doanh, thương mại. Theo Phó Thủ tướng, VLCAC cần xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trọng tài viên hàng năm chuyên sâu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng giải quyết tranh chấp cho đội ngũ trọng tài viên trong các lĩnh vực chuyên môn sâu như: Đầu tư, thương mại quốc tế, tài chính, ngân hàng...