Phó Chủ tịch Quốc hội: Không thể chờ đến khi người nghiện ma túy gây án thì mới coi là tội phạm

Trọng Bằng| 11/09/2020 19:19
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, với người mới nghiện ma túy thì có biện pháp khuyến khích, giúp đỡ cai nghiện. Nếu tái nghiện lần thứ hai thì phải cưỡng chế cai nghiện, đến lần thứ ba thì phải coi như là một loại tội phạm.

Tiếp tục Phiên họp thứ 48, chiều ngày 11/9/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành phiên họp.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) cho biết, Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) gồm 8 chương, 69 Điều, so với Luật phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008 tăng 13 điều, trong đó giữ nguyên 7 điều, sửa đổi, bổ sung 47 điều và 15 điều quy định mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Không thể chờ đến khi người nghiện ma túy gây án thì mới coi là tội phạm

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày Tờ trình Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi)

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy, công tác cai nghiện và quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, tạo môi trường lành mạnh, an ninh, an toàn góp phần phục vụ phát triển kinh tế xã hội; tăng cường hợp tác quốc tế; việc xây dựng Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy trong tình hình mới và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Quá trình xây dựng dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Cơ quan chủ trì đã bám sát 03 chính sách được Chính phủ thông qua.Trên cơ sở kế thừa các Điều luật của Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 sửa đổi, bổ sung năm 2008,dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và bổ sung nhiều nội dung mới so với Luật Phòng, chống ma túy hiện hành.

Lần đầu sử dụng ma tuý cũng sẽ bị quản lý

Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, số người nghiện gia tăng, năm 2009 cả nước có 146.731 người nghiện có hồ sơ quản lý, đến tháng 12/2019 cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 60%), xuất hiện nhiều chất ma túy mới, nhất là ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng, nhất là từ khi hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không bị coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự.

Nhiều trường hợp sử dụng ma túy, nhất là ma túy tổng hợp, ngay từ lần sử dụng đầu tiên đã gây ra nguy hiểm cho chính bản thân mình và gây mất an ninh, trật tự; đặc biệt người sử dụng ma túy tổng hợp bị loạn thần (ngáo đá), không kiểm soát được hành vi gây ra các vụ thảm án, gây hoang mang trong dư luận nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình.

Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội, nhưng quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mức, dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân.

Do đó, Dự thảo dành một chương mới với 5 điều để quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy xuất phát từ tình hình phức tạp của người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian vừa qua, nhưng pháp luật chưa có quy định quản lý những người này.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy được áp dụng ngay lần đầu người đó sử dụng trái phép chất ma túy, mục đích là ngăn chặn không để họ tiếp tục sử dụng, từ đó góp phần làm giảm người nghiện ma túy, điều này có tác dụng rất tốt ngay chính với người sử dụng trái phép chất ma túy, gia đình của họ và xã hội.

Người sử dụng trái phép chất ma tuý đủ 18 tuổi sẽ bị quản lý từ 1 năm trở lên;  người dưới 18 tuổi bị quản lý 6 tháng kể từ ngày xác định được hành vi sử dụng trái phép chất ma túy gần nhất của người đó.

Cơ sở cai nghiện ma tuý tư nhân được cai nghiện tự nguyện

Cùng với đó, chính sách cai nghiện theo hướng tạo điều kiện cho người nghiện cai nghiện tự nguyện, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; nếu người nghiện vẫn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy hoặc vi phạm bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc lợi dụng việc cai nghiện tự nguyện để không bị áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc thì sẽ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho công tác cai nghiện bắt buộc, xây dựng các cơ sở công lập; hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác cai nghiện tự nguyện.

Có chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân đầu tư vào công tác cai nghiện. Khuyến khích thành lập các cơ sở cai nghiện tư nhân. Cán bộ làm việc tại cơ sở cai nghiện công lập được sử dụng trang phục thống nhất theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để góp phần bảo vệ cho cán bộ, đồng thời có cơ sở để xử lý các hành vi chống đối người thi hành công vụ trong các cơ sở cai nghiện công lập, góp phần không để xảy ra tình trạng gây rối, bỏ trốn tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập đối với người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân được tổ chức hoạt động cai nghiện tự nguyện. Chỉ có cơ sở cai nghiện ma túy công lập mới tiếp nhận người nghiện bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Tại các cơ sở có bố trí các khu riêng phù hợp với từng đối tượng và để đảm bảo quyền lợi cho người cai nghiện.

Việc tiến hành cai nghiện tại gia đình, cộng đồng do cơ quan chuyên môn thực hiện. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập, cơ sở cai nghiện ma túy tư nhân và các cơ sở y tế, xã hội khác có đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ được phép cung cấp dịch vụ cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Cần làm mạnh, cứng rắn hơn trong phòng, chống ma túy

Nhấn mạnh tình trạng nghiện ma tuý đang gây bức xúc xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần đánh giá sâu và kỹ hơn việc cai nghiện tại cộng đồng, tại gia đình, xem có thực sự đem lại lợi ích và hiệu quả tốt hơn hay không.

Phó Chủ tịch Quốc hội: Không thể chờ đến khi người nghiện ma túy gây án thì mới coi là tội phạm

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu  phát biểu tại phiên họp

“Số đông cử tri người ta không thích điều này vì trật tự an toàn xã hội địa phương. Đưa về cai nghiện ở gia đình thì sự tự ti của gia đình càng cao chứ không phải ở trung tâm cai nghiện mới tạo tự ti. Điều đó khiến người ta co cụm lại, nói năng giữ kẽ vì người thân họ có lỗi”, ông Nguyễn Văn Giàu nói.

Đánh giá đây là dự án Luật rất quan trọng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng ma túy ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, dù đã có nhiều giải pháp nhưng công tác ngăn chặn, phòng ngừa chưa đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống ma túy.

Đưa ra thực trạng hiện nay nhiều đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lên đến hàng tạ, hàng tấn, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng quy định xử lý hình sự cũng cần được sửa đổi để phù hợp với tình hình đấu tranh với tội phạm ma túy.

Các cơ quan chức năng có liên quan cũng cần có sự tham gia trực diện hơn trong đấu tranh với tội phạm ma túy, thay cho việc chỉ phối hợp với lực lượng công an như hiện nay.

Băn khoăn khi dự án Luật đặt người sử dụng ma túy vào vị trí người bệnh mà vẫn còn đặt người sử dụng ma túy vào vị trí của tội phạm thì lại thiếu nhân đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng tình với quan điểm cần làm mạnh, cứng rắn, cương quyết hơn trong việc phòng, chống ma túy.

Đối với người mới nghiện ma túy thì có biện pháp khuyến khích, giúp đỡ cai nghiện. Nếu tái nghiện lần thứ hai thì phải cưỡng chế cai nghiện. Trường hợp tái nghiện đến lần thứ ba thì phải coi như là một loại tội phạm, cần thiết phải cách ly ra khỏi xã hội.

"Không thể chờ đến khi người nghiện ma túy gây án thì mới coi là tội phạm", ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.

Cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban VH-GD-TN-TN-NĐ cũng đề nghị “cần cứng rắn hơn” nếu không sẽ khó giảm số người nghiện ma tuý. Do đó, dự thảo luật cần làm rõ hơn khi nào cai nghiện ở cộng đồng, khi nào được lựa chọn và khi nào phải bắt buộc với những biện pháp cương quyết hơn.

“Cần làm rõ trách nhiệm của gia đình. Có người nghiện ma tuý thì phải khai báo, không khai báo là vi phạm. Nên chăng cần rõ nguyên tắc này”, ông Phan Thanh Bình nêu ý kiến.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết sửa đổi Luật Phòng, chống ma túy để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát đối chiếu các quy định của những luật liên quan để đảm bảo thống nhất hệ thống luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Chủ tịch Quốc hội: Không thể chờ đến khi người nghiện ma túy gây án thì mới coi là tội phạm