Ngày 14/8, UBTVQH cho ý kiến dự án Luật Thủy sản. Theo đó, Luật này quy định về hoạt động thủy sản; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thủy sản; trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy sản.
Qua thảo luận, có ý kiến đề nghị sắp xếp lại các nội dung về chính sách cho logic, rõ ràng, phân định rõ trách nhiệm của Nhà nước, tư nhân trong hoạt động thủy sản; bổ sung chính sách đầu tư phát triển hoạt động thủy sản; đầu tư đánh bắt thủy sản xa bờ, hỗ trợ nuôi trồng thủy sản và hiện đại hóa tàu cá...:
Vấn đề mà các đại biểu quan tâm thảo luận nhiều nhất là lực lượng Kiểm ngư và việc thành lập lực lượng này. Chính phủ đưa ra hai phương án trình UBTVQH, đó là: Phương án 1: Thành lập Kiểm ngư Trung ương ở tất cả 28 tỉnh, thành phố có biển như Chính phủ trình. Phương án 2: Chỉ thành lập Kiểm ngư tại một số tỉnh cần thiết, có tính đặc thù, đáp ứng đủ tiêu chí quy định.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, hiện tại, lực lượng kiểm ngư Trung ương đang được tổ chức thành các vùng, hoạt động bảo đảm việc thực thi pháp luật về thủy sản và bảo vệ chủ quyền ở vùng khơi (vùng lộng và ven bờ do thanh tra chuyên ngành về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đảm nhiệm).
Hiện nay vi phạm về đánh bắt thủy sản ở vùng lộng và ven bờ đang diễn ra hết sức phức tạp, nhiều hình thức đánh bắt mang tính hủy diệt, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, trong khi đó công tác thanh tra ở vùng lộng và ven bờ kém hiệu quả do lực lượng thanh tra không có công cụ hỗ trợ; phương tiện, thiết bị kém; đặc biệt là trình tự thủ tục phải thực hiện theo pháp luật về thanh tra, không phù hợp với các hoạt động trên biển để xử lý những tình huống khẩn cấp; chế độ chính sách cho lực lượng này cũng chưa tương xứng, trong khi hoạt động có nhiều rủi ro.
Mặt khác, yêu cầu của quốc tế, đặc biệt là EU (thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam) đòi hỏi Việt Nam phải có hệ thống, bộ máy thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi pháp luật về khai thác thủy sản trên biển đủ mạnh để ngăn chặn được các hành vi đánh bắt bất hợp pháp.
Từ những lý do trên, Thường trực Ủy ban KHCN&MT thấy rằng, việc tổ chức lực lượng kiểm ngư ở tỉnh, thành phố ven biển là cần thiết và lựa chọn, ủng hộ phương án 2. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, lực lượng Kiểm ngư rất quan trọng. Hiện nay đang có hai lực lượng hoạt động, kiểm soát trên biển là Kiểm ngư và Cảnh sát biển. Việc thành lập lực lượng này là cần thiết, nhưng thành lập ở cấp tỉnh hay Trung ương cần có tổng kết, đánh giá cụ thể về vấn đề này.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, về tổ chức lực lượng kiểm ngư rất quan trọng, không ai nắm rõ, chắc mọi vấn đề trên biển bằng lực lượng kiểm ngư. Lực lượng này phải do Bộ NN&PTNT quản lý để chỉ đạo khi có sự cố thiên tai. Nếu chỉ thành lập vùng (Trung ương) thì không hợp lý, vùng chỉ áp dụng cho lực lượng hải quân; Kiểm ngư, biên phòng phải gắn với dân nên thành lập ở địa phương là hợp lý hơn cả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, việc tiếp thu giải trình dự án Luật đã có sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm tra. Về cho thuê và thu hồi mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản nên theo Luật Đất đai, nên có quy định chuyên ngành, không nên quy định cứng vào Luật. Cơ quan quản lý nhà nước đối với lực lượng Kiểm ngư phải là Bộ NN&PTNT, còn Cơ quan Kiểm ngư 28 tỉnh có biển xây dựng như thế nào cần phải nghiên cứu.
Kết luận nội dung họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng về cho thuê mặt biển để nuôi trồng thủy hải sản phải bám sát vào Luật Đất đai. Còn có cho người nước ngoài thuê hay không phải cân nhắc và rà soát lại. Còn việc thành lập lực lượng Kiểm ngư là cần thiết, cần rà soát và đánh giá cụ thể về vấn đề này. Phó Chủ tịch cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn tháo tiếp thu các ý kiến đóng góp trong UBTVQH, sau có có đánh giá tổng kết và xin ý kiến một số cơ quan, hoàn thiện dự thảo để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 tới đây.