Là Thẩm phán, Phó Chánh tòa Tòa Hành chính TAND TP Đà Nẵng nên số lượng công việc cần giải quyết của nữ Thẩm phán Trần Thị Khánh Nguyệt (SN 1962) tương đối nhiều.
Tuy nhiên, bằng lòng nhiệt huyết, trách nhiệm cao, chị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Từ những kết quả đạt được trong công việc chuyên môn, năm 2013, chị nhận được bằng khen của UBND TP Đà Nẵng.
“Để người dân tin yêu, cảm phục, trước hết mình phải là một người Thẩm phán mẫu mực, làm việc công minh, không thiên vị và quan trọng là không làm mất lòng tin ở dân…”, nữ Thẩm phán chia sẻ. Để đạt được kết quả trong công việc, chị thường xuyên nghiên cứu, trao đổi nghiệp vụ cùng đồng chí Chánh tòa cũng như các đồng nghiệp khác. Vì vậy, trong hai năm qua (2012-2013), số lượng án đã xét xử đều đảm bảo chất lượng, đúng thủ tục tố tụng, không có án để quá hạn luật định, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng tại Tòa. Với chị, cho dù đứng ở vị trí nào, đảm nhiệm chức vụ nào thì trong công tác chuyên môn, bản thân luôn không ngừng học hỏi và trao đổi nghiệp vụ cùng đồng nghiệp trong cơ quan. Đặc biệt, chị luôn lắng nghe ý kiến góp ý của đồng nghiệp, không ngừng nâng cao nhận thức, vai trò trách nhiệm trong công tác. Với đặc thù là cơ quan xét xử nên đòi hỏi, các Thẩm phán phải chú trọng đến công tác chuyên môn. Làm thế nào để việc giải quyết và xét xử đúng quy định, bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng cho người tham gia tố tụng? Đó là câu hỏi luôn đặt ra và câu trả lời thường được đánh giá từ những việc làm được cụ thể hóa. “Tăng cường đối thoại, trong việc giải quyết các vụ án hành chính cũng như án hôn nhân gia đình, án dân sự… đó là phương châm được đặt ra khi giải quyết vụ việc”, chị Nguyệt cho biết.
Thẩm phán Trần Thị Khánh Nguyệt
Cũng theo chia sẻ của chị Nguyệt, lĩnh vực giải quyết các loại án dân sự cũng như án hành chính thường người khởi kiện quyết định của UBND và tranh chấp dân sự chủ yếu là lĩnh vực đất đai, loại án hành chính thường rất phức tạp và đa dạng. Đây là quan hệ hành chính được thực hiện giữa một bên là cơ quan hành chính nhà nước và một bên là đối tượng chịu sự quản lý điều hành… Vì vậy, để giải quyết những mâu thuẫn của vụ án, giúp các bên có thể thương lượng được với nhau, chị đã chú trọng đến việc tổ chức cho các bên ngồi lại đàm phán. Theo chị, đây là một khâu vô cùng quan trọng, bởi lẽ, cần xác định rằng, Tòa án chỉ là trung gian đứng ra tổ chức cho các bên gặp gỡ nhau để tìm ra cách giải quyết hợp lý nhất. Đề cập đến vấn đề này, nữ Thẩm phán - Phó Chánh tòa Tòa Hành chính chia sẻ: “Trước Tòa, các bên đều bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ, mặc dù việc thỏa thuận giữa các bên trong tố tụng hành chính có liên quan đến nội dung quản lý hành chính không phải là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, để việc giải quyết vụ án đảm bảo một cách thấu tình, đạt lý, tôi luôn chọn giải pháp đối thoại. Để đạt hiệu quả cao trong quá trình giải quyết án hành chính, tôi đặc biệt chuẩn bị kỹ buổi đối thoại, hướng dẫn các bên gặp gỡ để giải thích, thương lượng nhằm giải quyết mâu thuẫn của vụ án… Cái quan trọng không kém đó là bản thân phải kiên trì, nghiên cứu và vận dụng các văn bản pháp luật vào công việc mình đảm nhận”. Chính từ cách làm này, thông thường các bên sẽ có cơ hội để hiểu rõ về nội dung và tự nhận ra sai sót của mình, từ đó giải quyết triệt để khiếu kiện phát sinh kéo dài. Việc chọn cho mình một cách xử lý đúng đã mang lại hiệu quả cao trong quá trình giải quyết các loại án của nữ Thẩm phán Nguyệt.
Ngoài công việc chuyên môn, chị Nguyệt còn là một Phó Bí thư Chi bộ đầy trách nhiệm. Chị luôn kịp thời quan tâm, theo dõi, giúp đỡ đội ngũ đoàn viên, đảng viên mới theo học các lớp nhận thức về Đảng, góp phần không nhỏ vào việc xây dựng Chi bộ luôn trong sạch, vững mạnh. Là một nữ Thẩm phán yêu nghề, trách nhiệm với công việc, chị đã nhận được nhiều giấy khen, đặc biệt trong năm 2013, chị vinh dự nhận bằng khen của UBND TP Đà Nẵng.
Những năm tháng là “người Tòa án”, chị làm được nhiều điều mà mình đã từng ấp ủ. Với chị, thành công lớn nhất đó là được góp sức mình vào việc bảo vệ công bằng, là cán cân công lý cho người dân khi họ tìm đến. Xã hội nói chung và người dân nói riêng vẫn luôn tin tưởng ở Tòa án, bởi vậy, chị là người luôn đặt luật pháp lên cao hơn lợi ích và tình cảm cá nhân để làm tròn trách nhiệm.