Sáng 30/10, bác sĩ Trần Ngọc Minh - Giám đốc BVĐK huyện Krông Bông (Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đã đưa hình thức xử lý đối với kíp trực đi ăn tối để bệnh nhi tới khoa Ngoại khám chữa bệnh nhưng không thấy bác sĩ với hình thức phê bình rút kinh nghiệm.
Bác sĩ Minh cho biết thêm, theo giải trình của kíp trực, khoảng 17 giờ 40 phút, ngày 19/10, các y, bác sĩ và nhân viên khoa Ngoại tranh thủ ra căng tin bệnh viện ăn cơm nên khi bệnh nhi bị tai nạn giao thông được đưa vào cấp cứu đã không thấy có bác sĩ trực. Tuy nhiên, khi nhận được tin báo của điều dưỡng bệnh viện thì mọi người đều bỏ dở bữa cơm đang ăn để chạy về khoa tiếp tục làm việc.
“Qua các cuộc họp, xét thấy đó không phải là bỏ trực mà là các anh em đi ăn cơm nên không đưa ra hình thức kỷ luật mà phê bình rút kinh nghiệm cả kíp trực ngày hôm đó. Qua đây bệnh viện cũng quán triệt việc điều dưỡng phải hướng dẫn chi tiết cho người nhà bệnh nhân để tránh xảy ra việc tương tự này”, bác sĩ Minh cho hay.
Cháu T. mặt bê bết máu được bố bế đi tìm bác sĩ
Theo báo cáo của Sở Y tế Đắk Lắk, vào lúc 17 giờ 42 phút ngày 19/10, Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông tiếp nhận bệnh nhi T.V.T (SN 2015, trú tại thôn 3, xã Khuê Ngọc Điền, huyện Krông Bông) bị tai nạn giao thông. Lúc nhập viện bệnh nhi tỉnh táo, có vết thương dập phần mềm ở vùng trán, máu chảy lan ra vùng mặt nhưng đã ngưng chảy, còn rỉ máu. Sau đó, điều dưỡng khoa Cấp cứu nhận bệnh và hướng dẫn người nhà đưa bệnh nhi lên khoa Ngoại để xử lý vết thương.
Tuy nhiên, người nhà đưa bệnh nhi lên khoa Ngoại nhưng không thấy cán bộ y tế nên đã quay lại khoa Cấp cứu. Lúc này bác sĩ Lê Văn Trung - Trưởng phòng Kế hoạch Nghiệp vụ (người trực lãnh đạo) và một điều dưỡng đang có mặt ở khoa. Điều dưỡng hướng dẫn người nhà lên khoa Ngoại và điện thoại thông báo với bác sĩ khoa Ngoại.
Tại thời điểm nhận bàn giao của ca trực trước và ca trực sau tại khoa Ngoại vì không có bệnh nhân mới và tưởng còn cán bộ của phiên thường trực trước tại khoa nên ca trực sau tranh thủ đi ăn cơm tại căng tin bệnh viện (cách khoa 50m). Sau khi nhận được điện thoại, điều dưỡng Phan Đình Ba (khoa Ngoại) đã trở về và xử lý băng ép vết thương cho cháu T. Sau đó, người nhà xin chuyển tuyến đưa bệnh nhi lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Cũng theo báo cáo, trong quá trình tiếp nhận và xử lý cấp cứu bệnh nhi, người nhà không có ý kiến gì và thông cảm cho việc chờ cán bộ y tế vài phút từ căng tin về. Người quay clip đưa lên mạng xã hội Facebook không phải là người nhà bệnh nhi. Thời gian bệnh nhi vào viện đến lúc được xử lý vết thương khoảng 5- 6 phút và thời gian từ lúc vào viện cho đến khi chuyển viện chỉ khoảng 20 phút.
Như Báo Công lý đã đưa tin, vào tối 19/10 trên mạng xã hội Facebook lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một bé trai bị tai nạn giao thông và được bố bế vào Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông cấp cứu trong tình trạng máu me bê bết khắp khuôn mặt. Tại khoa Cấp cứu, có người hướng dẫn bố cháu bé đưa con vào Khoa Ngoại để được thăm khám. Tuy nhiên, khi vào khoa này thì không có bác sĩ nào ở đó mặc dù cửa phòng và máy tính trên bàn vẫn còn hoạt động. Lúc này, người nhà xuống gặp bác sĩ khoa Cấp cứu thì lại được hướng dẫn lên khoa Ngoại nhưng vẫn không có bác sĩ.
Khi đoạn clip được đăng tải nhận được rất nhiều bình luận, chia sẻ vụ việc, đa số đều bất bình trước cách làm việc của y, bác sĩ nơi đây.