Phiên họp thứ 12 UBTVQH: "Chốt" nhiều vấn đề quan trọng

Xuân Lan| 12/07/2017 20:31
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Diễn ra trong 2 ngày, Phiên họp thứ 12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã hoàn thành chương trình đề ra qua việc thảo luận và cho ý kiến 3 vấn đề quan trọng và bế mạc vào chiều nay (12/7).

Phiên họp thứ 12 UBTVQH:

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 12 của UBTVQH khóa XIV

Quốc hội họp 23 ngày, giữ nguyên 3 ngày chất vấn

Tại Phiên họp thứ 12, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo đánh giá kết quả Kỳ họp thứ 3 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Liên quan nội dung trên, các thành viên UBTVQH cho rằng, các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, cử tri cả nước về cơ bản đều ghi nhận, đánh giá cao thành công của Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV với nhiều đổi mới, hiệu quả, dân chủ và trách nhiệm. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng đánh giá, việc chấp hành Nội quy kỳ họp còn chưa cao, một số đại biểu còn vắng mặt tại các phiên họp, ảnh hưởng nhất định đến việc thực hiện trách nhiệm của đại biểu đối với cử tri và kết quả biểu quyết thông qua của Quốc hội. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng các báo cáo giải trình, tiếp thu, báo cáo thẩm tra, bảo đảm thuyết phục hơn, nêu rõ quan điểm, chính kiến để đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận.

Về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến Quốc hội sẽ làm việc trong 23 ngày, từ ngày 23/10/2017 đến ngày 22/11/2017 để xem xét, thông qua 6 dự án luật, cho ý kiến 12 dự án luật và xem xét, thảo luận các vấn đề kinh tế - xã hội, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giữ nguyên thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là 3 ngày làm việc, trong đó lựa chọn các vấn đề cụ thể, tránh dàn trải; xem xét, cải tiến quy trình thu, phát Phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội; tăng cường công tác báo chí để bảo đảm việc truyền tải thông tin kịp thời, trung thực, khách quan.

Giao Chính phủ tiến hành thủ tục phê duyệt Nghị định thư 7

Tại phiên họp lần này, UBTVQH cũng đã xem xét, cho ý kiến việc phê duyệt Nghị định thư 7 về hệ thống quá cảnh hải quan thuộc Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh.

Hiệp định Nghị định thư 7 là một trong 9 Nghị định thư nằm trong Hiệp định khung ASEAN về Tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh được các nước ASEAN ký ngày 16/12/1998 tại Hà Nội với mục tiêu tạo thuận lợi cho việc vận tải hàng hóa quá cảnh, hỗ trợ việc thực hiện khu vực Mậu dịch tự do ASEAN và tăng cường liên kết kinh tế khu vực. Nghị định thư 7 đã được tất cả 10 nước ASEAN ký và đến nay có 5 nước ASEAN đã hoàn thành thủ tục phê duyệt. Việc phê duyệt Nghị định thư 7 đảm bảo tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan theo tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong việc góp phần tích cực xây dựng và phát triển Cộng đồng Kinh tế ASEAN.

Tại Phiên họp, các thành viên của UBTVQH đã xem xét, thảo luận một số nội dung liên quan đến việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất phê duyệt Nghị định thư 7; tính hợp hiến và mức độ phù hợp giữa Nghị định thư 7 với luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; khả năng áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần Nghị định thư 7; yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, UBTVQH.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết: về cơ bản, UBTVQH nhất trí với sự cần thiết phê duyệt Nghị định thư 7 và đồng ý giao Chính phủ tiến hành thủ tục phê duyệt theo quy định của Luật Điều ước quốc tế. Chính phủ chủ động xác định thời điểm phê duyệt Nghị định thư 7 cho phù hợp với tiến độ phê duyệt của các nước ASEAN khác và đảm bảo lợi ích quốc gia.

