Ngày 24/4, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Đoàn công tác đã tới kiểm tra tại một số hộ nuôi lồng bè, cơ sở nuôi trồng thủy sản thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh; chỉ đạo các ngành liên quan sớm xác định nguyên nhân cá chết, hỗ trợ người dân ổn định tình hình.
Cùng đi với Phó Thủ tướng có đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan Trung ương.
Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh và một số bộ, ngành Trung ương. Ảnh: Xuân Tuyến
Tại buổi làm việc tại thị xã Kỳ Anh để nắm thông tin và nghe lãnh đạo các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đại diện tỉnh Hà Tĩnh báo cáo sự việc. Ông Nguyễn Quốc Hà, Chủ tịch thị xã Kỳ Anh cho biết, số lượng cá chết trên địa bàn tới nay khoảng 10 tấn. Là khu vực đông dân, trong đó có nhiều người nước ngoài sinh sống và làm việc, việc cá biển chết nhiều gây tâm lý bất an.
Về nguyên nhân cá chết, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện tỉnh Hà Tĩnh cho hay vẫn đang truy tìm. "Độc tố làm cá chết có thể là sinh học, hóa học hay là một loại nào khác. Cũng không loại trừ khả năng có một số chất độc như cyanua", ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Nông nghiệp nêu quan điểm.
Bày tỏ lo ngại trước những loại độc tố có thể khiến cá chết, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tìm hiểu rõ xuất xứ từ đâu. "Nếu thấy rằng mình chưa đủ khả năng để kết luận thì hãy hợp tác với quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế có đầy đủ thiết bị, có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ để tìm nguyên nhân", ông nhấn mạnh.
Sau khi nghe ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường phát biểu rằng hệ thống quan trắc ở các địa phương xảy ra tình trạng cá chết mỗi tỉnh chỉ có một trạm, do đó để xác định đúng thì rất mất thời gian, Phó Thủ tướng đánh giá nhiều chỗ quan trắc còn để hình thức, chưa phát huy được hiệu quả. Ông yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phải kết nối mạng tới các hệ thống quan trắc, các ban ngành liên quan cần khẩn trương làm rõ nguyên nhân, đưa ra kết luận khách quan, thận trọng, và phải có sự thống nhất.
"Thực tế thời điểm đầu xảy ra hiện tương cá chết, công tác tập trung nghiên cứu khắc phục và đánh giá của các địa phương còn lúng túng, chưa chủ động", Phó Thủ tướng đánh giá.
Việc tăng cường kiểm soát môi trường, yêu cầu kiểm tra định kỳ tất cả doanh nghiệp quy mô lớn có hệ thống thải khí, xả thải ra tự nhiên ra sông biển, ao hồ cũng là vấn đề rất bức bách. "Nếu như các tổ chức, doanh nghiệp, hoặc bất kỳ ai cố tình làm nguy hại đến môi trường thì sẽ xử lý nghiêm", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu kiểm tra làm rõ nguyên nhân trên cơ sở khoa học, thận trọng nhưng phải nhanh nhất, sớm nhất. Ảnh: Xuân Tuyến
Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo 4 tỉnh có thiệt hại về thủy sản là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế thống kê đầy đủ, chính xác số lượng cá và hải sản của các hộ dân, các cơ sở nuôi trồng bị chết, từ đó kịp thời hỗ trợ cho các hộ nuôi; các đơn vị chức năng tăng cường kiểm soát môi trường, đặc biệt là môi trường nước. Các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hộ sản xuất các tỉnh ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế phải có trách nhiệm và thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Các đơn vị, doanh nghiệp chủ động báo cáo với các cơ quan chức năng các vụ việc liên quan đến môi trường để cùng phối hợp xử lý vụ việc.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thanh tra, kiểm tra những cơ sở sản xuất quy mô lớn có hệ thống khí thải, nước thải và tiếng ồn. Các đơn vị chỉ đạo các cơ sở sản xuất có quy mô lớn xây dựng hệ thống quan trắc tự động và nối mạng trực tiếp với các Sở Tài Nguyên và Môi trường để có sự giám sát, theo dõi kịp thời những vấn đề liên quan đến môi trường.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường cam kết cử các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực môi trường kiểm tra các mẫu nguồn nước biển và trong vòng 3-5 ngày tới sẽ có kết luận chính thức vụ việc. Trước mắt, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế rà soát mức độ thiệt hại, số lượng thiệt hại, từ đó có phương án hỗ trợ cho những cơ sở nuôi trồng thủy, hải sản, hộ nuôi lồng bè. Bên cạnh đó, tuyên truyền cho người dân hiểu và ra khơi bám biển, người tiêu dùng nhận biết và sử dụng các sản phẩm chất lượng, không tung tin, đồn đoán thất thiệt làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.
Tại tỉnh Hà Tĩnh cá tôm, ngao bắt đầu chết từ ngày 6 đến ngày 8/4. Cá chết vào lúc thủy triều lên và diễn ra rất nhanh. Các hộ nuôi cá lồng bè và cá tự nhiên ở Kỳ Lợi, Kỳ Ninh, Kỳ Phương, Kỳ Hà bị thiệt hại rất nhiều. Ước tính hơn 2.000 kg cá lồng bè và các loại tôm, ngao đã bị chết, thiệt hại 4,71 tỉ đồng. Khoảng 15 tấn cá tự nhiên cũng bị chết. Tỉnh Thừa Thiên Huế có 30 đến 50 tấn cá tự nhiên chết trôi dạt vào bờ được thu gom xử lý.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời cử các đoàn công tác tiến hành quan trắc môi trường, lấy mẫu phân tích các mẫu nước, mẫu cá và các yếu tố có thể làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Theo xác định ban đầu, nguyên nhân dẫn đến cá biển và các đối tượng nuôi gần biển chết hàng loạt không liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm hay hiện tượng suy giảm nồng độ ôxy trong nước mà do độc tố có trong nước.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra tình hình nuôi trồng thủy sản tại một số hộ nuôi lồng bè ở xã Kỳ Hà và cơ sở nuôi tôm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Grow Best (phường Kỳ Phương, thị xã Kỳ Anh) bị thiệt hại do cá và tôm chết. Phó Thủ tướng lưu ý bà con tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình, động viên bà con tiếp tục chăm sóc số lượng cá, tôm còn lại để sớm hồi phục sản xuất.