Đối với đồng bào vùng cao, mỗi phiên chợ không chỉ là địa điểm buôn bán, trao đổi hàng hóa mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu kết bạn. Chợ phiên Mường Lống, họp sau cổng trời cao vời vợi ở Kỳ Sơn - biên giới miền Tây xứ Nghệ là một kho tài sản tinh thần.
Và, cũng ở cái chợ phiên sặc sỡ sắc màu treo lơ lửng giữa mây xanh ấy, tôi đã gặp những “ông già, bà cả” cô đơn, lặng lẽ mưu sinh trong giá buốt.
Đậm đà hương vị vùng cao
Đã có thời người ta gọi vùng đất phía sau cổng trời Mường Lống là “vùng đất tử thần”. Cũng phải, bởi ngày xưa, khi núi rừng còn hoang rậm, giao thông trắc trở, đời đời kiếp kiếp đồng bào sống sau cổng trời chìm trong đói nghèo, lạc hậu. Ở bất cứ góc làng, xó bản nào cũng có người nghiện ngập. Nghèo đói vì thuốc phiện, chết rạc rày cũng vì thuốc phiện. Đó là chưa kể đến vô số người chết vì binh biến, khí oan ngút cổng trời. Thế nhưng, kể từ khi được Đảng và Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, còn các lực lượng chức năng đẩy mạnh việc triệt phá cây anh túc, dân trí phía sau cổng trời dần phát triển và tình trạng nghiện hút cũng dần thuyên giảm.
Bà Giàng Thị Hảu: “Mỗi phiên chỉ kiếm được vài chục ngàn thôi, không đói là may rồi!”
Và cứ tưởng, những truyền thuyết do con người tạo ra cùng “đặc sản” mây mù đặc quánh ấy thì trên cổng trời này sẽ là miền đất dữ. Nhưng không, lẩn khuất giữa mây mù dày như mưa ấy, vẫn tồn tại một cuộc sống yên bình đến lạ thường. Minh chứng cho điều này là đã có một khu chợ với nhiều sắc màu rực rỡ mọc lên giữa trùng điệp núi rừng Mường Lống.
Chợ không ai biết rõ được hình thành từ bao giờ, chỉ biết “khi tôi sinh ra, chợ đã có rồi!” và họp vào các ngày 14, 15 và 29, 30 âm lịch hàng tháng. Đây là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, đồng thời giao lưu, kết bạn mang đậm những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc sinh sống ở Mường Lống, Huồi Tụ, Mỹ Lý... Ngay từ khi mặt trời chưa ló rạng, trên khắp các cung đường đã sặc sỡ váy áo của đồng bào xuống chợ. Họ dũi lút vào màn sương mờ phủ, vai mang vác những sản vật của núi rừng. Và, cũng trong cái phiên chợ mỗi tuần chỉ họp một lần này, bên cạnh những hào nhoáng của du khách thập phương, người ta thấy có thể bắt gặp rất nhiều những ông già, bà cả cặm cụi mưu sinh!
Cũng giống như muôn vàn các phiên chợ vùng cao khác, chợ Mường Lống chủ yếu chỉ bán nông sản của đồng bào. Ba bốn dãy lều bán đồ lưu niệm, dăm quầy hàng bày hàng thổ cẩm, tất cả đều sặc sỡ sắc màu. Xung quanh chợ là vách đá xám dựng trời. Có những ông già bà cả, răng chiếc còn chiếc mất, cũng đạp mây gùi hàng đến chợ. Hàng của họ là mấy bắp ngô, bó rau cải mèo, măng rừng, cơm lam… Những thứ không phải buôn mà kiếm từ nhà hoặc rừng mang ra bán.
Chợ sôi nổi nhất là vào giữa buổi chiều, khi hoạt động giao thương gần như đã kết thúc. Trước khi ra về, các địa điểm buôn bán rượu và ăn uống trở nên rất sôi nổi. Người bán rượu và hàng ăn quan niệm rằng, bán không hết phải đem về là làm ăn không son nên cuối buổi chợ là phải bán tháo hết. Nếu không có ai mua thì cũng phải mời cho được khách đi chợ uống hết. Thành ra, cứ sau buổi chợ là đến màn chúc tụng và tạm biệt của đồng bào.
Mưu sinh giữa... lưng trời
Miền núi trời thường rét sớm. Cái rét như cắt cứa thịt da. Đó là chưa kể đến mây mù, có khi đứng chỉ cách vài bước đã khó thấy mặt nhau. Thế nhưng, bất kể có sương mù hay giá rét, ở phía góc chợ Mường Lống, bà Giàng Thị Hảu, người Mông, ngoài 70 tuổi, ngồi lặng lẽ bên cái mẹt rách bày mấy bắp ngô, củ khoai cùng ít măng và nấm. Những hôm trời rét, bà phải đốt thêm vài thanh củi cho đỡ lạnh. Ánh lửa lóe lên khó nhọc, khói bay lên tràn trụa. Bà úp đôi tay gân guốc vào bếp than vậy mà người vẫn run cầm cập... Những hôm trời quang, đứng từ cổng trời nhìn xuống cũng có thể thấy nóc nhà bà lấp ló, bàng bạc dưới lòng thung. Nhưng, nếu đi bộ từ chợ về ít nhất cũng phải nửa buổi. Nhà nghèo, phiên chợ nào bà cũng đi cùng mấy người trong bản đi bộ gùi hàng lên đây để bán.
Niềm vui của bà Súa sau phiên chợ
“Cũng muốn ở nhà lắm chứ. Nhưng ruộng nương làm chẳng đủ ăn. Con cái đông mà đứa nào cũng chỉ lo được cho gia đình nó là may lắm. Già thế này chứ già nữa cũng phải kiếm tiền mà nuôi thân chứ biết làm sao”, bà Hảu bùi ngùi. Nhớ hồi đầu lên đây bán xong trở về chân bà đi không nổi. Nhưng thấy ngô đem lên chợ bán cao hơn tại nhà một hai giá nên đôi chân già lại lê lết. Những hôm trời mưa rét, áo không đủ ấm, bà quấn quanh người thêm những lớp vải nilon rồi gùi quẩy tấu đi.
Người này rỉ tai người kia, dần dần người già trong bản cùng rủ nhau đi. Sáng sớm ngày 14 và 29 âm lịch, họ gùi hàng lên chợ bán được chừng nào thì bán không thì gùi về. Nhiều khi, họ còn gùi bán thêm cả ngô nướng để tăng thu nhập. Hết mùa ngô, họ quay sang mặt hàng bằng măng rừng, cải mèo… Nếu đắt hàng, một ngày các bà có thể kiếm một đến hai trăm ngàn, thu nhập như thế cũng tàm tạm so với làm nương hay đi rừng. Thế nhưng, cũng có ngày gùi hàng đi bao nhiêu thì mang về bấy nhiêu. Dù có như vậy thì phiên chợ sau họ vẫn lầm lũi mang hàng xuống chợ, bất chấp chuyện có bán được hàng hay ế ẩm, bất chấp cả tuổi già chưa biết sẽ kéo đôi chân ngã quỵ lúc nào. Tất cả chỉ vì miếng cơm, manh áo.
Ngồi kế bên sạp hàng của bà Hảu là mớ rau của ông Thò A Chúng, 62 tuổi, ở Mường Lống. Vợ ông, bà Sùng Thị Súa (61 tuổi) mang dăm cây mía ra đường bán, ông ngồi trông hàng thay cho vợ. Ở tuổi gần đất xa trời, vợ chồng ông Chúng chả có gì gọi là tài sản. Căn nhà xập xệ, lợp bằng cỏ tranh nằm hiu hắt bên sườn núi. Bốn cột nhà chằng vào một tảng đá lớn nằm lọt thỏm giữa đám lau lách vượt mặt. Tường nhà được ghép từ đá, thứ ở vùng đất cao nguyên này rất sẵn, sờ đâu cũng thấy. Nếu muốn tìm trong căn nhà kỳ dị ấy một thứ gì giá trị thì đó chỉ có thể là chiếc đài radio lúc nói lúc không.
“Đất dưới kia chật hết rồi. Con cái lại đông nên phải nhường đất cho chúng làm ăn. Hai ông bà già kéo nhau lên đây dựng túp lều gieo trồng được thứ gì ăn thứ nấy thôi”, ông Chúng vừa nói vừa chỉ tay xuống cái thung lũng lèn chặt mây mù, nằm cách chợ một thôi đường.
