Chiều nay (15/6), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Trong đó có 7 vấn đề ĐBQH và cử tri đặc biệt quan tâm.
Trong phiên chất vấn của Phó Thủ tướng, các đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang); Ma Thị Thúy (Tuyên Quang); Đinh Đăng Luận (Yên Bái); Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); Ngô Thị Minh (Quảng Ninh); Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc); Phan Anh Khoa (Phú Yên); Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp); Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre); Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp); Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng); Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên); Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội); Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận); Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM); Đào Thanh Hải (Hà Nội); Trần Hoàng Ngân (TPHCM); Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng); Vũ Tiến Lộc (Thái Bình); Phạm Đình Quảng (Hưng Yên); Trương Trọng Nghĩa (TPHCM); Nguyễn Chiến (Hà Nội); Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình); Nguyễn Việt Thắng (Bến Tre); Dương Minh Ánh (Hà Nội) đã tham gia chất, trong đó nổi bật là các vấn đề liên quan việc đề xuất chuyển biên chế giáo viên sang hợp đồng; giải pháp khắc phục tồn tại trong tư duy nhiệm kỳ; giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả của các DNNN; giải pháp đột phá để giảm bớt các vụ khiếu kiện đông người...
Nghiên cứu kỹ việc chuyển biên chế giáo viên
Phó Thủ tướng cho biết, việc chuyển biên chế giáo viên thành hợp đồng là một đề xuất nhằm đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ.
Theo Phó Thủ tướng, vấn đề này liên quan tới chủ trương, chính sách và pháp luật về công chức, viên chức, người lao động, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
"Chúng ta mong muốn công chức là những người tác nghiệp chuyên nghiệp trong bộ máy công quyền. Còn viên chức thực hiện theo chế độ hợp đồng" - Phó Thủ tướng nói và nhấn mạnh: “Đây là vấn đề cần nghiên cứu kĩ, còn đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo mới chỉ là ý kiến đề xuất chứ chưa phải quyết định”.
Phó Thủ tướng cho biết. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính nghiên cứu Đề án tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập và trình Hội nghị Trung ương 6 vào tháng 10/2017.
Hội nghị Trung ương 6 sẽ xem xét việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, trong đó có nghiên cứu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo Tờ trình của Chính phủ.
Ban Chỉ đạo nào không hiệu quả thì loại bỏ
Về hiệu quả hoạt động của các Ban Chỉ đạo trên toàn quốc, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình cho hay, sự phối hợp liên ngành cũng như giữa các địa phương còn hạn chế.
Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tăng cường phối hợp; xử lý nghiêm các vi phạm.
Phó Thủ tướng cho biết, thời gian tới, Chính phủ nghiên cứu trình Trung ương việc sắp xếp bộ máy, trong đó có đánh giá các Ban Chỉ đạo.
“Ban Chỉ đạo nào không hiệu quả thì bỏ, các ban có nhiệm vụ tương đồng thì sáp nhập", Phó Thủ tướng nói.
Xử lý nghiêm các vụ bổ nhiệm người nhà trái luật
Phó Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, báo chí phản ánh lãnh đạo địa phương tuyển dụng, bổ nhiệm người nhà vào vị trí do mình phụ trách, gây phản ứng trong dư luận.
Với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân, Thủ tướng yêu cầu bộ, ngành, địa phương làm tốt chức năng của mình.
Thủ tướng cũng đã giao Bộ Nội vụ kiểm tra sự việc, sau đó tiến hành thanh tra công vụ báo cáo Thủ tướng. Bộ Nội vụ cũng thực hiện rà soát tại 11 địa phương, phát hiện sai phạm trong việc bổ nhiệm.
Thủ tướng cũng có ý kiến chỉ đạo xử lý nghiêm, yêu cầu thu hồi các quyết định trái pháp luật, xem xét miễn nhiệm, chấm dứt hợp đồng, có hình thức xử lý theo quy định của pháp luật.
Các bộ, ngành không ôm đồm, nếu vi phạm thì xử lý nghiêm minh
Về phân định trách nhiệm giữa các cơ quan, Phó Thủ tướng khẳng định nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương theo Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Đối với quản lý nhà nước, thì yêu cầu là bảo đảm không chồng chéo, một việc chỉ do một cơ quan chủ trì.
Việc phối hợp thực hiện nhiệm vụ thể hiện rõ trong Quy chế phối hợp của Chính phủ vừa được ban hành.
Theo Phó Thủ tướng, việc phân cấp được thực hiện theo hướng các bộ, ngành không ôm đồm, nếu có vi phạm thì xử lý nghiêm minh.
Về xóa bỏ tư duy nhiệm kỳ giữa các ngành, các cấp, Phó Thủ tướng khẳng định, tính chất của người cán bộ là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, phải hành động theo lương tâm và trách nhiệm của mình, thực hiện theo đúng chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Với tinh thần, Chính phủ hành động, Chính phủ liêm chính, phục vụ nhân dân, đòi hỏi cán bộ, công chức, viên chức, người lãnh đạo phải hành động trên tinh thần đó; đòi hỏi người được bầu, bổ nhiệm phê chuẩn vào vị trí công tác phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, chuẩn mực thực thi công vụ theo đúng tinh thần trên.
Tuy nhiên thực tế trong bộ máy vẫn có những cán bộ không xứng đáng, do công tác quy hoạch, đánh giá cán bộ, bầu bổ nhiệm cán bộ không chính xác.
Điều này đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đúng để lựa chọn được người xứng đáng.
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, phát hiện những trường hợp trong quá trình thực thi công vụ không thực hiện đúng chương trình, nghị quyết, kế hoạch.
Giải quyết được cơ bản các vụ khiếu kiện phức tạp
Trả lời chất vấn của các ĐBQH về tình hình khiếu kiện đông người đang gia tăng, cho rằng, chính quyền các cấp đã nỗ lực lớn, giải quyết được cơ bản các vụ việc, nhưng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng thừa nhận, còn một số trường hợp kéo dài dai dẳng, không xử lý được dứt điểm.
Lý giải nguyên nhân của tồn tại này, theo Phó Thủ tướng là do lợi ích thu hồi đất giữa người dân – nhà đầu tư – Nhà nước chưa hài hòa.
Có nhiều vụ việc đền bù người dân giá rẻ, sau đó chuyển đổi đất thành mục đích khác giá trị gia tăng cao, nhà đầu tư hưởng lợi. Với những trường hợp này, chính quyền công tâm thì giải quyết được còn ngược lại thì dân khiếu kiện, Phó Thủ tướng cho biết.
Không để thất thoát NSNN, không dùng NSNN trả nợ
Về xử lý 12 dự án yếu kém thuộc Bộ Công Thương, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, Chính phủ đã công khai, minh bạch rõ ràng thông tin, các cơ quan, phương tiện truyền thông đại chúng đã đưa thông tin cơ bản về 12 dự án thua lỗ, thất thoát.
Những dự án này sẽ được cơ cấu, sắp xếp lại, giải quyết trên tinh thần “không để thất thoát NSNN, không dùng NSNN trả nợ, giải quyết theo cơ chế thị trường và xử lý nghiêm các sai phạm kể cả tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp.
Thủ tướng đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Thủ tướng làm Trưởng ban để chỉ đạo khắc phục tình trạng này.
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tự rà soát, phát hiện và báo cáo để Chính phủ tiếp tục có giải pháp xử lý với các dự án “đắp chăn, đắp chiếu”.
Về cơ bản, theo Phó Thủ tướng, giải pháp căn cơ là không để còn những dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Theo đó, trách nhiệm của các ngành, các cấp là chấp hành nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp lại các doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế, cơ cấu lại các ngành nghề. Tăng cường thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban cũng như nhiều chỉ đạo về phòng ngừa tham nhũng, lãng phí và xử lý nghiêm các vi phạm.
Đẩy nhanh tiến độ dự án cao tốc Trung Lương-Cần Thơ
Về đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng khẳng định, đây là vùng trọng điểm cả nước về hàng hóa, nông sản, mật độ vận tải hàng hóa cũng rất lớn.
Phó Thủ tướng cho biết, giai đoạn 2011-2015, Nhà nước đã đầu tư hạ tầng ở khu vực này khoảng 58.800 tỷ đồng, tương đương 11,5% tổng mức đầu tư cả nước. Tuy nhiên hiện đang có 26 dự án dở dang với tổng vốn lên đến 90.000 tỷ đồng. Nhà nước có quan tâm nhưng chưa đáp ứng đủ nhu cầu để khu vực này trở thành vùng kinh tế năng động.
Phó Thủ tướng, đối với một số dự án đang dở dang phải dừng lại ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Chính phủ tiếp tục rà soát. Với các dự án có hiệu quả, tác động thúc đẩy kinh tế phát triển sẽ ưu tiên đầu tư phân bổ vốn.
Riêng dự án cao tốc đoạn Trung Lương - Cần Thơ, đúng như phản ánh của ĐBQH là tiến độ có chậm. Trong vấn đề này có sự yếu kém trong công tác tham mưu. Và cũng là việc khó khăn do thu xếp vốn của Bộ Giao thông vận tải.
Phó Thủ tướng cho biết, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải trực tiếp chỉ đạo chủ đầu tư cân đối, thu xếp nguồn vốn để triển khai sớm nhất.
Đối với Mỹ Thuận - Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, đẩy nhanh tiến độ, triển khai các giải pháp thu xếp đủ vốn.
Khám phá nhanh các vụ án, không để oan sai Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Nhân rộng mô hình phối hợp các lực lượng trong phòng, chống tội phạm, nhất là phòng, chống cướp giật, tàng trữ trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Khám phá nhanh các vụ án, nhất là các vụ án đặc biệt nghiêm trọng; nâng cao chất lượng điều tra, xử lý, không để xảy ra oan, sai, lọt tội phạm. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, nhất là băng nhóm tội phạm nguy hiểm, tội phạm ma túy. Đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tham nhũng - Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình phát biểu trước Quốc hội. |