Ngày 8/9, TANDTC tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC - Trưởng ban Ban Chỉ đạo.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí Thẩm phán TANDTC; các thành viên Ban Chỉ đạo và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Cuộc họp nhằm thảo luận, cho ý kiến và góp ý dự thảo Bản đề xuất một số nội dung cần quy định tại Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Góp ý dự thảo Quyết định về việc phân công nhiệm vụ đối với Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Cùng với đó, xác định nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị trực thuộc TANDTC, TAND các cấp, giữa TANDTC và các cơ quan, bộ, ngành có liên quan nhằm bảo đảm triển khai Luật kịp thời, đồng bộ, thống nhất và nâng cao nhận thức về Luật, trách nhiệm triển khai thi hành Luật.
Tại cuộc họp, đồng chí Hoàng Thị Thúy Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã công bố Quyết định số 187/QĐ-TANDTC của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Quyết định số 236/QĐ-TANDTC của Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Theo đó, Ban Chỉ đạo triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 24 thành viên: Ông Nguyễn Văn Du làm Trưởng ban; ông Tống Anh Hào - Phó Trưởng ban; ông Nguyễn Văn Thuân, bà Đào Thị Xuân Lan, ông Chu Xuân Minh và ông Lê Văn Minh là Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (sau đây gọi là triển khi thi hành Luật). Các thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc còn lại là các Thủ trưởng, cá nhân các đơn vị thuộc TANDTC.
Đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC - Trưởng ban Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chủ trì cuộc họp
Yêu cầu của Kế hoạch triển khi thi hành Luật nêu rõ, xác định cụ thể phạm vi, mục đích, yêu cầu và các hoạt động trọng tâm triển khai thi hành Luật; xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị chủ trì, phối hợp trong việc triển khai nhiệm vụ thực hiện công việc được giao. TANDTC, các đơn vị trực thuộc TANDTC, TAND các cấp tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các cơ quan, bộ ngành, đơn vị có liên quan; kịp thời đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện để đảm bảo tiến độ và hiệu quả của công việc triển khai thi hành Luật. Việc triển khai thi hành Luật phải đảm bảo thiết thực, tiết kiệm, hiệu quả.
Tại cuộc họp, với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung nghiên cứu, phát biểu nhiều ý kiến đóng góp vào các bản dự thảo đề xuất do Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học là đơn vị thường trực trình duyệt, thể hiện rõ chính kiến về những vấn đề quan tâm. Đồng thời kiến nghị và đưa ra một số gợi ý và giải pháp nhằm đưa công việc triển khai thi hành Luật được đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Cùng với đó, những nội dung trọng tâm được các thành viên đưa ra thảo luận, cho ý kiến như: Công tác chỉ đạo triển khai thi hành Luật; Tuyên truyền, phổ biến Luật và văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, các hoạt động triển khai Luật; Xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, rà soát sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; Tuyển chọn, bồi dưỡng, bổ nhiệm Hòa giải viên tại Tòa án; Chuẩn bị cơ sở vật chất, kinh phí triển khai thi hành Luật; Thống kê về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Thi đua, khen thưởng hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Hợp tác quốc tế trong triển khai thi hành Luật.
Cũng tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC- Trưởng ban Ban Chỉ đạo đã trực tiếp phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Trưởng ban Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 ngày 16/6/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, vì thế thời gian Luật có hiệu lực và đi vào cuộc sống còn không nhiều, trong khi công việc cần triển khai còn rất nhiều.
Trên tinh thần đó, đồng chí Trưởng ban Ban Chỉ đạo đưa ra 3 nội dung đặc biệt quan trọng cần ưu tiên triển khai trong thời gian tới như: Đề xuất Thông Tư hướng dẫn của Bộ tài chính, Nghị định của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn chi tiết của Chánh án TANDTC về triển khai thi hành Luật được ra đời; tập trung triển khai công tác tập huấn cho các Hòa giải viên; triển khai công tác tuyên truyền sâu rộng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bằng nhiều hình thức, phương tiện. Các đơn vị chủ trì nghiên cứu cần có sự chuẩn bị chu đáo tốt nhất để phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai được kịp thời, thuận lợi và thông suốt.
Đồng chí Trưởng ban Ban Chỉ đạo cũng lưu ý về các quy định chi tiết mức thu, trình tự, thủ tục thu, nộp và việc quản lý, sử dụng chi phí quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Đồng chí Nguyễn Văn Du cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo và thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo nắm bắt tình hình, đôn đốc triển khai thi hành Luật tại các TAND mà mình phụ trách và báo cáo lãnh đạo TANDTC khi có yêu cầu, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến việc triển khai thi hành Luật tại các TAND mà mình phụ trách theo yêu cầu của Trưởng Ban Chỉ đạo.