Giáo dục

Phát triển văn hóa đọc từ mô hình thư viện thân thiện tại các trường học

Gia Ân-Thanh Toàn 14/03/2024 - 07:11

Với mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục năng động, sáng tạo, những năm gần đây, các trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xây dựng nhiều mô hình thư viện thân thiện nhằm khuyến khích học sinh đọc sách và học tập. Từ đó, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, tự tìm hiểu và phân tích thông tin. Đây là những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Từ việc xây dựng môi trường giáo dục năng động, sáng tạo

Đến Trường Tiểu học Quỳnh Thạch (huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An) vào giờ ra chơi, sẽ bắt gặp những hình ảnh từng tốp học sinh ngồi đọc sách, báo tại khuôn viên nhà trường và tại thư viện thân thiện Room to read; từng nhóm học sinh vừa đọc vừa trao đổi kiến thức với nhau rất vui vẻ, thoải mái.

a1.jpg
a4.jpg
Đầu năm học 2022 – 2023 trường tiểu học Quỳnh Thạch khai trương và đưa vào sử dụng thư viện thân thiện Room to read.

Em Nguyễn Văn Chi, học sinh lớp 3B, chia sẻ: "Em rất thích đọc sách, báo, vì thế, thư viện nhà trường thực sự là người bạn lớn của em. Nhất là khi được đọc sách ở sân trường thoáng đãng, mát mẻ như thế này, em thấy càng dễ nhập tâm, ghi nhớ hơn".

Xuất phát từ ý tưởng tạo điểm nhấn về cảnh quan sư phạm, giúp các em học sinh có một sân chơi bổ ích sau giờ học căng thẳng, đồng thời phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, tháng 9-2022, Trường Tiểu học Quỳnh Thạch khai trương và đưa vào sử dụng thư viện thân thiện Room to read với tổng mức đầu tư gần 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Khu nhà thư viện được thiết kế đơn giản với hệ thống bàn ghế, giá sách và trên 2.000 đầu sách.

Cô Hồ Thị Huệ - Cán bộ thư viện nhà trường cho biết: Để bổ sung phong phú đầu sách và duy trì hoạt động của thư viện, nhà trường đã đẩy mạnh tuyên truyền, phát động đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia quyên góp sách.

Ngoài ra, nhà trường cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi kể chuyện, kể chuyện bằng tranh, kể chuyện theo chủ đề... góp phần rèn kỹ năng đọc, nghe, nói cho học sinh. Đồng thời, xây dựng nội quy, sắp xếp thời khóa biểu cho hoạt động tại thư viện của từng lớp học cụ thể, bảo đảm tất cả học sinh đều được đọc sách và tham gia hoạt động tại thư viện.

Hàng tuần, có thay đổi các đầu sách theo từng chủ đề cụ thể kết hợp với đa dạng các loại sách trưng bày phù hợp với từng lứa tuổi để tạo hứng thú, thu hút nhiều hơn các em học sinh tự giác đến với văn hóa đọc.

a5.jpg
a7.jpg
Từng nhóm học sinh vừa đọc vừa trao đổi kiến thức với nhau tại sân trường tiểu học Quỳnh Hậu rất vui vẻ, thoải mái.

Bước chân vào thư viện thân thiện tại Trường Tiểu học Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu – Nghệ An), dễ dàng cảm nhận được không gian mở, gần gũi, thân thiện nơi đây. Thầy Hồ Trung Úy – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Mô hình thư viện thân thiện mới này có tính ưu việt hơn hẳn so với thư viện truyền thống trước đây. Từ những “kho” chứa sách ban đầu, thư viện được mở rộng về diện tích, thiết kế sáng tạo, đẹp mắt, tạo ra một không gian, môi trường đọc sách thân thiện với học sinh".

Đến việc xây dựng thư viện thân thiện cho học sinh

Các loại đồ dùng, thiết bị được trang bị đầy đủ, đáp ứng tốt nhất cho việc đọc của học sinh như: Giá, kệ, giỏ đựng sách, bàn ghế, thảm xốp trải phòng, hệ thống bảng biểu... Việc bố trí hợp lý đã tạo nên không gian thân thiện, gần gũi.

Ngoài ra, quy trình mượn sách cũng đơn giản để khuyến khích các em chủ động mượn sách. Thư viện còn có bảng hướng dẫn học sinh tự tìm sách theo mã màu phù hợp trình độ đọc. Ví dụ: Xanh lá, đỏ, cam, trắng, xanh dương, vàng… Tại các giờ đọc, cán bộ thư viện và giáo viên giúp học sinh tìm sách phù hợp với trình độ đọc, giúp các em cảm thấy thư viện là nơi thoải mái và không bị áp lực khi đọc.

Những năm gần đây, việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc đang là một trong những hoạt động trọng tâm của nhiều nhà trường trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu nhằm rèn luyện năng lực tự học, đọc, chủ động, giúp học sinh phát triển và mở rộng kiến thức. Đến nay, thư viện các trường trên địa bàn huyện có tới hàng trăm nghìn bản sách, báo, tài liệu tham khảo; trong đó truyện đọc, sách báo dành cho học sinh chiếm từ 40 - 60%.

Ngoài thư viện chung, các nhà trường cũng khuyến khích các lớp xây dựng tủ sách nhỏ, thân thiện ngay trong lớp học giúp mỗi học sinh dễ dàng và chủ động lựa chọn thời gian đọc sách trong những lúc rảnh rỗi.

a6.jpg
a3.jpg
Cán bộ thư viện nhà trường hướng dẫn học sinh tra cứu sách.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng văn hóa đọc, các thầy cô đã hướng dẫn cho học sinh cách chọn lựa đầu sách hay, những cuốn sách bổ ích, trang bị nhiều kiến thức cần thiết trong cuộc sống cũng như trong học tập...

Các hoạt động đọc sách tại thư viện trong các trường học đã mang lại niềm vui, sự sáng tạo, nuôi dưỡng sự thân thiện giữa thầy và trò, giữa lớp với lớp. Đọc sách giúp các em được tiếp thu những kiến thức mới, vừa được học, vừa được chơi, vừa được thư giãn sau những giờ học căng thẳng ngay tại trường học.

Việc đọc sách chủ động còn giúp các em phát triển một cách toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, về năng lực, phẩm chất, tâm hồn và nhân cách, góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục tại các nhà trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển văn hóa đọc từ mô hình thư viện thân thiện tại các trường học