Phiên họp thứ 30 UBTVQH: Phát triển nhà ở xã hội phải có sự tham gia của cả người dân

Quốc Huy| 12/08/2014 15:38
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 12/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Dạy nghề (sửa đổi).

Tại phiên họp các đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận vào các nội nội dung như: Quy định về thời điểm chuyển quyền sở hữu; Quyền sở hữu nhà ở của các tổ chức, cá nhân người nước ngoài; Chính sách nhà ở xã hội, quỹ phát triển nhà ở xã hội; Nhà ở công vụ...

Nhà ở xã hội cần có sự tham gia của cả người dân

Về các chính sách nhà ở xã hội cần được quy định như thế nào trong dự thảo Luật được nhiều đại biểu quan tâm. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý, qua thảo luận, ý kiến chung của các đại biểu nhất trí về chính sách này nhưng cách thức thực hiện, chế độ quản lý sao cho thực chất, hiệu quả. Nhà nước cần giữ vai trò chính trong phát triển nhà ở xã hội, nhưng phải bảo đảm sử dụng nhà ở đúng mục đích, tránh lợi dụng các cơ chế ưu đãi để hưởng lợi. Việc xây dựng nhà ở xã hội là trách nhiệm của nhân dân, còn Nhà nước chỉ thực hiện hỗ trợ tạo điều kiện để phát triển nhà ở xã hội và đề nghị quy định rõ về đối tượng được thụ hưởng nhà ở xã hội để tránh hiện tượng bao cấp tràn lan;...

Thường trực Uỷ ban Pháp luật nhận định, mục tiêu phát triển nhà ở xã hội là nhằm hỗ trợ cho các đối tượng có khó khăn mua, thuê, thuê mua nhà ở thì nhiều nước trên thế giới đã xác định đây là trách nhiệm chính của Nhà nước. Việc phát triển loại hình nhà ở xã hội không thu được nhiều lợi nhuận do mức giá được xác định chặt chẽ, mức lợi nhuận được khống chế, thu hồi vốn chậm, do đó cần phải có nguồn lực lớn từ các thành phần kinh tế. Chính vì vậy, dự thảo Luật đã quy định việc phát triển nhà ở xã hội phải có sự tham gia của toàn xã hội, của cộng đồng nhưng Nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc tạo ra các cơ chế, chính sách,...

Do vậy, ngoài các quy định cụ thể về ưu đãi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì cần bổ sung các quy định về cơ chế ưu đãi, khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê; quy định rõ hơn về trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất tại các khu công nghiệp trong việc xây dựng nhà ở xã hội cho người lao động. Mặt khác, để bảo đảm quyền có chỗ ở của người nghèo, đề nghị nâng thời hạn tối thiểu để chủ đầu tư được bán nhà ở xã hội đang cho thuê từ 5 năm lên 10 năm, trừ trường hợp người thuê có khả năng tài chính và có nhu cầu mua hoặc thuê mua.

ĐB Kso Phước, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc đặt vấn đề có nên ưu đãi quá sâu cho nhà đầu tư hay không khi mà chính sách khuyến khích nhà ở xã hội hiện nay người hưởng lợi đang là nhà đầu tư, trong khi đối tượng được Nhà nước quan tâm là người dân lại chưa rõ, vì nhà ở xã hội vẫn bán với giá thị trường chứ không theo giá chính sách. Mua được nhà nhưng mấy chục năm mới trả xong tiền mua nhà, như vậy là không phải giá nhà cho hộ nghèo, cần phải sửa cho phù hợp.

Phiên họp thứ 30 UBTVQH: Phát triển nhà ở xã hội phải có sự tham gia của cả người dân

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng phát biểu tại Phiên họp

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh, thực hiện chính sách nhà ở xã hội nhằm bảo đảm an sinh xã hội nên không phân biệt người nghèo ở nông thôn hay ở thành thị. Bên cạnh đó, cần thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội để tạo thêm kênh huy động vốn cho việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội, tạo điều kiện để người có thu nhập thấp, người nghèo có khả năng tạo lập chỗ ở bằng việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, nhưng không nhất thiết cả 63 tỉnh, thành phố phải có Quỹ này.

Có nên xây nhà công vụ vùng sâu, vùng xa?

