Phiên họp thứ 27, UBTVQH: Cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)

Mai Thoa| 15/04/2014 23:11
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Tiếp tục phiên họp, sáng nay 15/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) và một số vấn đề xin ý kiến chỉ đạo của UBTVQH về dự án Luật này.

Xác định vị trí, vai trò của Quốc hội

Dự thảo Luật trình lần này có sự điều chỉnh lớn về bố cục so với Luật hiện hành, gồm 6 chương với 133 điều quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội; hoạt động của Quốc hội và kỳ họp Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội… Theo đó, dự thảo Luật khẳng định, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam; thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước.

Về Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Ban soạn thảo cho biết, qua thảo luận cũng như theo tổng kết hoạt động của những cơ quan này các nhiệm kỳ qua cho thấy, có nhiều ý kiến đề nghị cần nghiên cứu chia, tách, thành lập mới một số Ủy ban của Quốc hội... để bảo đảm cân đối hơn về lĩnh vực hoạt động, giảm tải cho một số Ủy ban có quá nhiều việc do phải phụ trách lĩnh vực hoạt động quá rộng.
Ban soạn thảo đã đưa ra hai phương án để lựa chọn, gồm: Phương án 1: Tiếp tục quy định cụ thể về số lượng, tên gọi của các Ủy ban cùng lĩnh vực được phân công phụ trách như cách quy định của Luật hiện hành. Phương án 2: Không quy định cụ thể số lượng, tên gọi và lĩnh vực phụ trách của từng Ủy ban trong Luật Tổ chức Quốc hội mà các nội dung này sẽ do Quốc hội quyết định riêng cho từng nhiệm kỳ tương tự như cách Quốc hội quyết định cơ cấu của Chính phủ, quyết định thành lập, bãi bỏ các Bộ, cơ quan ngang Bộ của Chính phủ hiện nay.

Phiên họp thứ 27, UBTVQH: Cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại phiên họp (Ảnh: Phúc Nguyên)

Về cơ cấu thành viên của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, nhiều ý kiến cho rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII hiện nay, phần lớn đại biểu Quốc hội đã được cơ cấu làm thành viên của Hội đồng dân tộc hoặc một Ủy ban của Quốc hội. Số lượng thành viên của mỗi Ủy ban trung bình 40 người. Tuy nhiên, trên thực tế, do đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm vẫn chiếm số lượng lớn trong Quốc hội, nên tuy tham gia làm thành viên của Hội đồng, Ủy ban, nhưng nhiều đại biểu không có đủ thời gian để thực hiện các hoạt động do các cơ quan này tổ chức như tham gia các phiên họp toàn thể, các phiên giải trình, các hội nghị... Đây là các cơ quan làm việc theo chế độ hội nghị, quyết định theo đa số, do đó, việc vắng quá nhiều đại biểu thành viên tại các hoạt động tập thể đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xem xét, thông qua các quyết định của các cơ quan này.

Từ thực tế nêu trên, qua thảo luận, các ý kiến đóng góp dự thảo quy định theo hướng, mở rộng quyền của đại biểu Quốc hội có thể đăng ký tham gia làm thành viên của Hội đồng dân tộc, thành viên của một hoặc một số Ủy ban của Quốc hội tùy theo nguyện vọng và khả năng của đại biểu. Các cơ quan này vẫn tiếp tục cách thức tổ chức và hoạt động như hiện nay, nghĩa là chỉ cần có bộ phận Thường trực mạnh và chuyên trách để chuẩn bị toàn bộ các nội dung hoạt động của Hội đồng, Ủy ban.

Nên quy định rõ nhiệm vụ, vai trò của đại biểu

Về việc phân định nhiệm vụ, quyền hạn giữa một số Ủy ban của Quốc hội, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật, có ý kiến của một số các cơ quan đề nghị cân nhắc, điều chỉnh phạm vi phụ trách của một số Ủy ban của Quốc hội để bảo đảm phân chia hợp lý hơn về nhiệm vụ, quyền hạn.

UBTVQH nhận thấy, việc phân chia lĩnh vực cho Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phụ trách mang tính chất tương đối, do đó dự thảo Luật trình lần này cơ bản giữ như cách phân công của Luật hiện hành và sẽ có một số phân công, nếu có sự thay đổi, nâng cấp một số cơ quan của UBTVQH thành cơ quan thuộc Quốc hội.

Về Hội đồng bầu cử quốc gia và việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội, nhiều ý kiến đề nghị không quy định cụ thể các nội dung liên quan đến tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia và việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội, vì tuy đây là cơ quan do Quốc hội thành lập nhưng không phải cơ quan thuộc cơ cấu của Quốc hội. Các vấn đề này sẽ được cụ thể hóa trong một đạo luật riêng hoặc trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và các văn bản có liên quan.

Nhận xét chung về dự thảo Luật, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho rằng, nhiều nội dung mới chỉ mang tính tập hợp, pháp điển hóa mà chưa đi sâu nghiên cứu xem đã tương thích với các luật khác như: Luật Tổ chức Chính phủ, Tòa án, VKS… hay chưa? Trong khi tổ chức hoạt động của Quốc hội có rất nhiều nội dung.

Liên quan đến Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, ông Hiền cho rằng, phải rà soát lại chức năng, nhiệm vụ để tránh chồng chéo. Cần quy định mối quan hệ phối hợp trong việc thực hiện nhiệm vụ chung của Quốc hội như thế nào? Như việc xây dựng luật, giám sát… Đây cũng là vấn đề đang vướng mắc trong thời gian qua.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị chương về đại biểu Quốc hội cần phải quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đại biểu trong việc đi họp, chứ không thể tùy nghi. Bởi đại biểu của dân, trách nhiệm rất lớn đối với người dân phải đi họp đầy đủ trong các kỳ họp. Đối với đại biểu không chuyên trách, cơ quan công tác phải bố trí đủ thời gian để đại biểu dự họp...

Một số đại biểu khác cũng đề nghị nên quy định rõ ràng, cụ thể về thời gian kỳ họp Quốc hội hàng năm cũng như thời điểm tiếp xúc cử tri để các đại biểu và cử tri nắm được.

Kết luận nội dung buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, làm rõ thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức của các cơ quan của Quốc hội… hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 27, UBTVQH: Cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi)