Bức thư được ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam viết xong vào lúc 0 giờ 23 phút ngày 9/4/2018.
Bức tâm thư được gửi đến lực lượng kiểm lâm và ban quản lý rừng sau hàng loạt vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh này.
Trong thư, ông Thanh cho biết vì bận cuộc họp quan trọng nên không thể đến tham dự buổi họp sơ kết nhiệm vụ quý I và bàn nhiệm vụ trọng tâm quý II-2018 của ngành kiểm lâm.
Ông Thanh bày tỏ cảm xúc của mình trong những chuyến đi kiểm tra rừng. Đó là sự vui mừng trước những cánh rừng xanh thẫm, đau lòng khi rừng bị phá.
Hiện trường một vụ phá rừng ở Quảng Nam
Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nói rằng qua những chuyến đi, ông thấu hiểu được nỗi khó khăn mà những người bảo vệ rừng gặp phải. Ông nhìn nhận với sứ mệnh được giao phó, nhiều cán bộ kiểm lâm đã đổ mồ hôi, xương máu và cả tính mạng để bảo vệ rừng nhưng cũng có người đã không làm tròn trách nhiệm, thậm chí bị lâm tặc mua chuộc, khống chế, bị lợi ích nhất thời làm mờ mắt dẫn đến đánh mất mình, làm hoen ố thanh danh của cơ quan, làm tổn thương đến đồng đội, làm phụ lòng bao người đã ngã xuống.
Ông phân tích rằng có nhiều vụ phá rừng diễn ra trong thời gian dài nhưng lực lượng kiểm lâm lại không hề hay biết, khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về sự trong sạch, vững mạnh và tinh thần quyết tâm của các lực lượng liên quan đến quản lý bảo vệ rừng.
“Những câu hỏi này đã có từ rất lâu rồi, nó làm dằn vặt và day dứt chúng ta vô cùng. Rừng vẫn cứ mất, cán bộ vẫn cứ bị kỷ luật và nhiều câu hỏi vẫn cứ được tiếp tục đặt ra. Với lương tâm và lòng tự trọng cao nhất, tôi muốn các đồng chí hãy dũng cảm đối mặt với sự thật để trả lời những câu hỏi đó. Và hơn thế nữa, mỗi đồng chí hãy góp một tiếng nói để chúng ta cùng cải tổ triệt để công tác quản lý bảo vệ rừng, để rừng không mất đi và niềm tin còn ở lại. Nếu e ngại công khai thì hãy gửi email cho tôi” – trong tâm thư viết
Như Báo Công lý đã thông tin, từ sau Tết Nguyên đán, tại Quảng Nam liên tiếp xảy ra các vụ phá rừng với quy mô lớn tại các khu vực như rừng phòng hộ Nam Sông Bung (huyện Nam Giang), rừng phòng hộ Sông Kôn (huyện Đông Giang) và rừng đặc dụng Sông Thanh (giáp ranh giữa huyện Phước Sơn và Nam Giang) với hàng trăm mét khối gỗ bị khai thác trái phép.