UBTVQH nhất trí không áp dụng trực tiếp toàn bộ Nghị định thư 7 mà thực hiện thông qua nội luật hóa vào quy định của pháp luật Việt Nam. Đối với kiến nghị ban hành Nghị định của Chính phủ để thực hiện Nghị định thư 7, đề nghị Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình UBTVQH cho ý kiến theo quy định tại Điều 95 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

Tại phiên họp, thừa Ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã báo cáo UBTVQH về tình hình giao kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012- 2015 của chương trình kiên cố hóa trường, lớp học theo Nghị quyết số 916/NQ-UBTVQH13 ngày 05/05/2015 và Nghị quyết số 1096/NQ- UBTVQH13 ngày 22/12/2015 của UBTVQH về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012- 2015.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên UBTVQH tán thành với Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, các Ủy viên UBTVQH đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân tiến độ phân bổ vốn chậm, nhất là thủ tục phân bổ, thủ tục đầu tư. Một số Ủy viên UBTVQH đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan rút kinh nghiệm, khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ phân bổ, tránh tình trạng đọng vốn, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp ban hành thủ tục mẫu, hồ sơ mẫu, đặc biệt cần  thiết kế phòng học mẫu để đẩy nhanh quá trình chuẩn bị đầu tư, giao vốn.

Một số Ủy viên UBTVQH cũng đề nghị có đánh giá chi tiết Chương trình kiên cố hóa trường lớp, vì việc thực hiện Chương trình từ năm 2008 đến nay đã gần 10 năm, tình hình đã có nhiều thay đổi. Hơn nữa, sau khi kiên cố hóa lớp học, trường học thì cần đánh giá hoạt động giáo dục ở tỉnh đó có thay đổi như thế nào sau đầu tư để thấy được hiệu quả đầu tư.

Sau khi thảo luận, UBTVQH nhất trí ban hành Nghị quyết để điều chỉnh một số nội dung liên quan đến Nghị quyết 916/NQ-UBTVQH13 và Nghị quyết số 1096/NQ-UBTVQH13 của UBTVQH về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ dự phòng giai đoạn 2012- 2015 để xây dựng các phòng học của trường mầm non tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ- CP. Qua đó, UBTVQH đồng ý về việc điều chỉnh danh mục mức vốn là 698,704 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 880 phòng học theo đề nghị của Chính phủ nhưng phải bảo đảm đúng nguyên tắc các đối tượng được sử dụng vốn phải là trường mầm non thuộc các huyện nghèo và thuộc diện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP; cho phép các địa phương được kéo dài thời gian giao vốn thực hiện kế hoạch đến hết năm 2018 để bảo đảm đủ thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao vốn theo quy định. UBTVQH giao cho Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Pháp luật, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ; Thường trực các Ủy ban: Pháp luật, Tài chính- Ngân sách, Đối ngoại; Tổng thư ký Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp thu ý kiến của UBTVQH, hoàn chỉnh các Nghị quyết, Báo cáo và các văn bản khác liên quan đến các nội dung màUBTVQH đã cho ý kiến, quyết định. Đồng thời, chuẩn bị Dự thảo thông báo Kết luận về nội dung liên quan đến từng lĩnh vực phụ trách.

Chủ tịch Quốc hội giao Tổng thư ký Quốc hội tổng hợp kết luận về các nội dung cụ thể thành Thông báo kết luận chung của Phiên họp này, sau đó gửi tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan để nghiên cứu, tiếp thu, triển khai thực hiện.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại các Phiên họp tháng 8 và Phiên họp tháng 9, UBTVQH sẽ tập trung cho ý kiến về các Dự án Luật và một số nội dung khác trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4. Phiên họp tháng 10 của UBTVQH sẽ gần sát vào thời điểm khai mạc Kỳ họp thứ 4, tại Phiên họp này, UBTVQH sẽ tập trung cho ý kiến các vấn đề liên quan đến kinh tế- xã hội; vì vậy, UBTVQH đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung chuẩn bị đầy đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phiên họp thứ 12 UBTVQH: "Chốt" nhiều vấn đề quan trọng