Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Đề nghị các cơ quan phối hợp trong THADS, hành chính

M. Thoa| 15/11/2018 14:48
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay (15/11), Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Đề nghị các cơ quan phối hợp trong THADS, hành chính

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự hội nghị

Thu hồi tài sản tham nhũng vẫn khó khăn

Báo cáo tại Hội nghị, Tổng cục trưởng tổng cục THADS Mai Lương Khôi cho biết, công tác THADS năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Theo đó, đã thụ lý là 927.249 việc, tăng 44.512 việc (5,04%) so với năm 2017. Tổng số phải thi hành là 914.083 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 711.990 việc (77,89%). Kết quả: Thi hành xong 571.708 việc, đạt tỉ lệ 80,30%.

Về tiền, tổng số thụ lý là trên 196 nghìn tỷ, tăng trên 23 nghìn tỷ (13,32%) so với năm 2017. Tổng số phải thi hành là 178 nghìn tỷ, trong đó, số có điều kiện thi hành là trên 90 nghìn tỷ (51,28%). Kết quả: Thi hành xong trên 34 nghìn tỷ, đạt tỷ lệ 38,35%.

Năm 2018, toàn quốc có 20 địa phương hoàn thành 04 chỉ tiêu; 18 địa phương hoàn thành 03 chỉ tiêu; 21 địa phương hoàn thành 02 chỉ tiêu và 4 địa phương hoàn thành 01 chỉ tiêu.

Về kết quả theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan THADS dã thực hiện theo dõi 363 bản án, quyết định của Tòa án; ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 336 việc; đăng tải công khai 57 Quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 128 việc; kiến nghị xử lý đối với 13 trường hợp. Kết quả: thi hành xong là 139 việc. Năm 2018, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội thực hiện giám sát chuyên đề về chấp hành pháp luật tố tụng hành chính.

Về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, các cơ quan THADS địa phương đã tăng cường đối thoại, giải quyết dứt điểm kiến nghị từ cơ sở. Năm 2018, Bộ Tư pháp đã tiếp 691 lượt công dân, giảm 97 lượt so với năm 2017. Hệ thống THADS đã thực hiện nghiêm túc việc đăng tải Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 trên Cổng, Trang thông tin điện tử của đơn vị. Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng đã trực tiếp làm việc với Lãnh đạo UBND một số tỉnh, thành để tìm hướng giải quyết dứt điểm một số vụ việc đã tồn đọng, kéo dài.

Tuy nhiên, cũng theo Tổng cục trưởng, công tác THADS còn nhiều khó khăn như điều kiện thi hành án trong các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn còn gặp nhiều khó khăn do việc truy tìm, kê biên, phong tỏa tài sản để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn tố tụng còn hạn chế; đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán; tài sản bảo đảm thi hành án nằm rải rác ở nhiều địa phương; tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng... Mặt khác, cơ chế quản lý, kiểm soát tài sản thu nhập cá nhân đang trong quá trình hoàn thiện.

Việc xác minh, kê biên, định giá, đấu giá tài sản thế chấp trong các vụ việc tín dụng gặp nhiều khó khăn do các tổ chức tín dụng định giá tài sản thế chấp trước khi cho vay cao hơn nhiều lần so với giá thẩm định khi kê biên đấu giá; không chặt chẽ trong việc kiểm tra thực địa, xác định ranh giới và tình trạng pháp lý của tài sản thế chấp. Một số ngân hàng thiếu hợp tác trong cung cấp tài khoản, tài sản thế chấp của người phải thi hành án. Việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Các cơ quan cần phối hợp trong THADS, 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết, bên cạnh kết quả, tiến bộ đã đạt được, hoạt động THADS, hành chính còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là:

Còn một số sai sót, vi phạm của Chấp hành viên, công chức trong thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án. Số công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật tuy giảm so với năm 2017 nhưng vẫn còn nhiều (17 trường hợp);

Số vụ việc và số tiền chuyển kỳ sau tuy giảm nhưng vẫn còn nhiều; một số việc tồn đọng từ nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân một phần do thể chế vẫn còn vướng mắc, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành trên thực tiễn;

Riêng đối với việc thi hành án hành chính, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm 2018, nhưng kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan nhà nước trong việc chấp hành các bản án, quyết định hành chính có hiệu lực pháp luật còn chưa có nhiều chuyển biến rõ rệt.

Vì vậy, năm 2019, ngành THADS cần quán triệt một số nội dung:

Một là, tập trung tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về THADS để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sơ kết việc tổ chức thi hành Luật THADS và Nghị định hướng dẫn thi hành; rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện thí điểm xử lý nợ xấu; nghiên cứu giải quyết việc THADS chưa có điều kiện thi hành đã tồn đọng nhiều năm. Tôi hoan nghênh Bộ Tư pháp tổ chức kết hợp Hội nghị sơ kết Nghị định số 62/2015/NĐ-CP cùng với Hội nghị triển khai công tác trong buổi chiều nay.

Hai là, tập trung chỉ đạo và tổ chức thi hành án, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội. Ưu tiên các nguồn lực tập trung thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức THADS, tập trung, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường phối hợp liên ngành, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế theo yêu cầu Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị.

Ba là, tiếp tục tham mưu giúp Chính phủ triển khai hiệu quả Luật Tố tụng hành chính; nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật tố tụng hành chính; tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành án hành chính. 

Bốn là, tập trung công tác xây dựng Ngành đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ công chức, Chấp hành viên, Quản tài viên, Thẩm tra viên, Thư ký thi hành án có năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, bản lĩnh nghề nghiệp. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thi hành công vụ.

Năm là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong THADS. Bộ Tư pháp cần tiếp tục hoàn thiện, vận hành hiệu quả phần mềm quản lý THADS tại các cơ quan THADS trên toàn quốc.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp và Hệ thống THADS, tập trung, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác THADS, thi hành án hành chính theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 06/02/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, đề nghị Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, tịch thu tài sản do phạm tội mà có; có cơ chế thẩm định, định giá đối với các tài sản kê biên trong quá trình tố tụng để có căn cứ đảm bảo tính khả thi trước khi phán quyết phần dân sự (nhất là hình phạt tiền); tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ cưỡng chế thi hành án.

Viện KSNDTC quan tâm kiểm sát việc việc tuân theo pháp luật của các đối tượng là người phải thi hành án chây ỳ, tẩu tán tài sản; đồng thời, tăng cường kiểm sát thi hành án hành chính.

TANDTC tiếp tục kịp thời giải quyết đối với các tranh chấp, yêu cầu về xác định quyền sở hữu, sử dụng tài sản; kịp thời giải thích bản án, quyết định tuyên, bảo đảm tính khả thi.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Đề nghị các cơ quan phối hợp trong THADS, hành chính