Chợ “xóa đói, giảm nghèo”
Ông Chúng kể, ngày mới lên núi, nhà chẳng có gì ăn. Nhưng rồi những đôi chân già nua, những đôi tay mang đủ thứ bệnh về xương vẫn phải lần mò lật từng viên đá, tìm từng hốc đất để trỉa ngô, gieo lúa nương… Lạ thay, những vụ mùa trầy trật như thế vẫn có thể giúp họ bám trụ nơi đỉnh trời này. Ông Chúng bảo: “Ngày xưa làm nông dân ở đây sướng lắm. Đất rừng rộng mênh mông, chẳng cần phải tranh chấp với ai. Muốn nhiều hay ít thì tùy thuộc vào việc mình có lật được nhiều đá không thôi. Muốn làm bao nhiêu thì làm. Giờ thì chính quyền giao khoán cho từng hộ rồi”.
Ngay dưới chân nhà ông Chúng, có một con suối nhỏ. Cả xóm chung nhau nguồn nước đó, nhưng cứ nửa năm có nửa năm không. Mùa hạn, nhà nào cũng vậy, đàn ông thường là người lĩnh trách nhiệm vào rừng kiếm củi gùi xuống núi để đổi nước. Tuy vất vả, nhưng đó cũng là cách để những người như ông Chúng giao lưu với thế giới bên ngoài. “Chân còn bước được thì phải đi thôi, ở trong xó núi này có khi chết cũng chẳng ai biết được”, ông Chúng tâm sự.
Một góc chợ Mường Lống
Xóm chỉ vỏn vẹn có vài nóc nhà nên ông Chúng có thể đọc tên từng hộ. Hộ trẻ nhất là gia đình ông Thò A Bia cũng đã 58 tuổi. Nghe ông Chúng nói thì đây là gia đình khá giả nhất bản. Gọi là khá, nhưng nhà ông Bia cũng chỉ vỏn vẹn hai vợ chồng. Ông bảo rằng mấy nhà khác trong bản “phong” cho khá bởi vì nhà lợp proximang, trong nhà có vài con gà với dăm ba con bồ, con lợn. “Xưa nhà chúng tôi sát với Lào, mới chuyển về đây được vài chục năm. Bám chợ, nhờ chợ nên mới được như bây giờ. Nhiều khi chúng tôi còn gọi vui đây là chợ “xóa đói, giảm nghèo””, ông Bia cười dí dỏm.
Hàng ngày, ông Bia vượt “biển đá”, lang thang vào rừng tìm cây thuốc. Trong gùi của ông ngoài con dao rừng thì luôn có đùm cơm mà bà vợ nắm vội để ông ăn phòng khi đói bụng. Cả tuần leo rừng như thế, đến phiên chợ ông lại gùi hàng xuống chợ cho vợ bán. Giờ thuốc tây, thuốc ta nhiều, mấy nắm lá rừng của ông cũng ít được người ta ưa chuộng. Ngày ế nhiều hơn ngày bán đắt, cuộc sống của vợ chồng ông mỗi ngày thêm khó. Nhưng nhiều tháng, nhiều năm nay, ít khi nào vợ chồng ông bỏ chợ. Bởi, chỉ cần nhãng một vài phiên, trong nhà sẽ chả còn gì để cho vào miệng. Đói bụng thì phải đi thôi, ông Bia lại cặm cụi lên rừng…
Cứ thế, hết phiên chợ này đến phiên chợ khác, những người già như bà Hảu, ông Chúng, ông Bia cứ lầm lũi mưu sinh. Cuộc mưu sinh của họ không buồn, cũng không vui, lặng lẽ như con suối phía dưới cổng trời. Đáng lẽ ở cái tuổi ấy, họ phải được sống những ngày an nhàn, thơi thoáng, vậy mà ở đây, họ lại phải đi ngược quy luật của tự nhiên. Cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, họ phải ngày ngày “lên trời” kiếm sống. Nhưng chính những nhờ họ, nhờ những sắc áo thổ cẩm, nhờ những măng, ngô, khoai, sắn và nhờ cả những khuôn mặt thật thà, chất phác của họ đã tạo nên một phiên chợ đậm đà hương vị vùng cao.