Chiều 11/10, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến về một số báo cáo như: tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội; giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội...
2.284 kiến nghị cử tri gửi đến Quốc hội
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (UBTW MTTQ) Bùi Thị Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ nhận được tổng số 2.284 kiến nghị do Ban Dân nguyện thuộc UBTVQH chuyến đến (trong đó 448 kiến nghị do Ban Dân nguyện chuyển đến Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ, ngành nghiên cứu, giải quyết, trả lời).
Trong các kiến nghị gửi đến, cử tri cho rằng, nhiều thủ tục hành chính chưa được cải thiện; tình trạng giấy phép con trong các thủ tục hành chính và vi phạm thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính vẫn tiếp diễn. Vì vậy đề nghị tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Tình hình bội chi ngân sách, nợ công tăng, tình trạng lãng phí, thất thoát trong đầu tư còn diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành nên cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vổn đầu tư; khắc phục tình trạng quy hoạch, dự án treo; sớm phân bổ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia hàng năm nhằm đảm bảo thuận lợi cho việc bố trí, sử dụng ngân sách của địa phương; có cơ chế, chính sách hợp lý nhằm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân.
Đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, cử tri tiếp tục bày tỏ băn khoăn lo lắng việc cải cách giáo dục thường xuyên đã gây tốn kém rất lớn ngân sách của quốc gia, ảnh hưởng đến kinh tế của các hộ gia đình, người dân; tình trạng bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận; thực trạng thang điểm tuyển sinh đầu vào đại học của khối các trường sư phạm quá thấp...; tình trạng sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm vẫn tiếp diễn.
TANDTC, VKSNDTC có 17 kiến nghị (chiếm 0,8 %), nội dung cử tri kiến nghị liên quan đến việc tăng cường công tác chỉ đạo giải quyết đơn, thư yêu cầu giám đốc thẩm, tái thẩm; công tác chống tiêu cực trong ngành tư pháp; khắc phục tình trạng oan, sai; đề nghị xem xét, giải quyết dứt điểm một số vụ việc cụ thể, kéo dài,… Đặc biệt, tại kỳ họp này, cử tri tỉnh Hòa Bình kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn thi hành một số đạo luật mới về tư pháp và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong thời điểm thực hiện đan xen giữa luật cũ và luật mới như hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13; xem xét sửa đổi Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT/BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC...
Báo cáo kết quả giám sát việc trả lời kiến nghị cử tri, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, qua giám sát cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và các cơ quan liên quan đều rất nghiêm túc, tích cực, có trách nhiệm cao trong việc nghiên cứu, xem xét, giải quyết và trả lời đầy đủ các kiến nghị của cử tri.
TANDTC, VKSNDTC đã trả lời 17/17 kiến nghị của cử tri (đạt 100%). Nội dung tập trung cung cấp một số thông tin về đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án trọng điểm về tham nhũng; đề ra giải pháp khắc phục tình trạng oan, sai trong quá trình giải quyết các vụ án; làm rõ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân đã làm oan, sai đối với ông Huỳnh Văn Nén; chỉ đạo giải quyết đơn, thư kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; xem xét giải quyết các vụ án tồn đọng, kéo dài...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Kiến nghị của cử tri về Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC đã được các cơ quan nghiên cứu, xem xét, tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan tới 4 bộ, ngành nên cho đến nay vẫn chưa được các cơ quan thống nhất phương án giải quyết, trả lời cử tri.
Nhiều kiến nghị chưa được giải quyết
Tuy nhiên, bên cạnh đó công tác này vẫn còn một số những hạn chế, bất cập. Theo đó, ở cơ quan Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng kiến nghị qua các kỳ họp Quốc hội chưa được giải quyết dứt điểm còn nhiều (570 kiến nghị); số kiến nghị mà bộ, ngành đang giải quyết nhưng không nêu lộ trình giải quyết và thời hạn dự kiến hoàn thành còn chiếm tỷ lệ lớn, trong đó có nhiều kiến nghị nếu thực sự nỗ lực thì có thể nêu rõ lộ trình giải quyết, nhưng một số bộ lại chưa thực hiện theo quy định; Một số kiến nghị đã được bộ, ngành trả lời nhưng chưa thỏa đáng, không rõ ràng, không phù hợp với thực tiễn nên cử tri tiếp tục kiến nghị. Chẳng hạn như vấn đề xử lý các trường hợp lạm thu tại các cơ sở giáo dục công lập và tình trạng dạy thêm, học thêm, Bộ GD&ĐT đã trả lời “đã chấn chỉnh các cơ sở giáo dục thực hiện thu, chi chưa đúng quy định của Nhà nước, chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học trong nhà trường, đổi mới thi, kiểm tra; chỉ đạo các cơ sở giáo dục tăng cường quản lý giáo viên trong chương trình dạy học”... nhưng tình trạng không được cải thiện.
Việc giải quyết các kiến nghị của cử tri có nội dung liên quan đến đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí vẫn còn bất cập. Số vụ việc phát hiện, xử lý còn chưa tương xứng với tình hình dư luận mà cử tri phản ánh; việc xử lý hành chính, xử lý kỷ luật nội bộ còn nhiều; nhiều vụ tham nhũng lại được phát hiện do đơn tố cáo của người dân hoặc do mâu thuẫn nội bộ mà không phải qua hoạt động thanh tra, kiểm tra. Hiện tượng người dân vẫn phải chi “lót tay” để giải quyết công việc hay các thủ tục hành chính còn xảy ra khá phổ biến ở nhiều cấp, nhiều ngành, trong phạm vi rộng và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, gia tăng...
Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhận xét, nhiều kiến nghị của cử tri vẫn bị chuyển đi chuyển lại giữa các cơ quan mà chưa được giải quyết nên cần phải xem xét. Vì đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận mà là cả của cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Có đến 570 kiến nghị chưa được giải quyết, chưa đặt ra yêu cầu giải quyết nên đó là những hạn chế, khó khăn của các cơ quan có trách nhiệm trả lời. Vì vậy đề nghị các cơ quan liên quan cần nghiên cứu vấn đề này; cần đưa ra lộ trình giải quyết để người dân biết. Hiện vẫn còn tình trạng một số bộ, ngành khi giải quyết kiến nghị trả lời chưa đầy đủ nên cần phải tăng cường công tác giám sát của Quốc hội đối với việc trả lời kiến nghị của cử tri.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đề nghị cân nhắc thêm về 12 dự án thua lỗ, cử tri có phản ánh và UBTW MTTQ đã tổng hợp lại. Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo và Bộ Chính trị đã có phương án giải quyết, nên nếu báo cáo nói là chưa có phương án giải quyết thì cần cân nhắc lại.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng, nên có phần đánh giá tổng quát để so sánh kết quả xử lý, giải quyết kiến nghị của cử tri năm nay so với năm trước có gì chuyển biến, mức độ kiến nghị có điểm gì cần tập trung giải quyết. Ông cũng cho rằng nên có số liệu trong báo cáo của UBTW MTTQ Việt Nam.
Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã tóm lược lại một số nội dung mà các đại biểu đã góp ý, đồng thời đề nghị UBTW MTTQ Việt Nam tiếp thu hoàn thiện báo cáo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến trong kỳ họp tới.