Ngày 11/8, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến kiểm tra tình hình và yêu cầu gấp rút triển khai các biện pháp đồng bộ nhằm giảm tình trạng quá tải trầm trọng tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng (Bộ Giao thông vận tải), sân bay Tân Sơn Nhất hiện đang quá tải chưa từng có, với các chỉ số khai thác đều vượt mọi quy hoạch.
Năm 2015, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục vụ hơn 181 nghìn lượt chuyến bay (tăng 18% so với cùng kỳ năm trước), sản lượng hành khách đạt hơn 26,5 triệu. Dự báo cả năm 2016, hành khách qua sân bay vượt công suất thiết kế của sân bay.
Hiện tại, ngành GTVT đã chỉ đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam nghiên cứu, xây dựng và thực hiện phương án bố trí lại mặt bằng, mở rộng 2 nhà ga hành khách trên phần đất hiện hữu của Cảng để nâng tổng công suất 2 nhà ga lên khoảng 30 triệu hành khách/năm. Việc mở rộng hai nhà ga được thực hiện từ nay đến cuối năm 2016.
Về lâu dài, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng và UBND TP.HCM sẽ phối hợp chặt chẽ để giải quyết các thủ tục pháp lý, tài chính có liên quan để tiến hành xây mới 1 hoặc 2 nhà ga hành khách lưỡng dụng, công suất từ 10-15 triệu lượt hành khách/năm trên đất hiện do Quân đội quản lý.
Cùng với đó, ngành GTVT cũng đang làm việc chặt chẽ với Bộ Quốc phòng để triển khai phương án để Bộ GTVT đầu tư mở rộng, khai thác sân đỗ quân sự cho hoạt động hàng không dân dụng. Dự kiến, sẽ có thể mở rộng thêm ít nhất 30 vị trí đỗ máy bay.
Dự kiến các phương án này sẽ giúp nâng tổng công suất của hệ thống nhà ga hành khách tại Tân Sơn Nhất lên khoảng 40 triệu hành khách/năm.
Để giảm ùn tắc ngoài sân bay, Bộ GTVT đang cùng với UBND TP.HCM đẩy nhanh tiến độ các dự án đường. TP.HCM cũng kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư mới 2 cầu vượt với cơ chế thực hiện công trình theo lệnh khẩn cấp.
Khẳng định yêu cầu giải quyết ách tắc cho sân bay Tân Sơn Nhất là vô cùng bức thiết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí với các giải pháp cấp bách, cả trước mắt, cả lâu dài để khắc phục.
“Ách tắc dưới mặt đất đã dẫn đến ách tắc trên trời và gây ra nguy cơ cao về mất an toàn, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản. Sân bay Long Thành nếu làm được sớm thì cũng phải đến 2025 mới có thể đưa vào sử dụng, do đó sẽ phải có ngay giải pháp khắc phục, đáp ứng nhu cầu, bảo đảm an toàn bay trong ít nhất là 10 năm tới”, Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng, nâng cấp, nâng cao năng lực các sân bay hiện có là phương án tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp nhất, phải tập trung tối đa để nhanh chóng triển khai. “Nếu không, đây sẽ là nút thắt lớn cho TP.HCM, cho cả nền kinh tế, đe dọa an toàn hàng không”, Phó Thủ tướng phân tích.
Do tính chất cấp bách, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu trước mắt Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ đạo Cục Hàng không dân dụng và các cơ quan chuyên môn triển khai các giải pháp trong điều hành bay nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với tất cả các chuyến bay. Đồng thời, Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với UBND TP.HCM để có giải pháp tổ chức giao thông ra - vào sân bay hợp lý hơn, hạn chế ách tắc.
Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng để đưa ra phương án tối ưu nhất để nâng cấp, mở rộng sân bay. Trong đó, có việc đầu tư thêm nhà ga hành khách quy mô hơn 10 triệu khách/năm, đầu tư bến đỗ, đường lăn ..., báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Về nguồn lực, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị ưu tiên các nguồn vốn xã hội, khuyến khích thực hiện theo các hình thức đối tác công – tư. Mục tiêu là phải triển khai càng nhanh càng tốt để bảo đảm đủ năng lực vận tải hành khách, hàng hoá, bảo đảm an toàn.
Phó Thủ tướng cũng giao UBND TP.HCM nghiên cứu, tiến hành các thủ tục để đầu tư ngay 2 cầu vượt, đầu tư tuyến đường mới vào sân bay sau khi được phê duyệt.