Về chính sách nhà ở công vụ có rất nhiều ý kiến khác nhau. Có ý kiến đề nghị chỉ nên áp dụng chế độ nhà ở công vụ cho cán bộ cấp cao cần bảo vệ an ninh, không áp dụng chế độ này cho các đối tượng được điều động, luân chuyển khác. Nhưng có ý kiến lại cho rằng chỉ đầu tư xây dựng nhà công vụ tại khu vực vùng sâu, vùng xa, còn đối với cán bộ khi được điều động, luân chuyển đến các thành phố lớn thì đưa chế độ nhà ở công vụ vào tiền lương để họ tự thuê nhà ở nhằm tránh lãng phí, dàn trải;...

Tuy nhiên, ĐB Ksor Phước, Chủ nhiệm Hội đồng dân tộc cho rằng, vấn đề nhà công vụ Luật hiện hành đang “tắc” vì lạc hậu, cần sửa đổi. Hiện các tỉnh, thành giải quyết về nhà ở công vụ không thống nhất, việc không trả lại nhà công vụ sau khi hết thời hạn cũng đang là vấn đề cần bàn. Chính phủ đã có thông báo không bán nhà công vụ nhưng vẫn phải xây nhà công vụ vì liên quan đến công tác cán bộ ở các ngành, các cấp, không chỉ ở vùng sâu vùng xa, hay đô thị lớn. Các tỉnh cũng phải luân chuyển cán bộ giữa các huyện và huyện lên tỉnh, có khi hàng trăm người, nên cần có phương cách để phát triển nhà công vụ cho phù hợp.

Cũng theo ông Phước, hiện chưa giải quyết được nhà công vụ trong lương nên cần giải quyết để chính sách nhà công vụ được thực hiện đúng nghĩa, có thứ bậc theo bậc công chức nhà nước. Nhiều cán bộ, công chức phải ở khách sạn, chi phí cao nên cần phát triển nhà công vụ phục vụ cho hàng nghìn cán bộ, công chức.

Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng, trong điều kiện hiện nay chưa thể áp dụng chế độ nhà công vụ cho tất cả đối tượng cán bộ, công chức đang thực hiện công vụ, đồng thời việc đưa tiền thuê nhà ở công vụ vào tiền lương là phá vỡ mặt bằng chung về chế độ tiền lương và khó khả thi. Do đó, đề nghị tiếp tục thực hiện chính sách về nhà ở công vụ như Luật Nhà ở hiện hành và được bổ sung chặt chẽ về đối tượng, việc quản lý, sử dụng nhà công vụ trong dự thảo Luật.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhận định, nhà công vụ tạo điều kiện cho cán bộ nên cần tính toán giá cho hợp lý. Với mức thu nhập hiện nay thì giá nhà còn cao nhưng việc áp dụng lại không thống nhất dẫn đến sự bất bình đẳng, cần có công thức tính chung cho phù hợp.

Ưu tiên dạy nghề cho vùng dân tộc

Thảo luận Luật Dạy nghề (sửa đổi), các đại biểu cũng đề cập đến các chính sách đào tạo nghề nghiệp nội trú cho học sinh dân tộc nội trú do đối tượng này đã được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Nhà nước; hỗ trợ học nghề nghiệp đối với đối tượng là phụ nữ và lao động nông thôn vì khó đảm bảo được nguồn chi.

Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng việc thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số, phụ nữ và lao động nông thôn thể hiện tính nhân văn với nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc, góp phần thực hiện bình đẳng giới và công bằng xã hội về cơ hội tiếp cận với đào tạo nghề nghiệp của nhóm lao động yếu thế trong xã hội.

Thực tế hiện nay, số lượng học sinh người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách học nghề nội trú là rất ít vì theo quy định, học sinh tốt nghiệp THCS hoặc THPT muốn vào học nghề nội trú phải được UBND cấp tỉnh cử tuyển. Do vậy, để tăng cường số lượng người dân tộc thiểu số được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước, Dự thảo Luật bổ sung quy định chính sách đào tạo nghề nghiệp nội trú đối với học sinh người dân tộc thiểu số nhưng cũng chỉ hạn chế trong phạm vi đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ cho đối tượng phụ nữ và lao động nông thôn thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo học trình độ sơ cấp nghề nghiệp và học nghề dưới 3 tháng thực chất là pháp điển hóa chính sách đang thực hiện trên thực tế, vì hiện các đối tượng này đang được hỗ trợ kinh phí học nghề theo 2 đề án của Chính phủ là Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề và tạo việc làm. Do vậy,  các đại biểu đề nghị giữ quy định này và giao cho Chính phủ hướng dẫn cụ thể cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng giai đoạn.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 30 UBTVQH: Phát triển nhà ở xã hội phải có sự tham gia của cả người dân