Phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Mai Thoa-Thu Vân| 25/05/2016 15:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 25/5, tại Hà Nội đã khai mạc phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII.

Phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc sáng nay (25/5)

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại Phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến bước đầu về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; về kết quả Báo cáo giám sát hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp cơ khí chế tạo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về Dự thảo hai Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết quy định về phân loại đô thị; nghe Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Phát biểu thảo luận, các đại biểu cơ bản đồng tình với hai Báo cáo nêu trên của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời thảo luận, cho ý kiến về nhiều vấn đề cụ thể trong mỗi báo cáo.

Hiệu quả sau đầu tư và duy trì kết quả xây dựng nông thôn mới

Ngay sau khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã điều hành phiên họp, cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là một chuyên đề giám sát lớn và quan trọng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu tại Phiên họp thứ 48 và dự kiến cho ý kiến lần thứ hai vào tháng 9/2016 trước khi Quốc hội giám sát tối cao vào tháng 10/2016. Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và tổ chức giám sát tại 6 tỉnh, trong đó có việc ban hành cơ chế chính sách, việc thực hiện; những đề xuất, kiến nghị về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ: Đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã chiếm 17,1% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới và đến tháng 3.2016, có 1.761 xã chiếm 19,7% đạt tiêu chí nông thôn mới. Nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm, cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước bao gồm các chương trình, dự án khác là 266.785 tỷ đồng chiếm 31,34%, vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng chiếm 51%, huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng chiếm 4,9%, người dân đóng góp là 107.447 tỷ đồng chiếm 12,62%.

Tuy nhiên, việc thực hiện còn những tồn tại. Đó là ngân sách Nhà nước và nguồn lực xã hội huy động cho Chương trình còn thấp nhiều so với thực tế. Một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích nên huy động quá sức dân, nợ đọng xây dựng cơ bản không có khả năng thanh toán để lại hậu quả lớn và ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước. Kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều. Số xã đạt tiêu chí nông thôn mới ở Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng Sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt khoảng 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%...

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị Đoàn giám sát nghiên cứu lí do tại sao hợp tác xã kiểu cũ không thể chuyển sang mô hình hợp tác xã kiểu mới được, có phải vì do nợ đọng cũ tồn đọng mãi, mặc dù đã mấy lần được xử lý nhưng vẫn còn tồn tại. Đồng thời đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép Chính phủ nghiên cứu xóa số nợ đọng này.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho rằng, vừa rồi có một phong trào khá lớn là các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam lại đầu tư ra nước ngoài. Doanh nghiệp, nhà đầu tư báo cáo lại là quá trình đầu tư rất hiệu quả, đầu tư sang nhiều nước như Mỹ, Australia, Nga, Lào. Như đầu tư sang Nga hay Mỹ sau 5-6 năm đã thu hồi vốn. Do đó, trong báo cáo này cũng cần phân tích lại chính sách của ta và bạn có gì khác nhau để tính tác động chính sách.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị đoàn giám sát tiếp thu các ý kiến góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, đặc biệt là chuẩn bị tốt một nghị quyết về vấn đề này, trong đó chỉ rõ những giải pháp khắc phục những tồn tại, đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh báo cáo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào tháng 9 tới, sau đó sẽ trình Quốc hội khóa XIV vào kỳ họp thứ 2 để tiến hành giám sát tối cao.

Phát triển khoa học - công nghệ thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Liên quan đến Báo cáo Giám sát hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2005-2015 và định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan; tổ chức giám sát tại 6 tỉnh.

Các đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ những vấn đề trong báo cáo để tiếp tục xây dựng nền tảng vững chắc sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đặc biệt là để phát triển công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo. Từ nay đến năm 2020, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo phải thực sự đóng vai trò là quốc sách, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, đưa đất nước ta dần thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Về đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, có ý kiến cho rằng cần tập trung đánh giá sự liên kết doanh nghiệp vừa và nhỏ với các nhà sản xuất chính; cần chú ý những ngành sản xuất có thị trường đầu ra, nhấn mạnh vai trò quan trọng của thị trường trong nước; vấn đề quy hoạch phát triển trọng điểm một số ngành cơ khí.

Liên quan đến số công bố quốc tế từ các đề tài nghiên cứu, theo báo cáo giám sát, Toán học, Vật lý và Hóa học tiếp tục là những lĩnh vực có thế mạnh của Việt Nam, chiếm 40% tổng công bố quốc tế trong 5 năm qua. Riêng Toán học có số lượng công bố quốc tế đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

Các đại biểu đã tập trung là rõ những vấn đề trong Báo cáo liên quan đến quan điểm phát triển khoa học-công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong các văn bản của Đảng; cơ chế, chính sách phát triển khoa học-công nghệ trong Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự đóng góp của khoa học-công nghệ trong việc nâng cao năng suất lao động xã hội và chất lượng tăng trưởng; công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học-công nghệ; thị trường công nghệ...

Phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, được thực hiện trong thời gian ngắn, song Báo cáo giám sát đã cung cấp nhiều thông tin, được chuẩn bị công phu và có các đánh giá sát với thực tế.

Ủy Ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Đoàn giám sát tiếp thu ý kiến phát biểu của các đại biểu tại phiên họp, nhất là các nội dung liên quan đến xu hướng phát triển khoa học-công nghệ thời gian tới, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, nhất là khi Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); những vấn đề mà khoa học-công nghệ chưa giải quyết được; làm rõ vai trò của công nghiệp cơ khí, công nghiệp phụ trợ, hướng tập trung, mô hình phát triển... ; đồng thời tiếp tục bám sát vào kế hoạch giám sát đã đề ra, hoàn chỉnh lại báo cáo giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 9 tới.

Báo cáo giám sát cần làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong quá trình cụ thể hóa đường lối, chính sách, pháp luật về phát triển khoa học-công nghệ; hoàn thiện thêm các kiến nghị, giải pháp, đề xuất các chính sách cụ thể để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ cũng như công nghiệp phụ trợ và công nghiệp cơ khí chế tạo trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội giao Đoàn giám sát xây dựng dự thảo Nghị quyết trên tinh thần ý kiến phát biểu tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ sớm ban hành Nghị quyết này, góp phần đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Theo chương trình, chiều 25/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về tiêu chuẩn và phân loại đơn vị hành chính; Nghị quyết quy định về phân loại đô thị. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nghe Hội đồng bầu cử Quốc gia báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 48 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII