Phiên họp thứ 39 UBTVQH: 100% đại biểu tán thành Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính 8 tỉnh

Ngọc Mai| 22/11/2019 08:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

100% các thành viên tham dự Phiên họp thứ 39 của UBTVQH đã biểu quyết tán thành phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 8 tỉnh.

Chiều ngày 21/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH đã tiến hành Phiên họp thứ 39.

Phiên họp thứ 39 UBTVQH: 100% đại biểu tán thành Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính 8 tỉnh

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về 8 dự thảo nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của 8 tỉnh gồm: Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Điện Biên, Bình Thuận, Lạng Sơn, Phú Yên và Tuyên Quang.

100% các thành viên UBTVQH tán thành thông qua đề án

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 40 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp. Theo đó, điều chỉnh số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Giang từ 230 đơn vị xuống còn 209 đơn vị (giảm 21 đơn vị). Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Thái Nguyên thực hiện sắp xếp là 4. Tỉnh Thái Nguyên thực hiện nhập 2 đơn vị hành chính để hình thành 1 đơn vị hành chính mới, do đó giúp giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh từ 180 đơn vị giảm xuống còn 178 đơn vị (giảm 2 đơn vị).

Đối với tỉnh Điện Biên, có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (thành phố Điện Biên Phủ) thuộc diện phải sắp xếp. Phương án điều chỉnh là mở rộng đơn vị hành chính thành phố Điện Biên Phủ sang địa bàn huyện. Số lượng đơn vị hành chínhcấp xã thực hiện sắp xếp trên địa bàn tỉnh là 3 đơn vị, trong đó sẽ sáp nhập 2 đơn vị hành chính xã thành 1 đơn vị hành chính xã mới; 1 đơn vị hành chính cấp xã được điều chỉnh địa giới. Do vậy, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, số lượng đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh giữ nguyên như hiện nay (có 10 đơn vị). Số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Điện Biên từ 130 đơn vị giảm xuống còn 129 đơn vị (giảm là 1 đơn vị).

Không có đơn vị hành chính cấp huyện, xã thuộc diện sắp xếp, song tỉnh Bình Thuận đã chủ động xây dựng Đề án sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp xã, theo đó, giảm từ 127 đơn vị hành chính cấp xã xuống còn 124 đơn vị. 

Đối với tỉnh Hà Tĩnh, có 1 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Hồng Lĩnh) thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019 - 2021 nhưng tỉnh đề nghị chưa sắp xếp trong đợt này. Đối với cấp xã, tỉnh Hà Tĩnh đề nghị thực hiện sắp xếp với 80 đơn vị hành chính trong giai đoạn 2019 – 2021, song có 12 đơn vị cấp xã chưa tiến hành sắp xếp dù thuộc diện phải thực hiện. Bên cạnh đó, tại tỉnh Hà Tĩnh cũng tiến hành thành lập thị trấn Lộc Hà, trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 9,39 km2 diện tích tự nhiên và dân số 9.624 người của xã Thạch Bằng hiện có. Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính và thành lập thị trấn Lộc Hà, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Hà Tĩnh từ 262 đơn vị giảm xuống còn 216 đơn vị, tức là giảm 46 đơn vị.

Đối với tỉnh Lạng Sơn, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 51 đơn vị. Tuy nhiên, tỉnh đề nghị không thực hiện sắp xếp đối với 10 đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp trong giai đoạn này. Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lạng Sơn từ 226 giảm xuống còn 200 đơn vị.

Đối với tỉnh Tuyên Quang, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 4, song trong giai đoạn này tỉnh cũng đề nghị chưa sắp xếp với 1 đơn vị. Bên cạnh đó, Tờ trình và Đề án của Chính phủ còn đề nghị điều chỉnh địa giới của huyện Yên Sơn để mở rộng thành phố Tuyên Quang và thành lập 3 phường An Tường, Đội Cấn, Mỹ Lâm thuộc thành phố Tuyên Quang.

Đối với tỉnh Phú Yên, trong giai đoạn 2019 – 2021 có 4 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện sắp xếp. Tờ trình và Đề án của Chính phủ đề xuất sáp nhập hai xã lại với nhau để hình thành 1 đơn vị hành chính cấp xã mới, qua đó giảm 2 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo Tờ trình của Chính phủ, hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã của các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Bình Thuận, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Yên đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Các nội dung đề nghị thành lập các đơn vị hành chính đô thị đã thực hiện theo quy trình, thủ tục quy định tại Nghị quyết số 1211/2016 của UBTVQH. Các tiêu chuẩn, điều kiện thành lập đơn vị hành chính đô thị bảo đảm đạt theo quy định.

Bên cạnh đó, tại hồ sơ đề án của các tỉnh cũng đã giải trình cụ thể lý do chưa tiến hành sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-202; hoặc khi thực hiện sắp xếp nhưng đơn vị hành chính mới hình thành chưa đạt tiêu chuẩn nhưng không thể nhập thêm đơn vị hành chính cùng cấp khác liền kề nhằm tăng quy mô diện tích tự nhiên, dân số để đạt các tiêu chuẩn theo quy định. Chính phủ xét thấy giải trình của UBND các tỉnh là phù hợp với các quy định.

Thống nhất về nội dung Tờ trình của Chính phủ, cũng như ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tại phiên họp, 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự đã biểu quyết tán thành 8 dự thảo Nghị quyết sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Phú Yên và Bình Thuận. 

Các Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/1/2020.

Phiên họp thứ 39 UBTVQH: 100% đại biểu tán thành Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính 8 tỉnh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại Phiên họp

Đánh giá cao các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đối với các Đề án của Chính phủ cũng như các tài liệu đi kèm của các Đề án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ đồng tình với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của 08 tỉnh gồm Bắc Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Phú Yên và Bình Thuận.

Lưu ý xử lý cơ sở vật chất, đảm bảo hiệu quả tránh thất thoát lãng phí

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn, đối với các đơn vị hành chính cấp xã sau khi được sắp xếp, những tài sản chung của xã như trụ sở Ủy ban nhân dân xã, các trạm y tế xã… sẽ được xử lý như thế nào. Nhấn mạnh đây là những tài sản công, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ lưu ý cần phải có phương án xử lý những tài sản này đảm bảo tránh thất thoát, lãng phí hoặc không được sử dụng hợp lý.

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của pháp luật về sắp xếp các đơn vị hành chính của Chính phủ, chính quyền các tỉnh; và nhấn mạnh, việc khẩn trương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các địa phương tại phiên họp này thể hiện sự quyết tâm chính trị, sự nỗ lực trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền các địa phương và cả hệ thống chính trị của 08 tỉnh trong việc quán triệt và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ.

Qua ý kiến thảo luận, ý kiến thẩm tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo một cách quyêt liệt hơn đối với Bộ Nội vụ, các tỉnh, thành phố để sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính theo quy định. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, hiện tại mới được 10 tỉnh, hiện còn 35 tỉnh, thành phố chưa sắp xếp.

Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp các đơn vị hành chính và sau khi UBTVQH có Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng hợp nắm bắt khó khăn, vướng mắc của địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khắn đó, và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm ổn định tổ chức chính quyền địa phương, mặt trận, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội tại các địa phương được sắp xếp. Chú ý đến việc giải quyết cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị, phương tiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo hiệu quả tránh thất thoát lãng phí.

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ trong phạm vi thẩm quyền của mình, chỉ đạo các cơ quan hữu quan đảm bảo các quyền lợi hợp pháp của các địa phương, bảo đảm ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, thực hiện tốt nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 39 UBTVQH: 100% đại biểu tán thành Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính 8 tỉnh