Tháng 7/1951, TAND tỉnh Thủ - Biên được thành lập trên cơ sở sáp nhập hai Tòa án Thủ Dầu Một và Biên Hòa. Lịch sử của TAND Thủ Biên ghi dấu nhiều vụ án xét xử những tên gián điệp khét tiếng, nguy hiểm, điên cuồng chống phá cách mạng.
Đầu năm 1951, tình hình cách cách mạng tại Nam Bộ có nhiều biến động nên Trung ương cục miền Nam và Ủy ban kháng chiến hành chính Nam bộ phân lại chiến trường. Lấy sông Tiền làm ranh giới, toàn Nam Bộ được chia làm 2 phân liên khu: phân liên khu miền Đông và phân liên khu miền Tây. Bên cạnh việc thành lập các phân liên khu, các tỉnh được hợp nhất lại. Tỉnh Thủ Biên được thành lập trên cơ sở sáp nhập Biên Hòa với tỉnh Thủ Dầu Một.
TAND tỉnh Thủ Biên được thành lập, ông Nguyễn Minh Chương, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh được bổ nhiệm làm Chánh án. Văn phòng Tòa án đặt trong rừng sâu Bà Đã chiến khu Đ, phía Bắc huyện Tân Uyên (nay thuộc tỉnh Bình Dương). Ngay sau khi thành lập, nhiều cán bộ Tòa án, Công an được Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh cử đi học để nâng cao trình độ nghiệp vụ, phục vụ tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Trong lịch sử xét xử, Toà án Thủ Biên đã hoàn thành nhiệm vụ chính trị với việc tuyên án 19 vụ hình sự với 22 tội phạm nghiêm trọng, trong đó tử hình 6 tên về tội gián điệp, 3 tên về tội phản bội đầu hàng, 1 tên về tội tham ô, 12 tên về tội cướp của giết người. Nổi cộm là vụ án Mai Văn Hạo phạm tội làm gián điệp được Tòa án Thủ Biên xét xử đầu năm 1952 ngay tại chiến khu Đ.
Lịch sử TAND Thủ Biên ghi nhận vụ án bắt nguồn từ sự kiện tháng 9/1951 tại căn cứ Suối Sâu, địch đã dùng máy bay ném bom Na-pan đúng vào địa điểm Hội nghị cán bộ Tỉnh ủy, gây nhiều tổn thất cho cách mạng. Kết quả điều tra bắt được Mai Văn Hạo, lúc này y đương chức Ủy viên Mặt trận Liên việt tỉnh Thủ-Biên và là Phó bí thư Đảng bộ Đảng dân chủ.
Chiến Khu Đ, nơi xét xử các vụ án của Tòa án tỉnh Thủ Biên
Quá trình điều tra, xét xử cho thấy Mai Văn Hạo nguyên là nhân viên kho bạc Biên Hòa. Tháng 5/1947, Uỷ ban kháng chiến hành chính Nam Bộ ra lời kêu gọi nhân sỹ, trí thức, công chức không cộng tác với chế độ thực dân, ra vùng căn cứ tham gia kháng chiến. Địch đã lợi dụng chủ trương, tung Mai Văn Hạo vào nội bộ cách mạng để làm gián điệp, cung cấp thông tin phá hoại.
Thời điểm đầu, địch đưa Mai Văn Hạo về huyện Vĩnh Cửu, Hạo hoạt động trong Mặt trận Liên Việt huyện. Hạo là Đảng viên Đảng Dân chủ nên một thời gian sau, y được rút lên tỉnh Thủ Biên làm Phó Bí thư tỉnh uỷ Dân chủ tỉnh, thành viên Mặt trận Liên Việt tỉnh. Thậm chí, Hạo còn trở thành đại biểu đoàn “nhân sỹ yêu nước” của tỉnh.
Sau khi “chui sâu” vào chiến khu, Hạo bắt đầu các hoạt động gián điệp rất tinh vi, nguy hiểm, liên tục cung cấp nhiều tin bí mật cho địch. Tháng 9/1951, Hội nghị cán bộ chủ chốt tỉnh Thủ Biên được Tỉnh uỷ triệu tập. Tham dự có gần 100 cán bộ chủ chốt các ban, ngành, quận, huyện về dự. Đặc biệt, đồng chí Lê Duẩn, Uỷ viên Bộ chính trị Trung ương Đảng, Bí thư xứ Uỷ Nam Bộ đến dự và chỉ đạo Hội nghị. Hạo nhận thấy cơ hội “ghi điểm” với chế độ thực dân đã đến nên y ra sức vẽ họa đồ; bí mật báo tin chỉ điểm cho máy bay địch bắn phá căn cứ của một số cơ quan kháng chiến. Hậu quả của các cuộc oanh tạc khiến nhiều người chết và bị thương.
Rất may mắn là Hội nghị bế mạc sớm hơn dự định, đồng chí Lê Duẩn đã rời địa điểm. Do vậy, khi bị máy bay địch tấn công, ném bom thì đồng chí Lê Duẩn và các đại biểu dự Hội nghị đã ra khỏi vùng nguy hiểm. Mặc dù vậy, trận bom dữ dội của địch khiến 2 nữ cán bộ tử vong, khu căn cứ của Hội Liên hiệp phụ nữ bị biến thành bình địa.
Ty Công an Thủ Biên đưa Mai Văn Hạo vào “tầm ngắm” và lập chuyên án điều tra sau vụ máy bay địch dội bom chính xác xuống địa điểm tổ chức Hội nghị. Hạo có nhiều dấu hiệu bất thường như khi ở căn cứ cách mạng, y thể hiện là người ăn uống khắc khổ nhưng khi đi công tác, Hạo lại thể hiện sự tương phản, tiêu xài phung phí. Ngoài ra, Hạo có những hành động, cử chỉ rất khả nghi nên Công an Thủ Biên đã củng cố các tài liệu chứng cứ để bắt Hạo vào tháng 9/1951. Kết quả cho thấy Hạo đã nhiều lần lấy tin tức của ta cung cấp cho Pháp và đã gây ra nhiều vụ phá hoại nghiêm trọng nhưng chưa bị ta phát hiện.
Phiên tòa xét xử gián điệp Mai Văn Hạo được tổ chức tại vùng căn cứ Tân Long, Thuận An Hòa, chiến khu Đ. HĐXX gồm có Chánh án Nguyễn Minh Chương cùng hai Hội thẩm và công tố viên- ông Lê Văn Chì, biện hộ sư- ông Tiêu Như Thủy, bà Lưu Hồng Thoại, thư ký phiên tòa- ông Lê Đình Tỵ. Để đánh giá đúng đắn, đầy đủ, thuyết phục, Chánh án tổ chức họp trao đổi với các Hội thẩm về việc nêu ra các bằng chứng để buộc tội và gỡ tội cho Hạo. Nhân danh nhân dân, Hội đồng xét xử tuyên bố tử hình Mai Văn Hạo, phạm tội làm gián điệp.
Đồng bào, chiến sĩ có mặt tại phiên tòa rất đồng tình với bản án nghiêm khắc đối với tên gián điệp “khổ nhục kế” chui sâu, trèo cao, gây nguy hiểm cho kháng chiến. Với việc xét xử và tuyên bản án nghiêm minh Mai Văn Hạo làm nội gián, cách mạng đã loại trừ được tên gián điệp nguy hiểm. Sau vụ án, cán bộ, Công an, Tòa án tỉnh Thủ Biên có thêm một bài học thực tiễn sâu sắc, nâng cao cảnh giác trước các âm mưu, thủ đoạn thâm độc của chế độ thực dân.
Các phiên tòa của TAND tỉnh Thủ Biên xét xử trong giai đoạn này đã góp phần làm thất bại tất cả các âm mưu thâm độc của địch. Những đối tượng tình báo, gián điệp, phản động đều phải nhận hình phạt thích đáng. Với chiến công đó, TAND Thủ Biên đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chính quyền tỉnh, bảo vệ công cuộc kháng chiến, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc.