Chiều 16/7, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, phiên họp thứ 21 đã cho ý kiến về 2 Đề án.
Đó là Đề án "Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho TAND theo tinh thần Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị" và "Đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho VKSND, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp".
Tại phiên họp, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình và Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình đã báo cáo một số điểm tiếp thu ý kiến của Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương tại phiên họp trước. Theo đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến, Ban soạn thảo đã chỉnh lý 5/6 yêu cầu phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013, Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước và các luật khác có liên quan. Tuy nhiên, có một lĩnh vực Ban soạn thảo mong giữ nguyên, xin ý kiến Ban chỉ đạo về 2 phương án mô hình quản lý ngân sách của TAND và VKSND là 3 cấp như cũ hay đổi mới quản lý theo mô hình 2 cấp ngân sách và định mức làm cơ sở lập dự toán hàng năm.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương chủ trì phiên họp
Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ban chỉ đạo cho rằng, việc xây dựng đề án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho TAND và VKSND là cần thiết, nhằm tìm ra cơ chế phù hợp, khắc phục những hạn chế, tập trung các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tạo điều kiện để TAND, VKSND thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định.
Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương cho rằng, thực hiện 2 cấp ngân sách là hợp lý. Dự toán ngân sách của toàn ngành do Chính phủ trình Quốc hội, sau khi được Quốc hội quyết định sẽ chuyển trực tiếp đến kho bạc. Đơn vị dự toán cấp 1 là VKSNDTC, TANDTC phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan giám sát, kiểm tra việc sử dụng tại các đơn vị dự toán cấp 2 (cấp huyện, tỉnh) theo quy định. Đây là phương án đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách theo đúng tinh thần cải cách tư pháp cũng như hiện đại hóa trong quản lý tài chính và cải cách hành chính…
Tuy nhiên, một số thành viên Ban chỉ đạo lại cho rằng, thực hiện theo phương án 2 cấp ngân sách khó khăn hơn 3 cấp là cấp VKSNDTC, TANDTC, cấp tỉnh và cấp huyện. Bởi lẽ, 2 cấp không giảm về hành chính mà cũng không ngăn chặn được cơ chế xin - cho, UBTVQH lại thêm việc giao kinh phí thường xuyên và kinh phí đặc thù - đó là quy trình ngược…
Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đánh giá, hai đề án của TAND và VKSND được chuẩn bị công phu, nghiêm túc. Ban soạn thảo đã tiếp thu cơ bản ý kiến đóng góp của thành viên Ban chỉ đạo tại phiên họp trước. Vấn đề tồn tại là còn có ý kiến khác nhau về mô hình quản lý ngân sách, Chủ tịch nước đề nghị phải căn cứ vào tinh thần Nghị quyết số 49 về cải cách tư pháp...
Cũng tại phiên họp thứ 21, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các thành viên Ban chỉ đạo đã chứng kiến Lễ ký kết chương trình phối hợp công tác thông tin tuyên truyền giữa Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương.
Phát biểu trong Lễ ký kết, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Thông qua việc ký kết phối hợp tuyên truyền giữa hai đơn vị chủ lực, sẽ góp phần nâng cao hơn nhận thức và hoạt động của các cơ quan tư pháp nói riêng và công tác cải cách tư pháp của nước ta nói chung.